25/03/2017 08:20 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tháng 3 này, sau quãng thời gian 51 năm làm việc cho AP, phóng viên ảnh Nick Út từng đạt giải thưởng cao quý Pulitzer sẽ chính thức “đóng máy” nghỉ hưu.
Nick Út sinh ngày 29/3/1951, tên khai sinh là Huỳnh Công Út, quê quán tại tỉnh Long An. Ông bắt đầu làm phóng viên ảnh đại diện cho hãng AP tại Sài Gòn từ năm 16 tuổi. Anh trai của Út cũng từng là một phóng viên chiến trường của AP song đã mất sớm trong lúc tác nghiệp.
Từ địa ngục…
Hơn nửa thế kỷ làm một phóng viên năng động và yêu nghề, Nick Út đã chụp được hàng chục ngàn bức ảnh đủ mọi khía cạnh cuộc sống, nhưng bức ảnh đen trắng mang tên “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” mà ông chớp được trong những tháng ngày vào sinh ra tử cùng cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1972 là để đời hơn cả. Nổi bật trong bức ảnh chấn động lịch sử này chính là hình ảnh một bé gái hoảng sợ gào khóc, trần truồng bỏ chạy vì quần áo, da thịt của em vừa bị bom đốt cháy. Sau này, người ta xác định bé gái trong ảnh là Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi. Phúc cùng với những đứa trẻ khác trong ảnh đã chạy về phía của Nick Út, đằng sau lưng là làng quê Trảng Bàng, Tây Ninh vừa bị máy bay Mỹ dội bom napalm thiêu cháy. Bức ảnh này còn có tên gọi khác, thậm chí là nổi tiếng hơn: “Em bé Napalm”.
“Bức ảnh đã lột tả rõ rệt thứ đã trở thành một chuyện thường gặp tại Việt Nam những năm đó – bom napalm trút xuống các ngôi làng xa xôi, người dân thường bị sát hại và sợ hãi bởi cuộc chiến, những bức ảnh mà chúng tôi hiếm khi có được trong quá khứ”, Peter Arnett một phóng viên chiến trường từng đạt giải Pulitzer nhận xét về “Em bé Napalm”.
Út mới 21 tuổi khi chụp bức ảnh đó vào ngày 8/6/1972. Sau khi bấm máy, ông vội chạy tới cho bé Phúc uống nước, tưới nước lên các vết bỏng rồi đưa cô bé và những người bị thương khác lên xe ô tô của hãng tin, đưa tới bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ ở đó từ chối tiếp nhận Phúc vì cho rằng bé bị bóng quá nặng, khó cứu sống. Nghe vậy, Út giận dữ chìa ra cho họ thấy tấm thẻ báo chí của mình. Ngày hôm sau, ông nói với họ rằng bức ảnh về cô bé sẽ được đăng khắp thế giới, cùng với một dòng chú thích bệnh viện đã từ chối cứu cô bé như thế nào.
Nick Út từng có lần kể rằng ông đã bật khóc khi trông thấy Phúc chạy lại từ xa. “Nếu tôi không giúp cô bé, nếu điều gì đó xảy ra và cô bé chết, tôi nghĩ mình sẽ tự kết liễu bản thân sau đó”, Út chia sẻ. Nói về tấm hình giúp ông giật giải Pulitzer năm 1973, Út khẳng định: “Bức ảnh đã thay đổi cuộc đời tôi”.
Bức ảnh của Phúc, dù tạo được ấn tượng mạnh, song cũng chỉ là một miếng ghép nhỏ trong chuỗi hình ảnh kinh hoàng mà Nick Út chụp được trong những năm tháng khốc liệt mà Mỹ đem quân xâm lược, gieo rắc nỗi đau khổ chiến tranh cho hàng triệu người dân Việt Nam.
Trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm đạt giải Pulitzer, Nick Út đã trở thành người thứ ba được hãng máy ảnh Leica vinh danh vì những cống hiến cho sự nghiệp ảnh báo chí của ông.
Nhìn thấy bức ảnh được đăng trên các mặt báo ngày 12/6/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó từng nói với Chánh văn phòng Nhà Trắng H. R. Haldeman rằng ông nghi ngờ về độ chân thực của “Em bé Napalm”, cho rằng nó có thể đã qua “chỉnh sửa”. Sau khi đoạn băng ghi âm cuộc hội thoại trên được công bố, ông Út đã bình luận rằng: “Bức ảnh đối với tôi và không thể nghi ngờ đối với nhiều người, không thể nào chân thực hơn được nữa. Tấm hình là xác thực như thể cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn vậy. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam do tôi chụp lại không hề bị chỉnh sửa”.
…tới Hollywood
Một buổi sáng gần đây tại phòng họp ở trụ sở AP tại Los Angeles (Mỹ), Nick Út giở lại tập hồ sơ đựng một số bức ảnh nổi tiếng của ông. Người đàn ông đã bạc trắng tóc này ngồi ôn lại từng sự kiện. Ông nói đùa rằng: “Bất cứ ngôi sao nào gặp vấn đề, họ sẽ trông thấy tôi”. 44 năm làm việc trên đất Mỹ, ông đã theo chân các minh tinh, tài tử tới thảm đỏ Hollywood hay cùng họ tới tòa án xét xử vì hành vi phạm tội.
Tấm này chụp tài tử Robert Blake thổn thức sau khi tòa kết luận ông không giết vợ. Trong ảnh khác, ông hoàng nhạc pop Michael Jackson đang nhảy trên một nóc một chiếc xe hơi đỗ bên ngoài tòa án nơi ông vừa được xử trắng án về hành vi quấy rối trẻ em. Có lẽ bức ảnh nổi tiếng hơn cả là cô nàng Paris Hilton đẫm nước mắt khi biết mình sẽ phải ngồi tù vì vi phạm luật luật giao thông vào ngày 8/6/2007, tròn 35 năm sau ngày ông chụp tấm “Em bé Napalm”.
Ngày hôm đó, hàng trăm phóng viên ảnh đã vây xung quanh nhà của Hilton ở Hollywood chờ đợi cô xuất hiện. Tuy nhiên, bức ảnh do Nick Út chớp được Hilton ngồi khom mình trong xe cảnh sát, tóc lòa xòa trên mặt, khóc lóc đã được đăng khắp thế giới. Ông Út cho biết bản thân đã rất may mắn khi bấm máy từ trên xe mô tô, kịp thời trước khi xe cảnh sát phóng vụt đi.
Út cũng có lần kể rằng diễn viên gạo cội Warren Beatty từng gọi ông ra một góc riêng tư bên lề sự kiện Đại lộ Danh vọng của Hollywood và hỏi chuyện ông về bức ảnh “Em bé Napalm” suốt 30 phút.
Nữ diễn viên Joan Collins sau khi biết chính là phóng viên chụp tấm hình trên cũng đã mở một chai rượu sâm-panh để mời ông trong một buổi chụp hình tại nhà riêng. Ông Út cho biết thái độ của bà Collins hôm đó thân thiện hơn hẳn so với ngày ông chụp hình bà tại phiên xét xử ly dị với chồng.
Nick Út dự định khi về hưu sẽ dành thời gian rảnh để chăm sóc các cháu nội và chụp thêm ảnh. “Tôi sẽ chụp ảnh cho tới khi chết. Máy ảnh giống như bác sĩ và thuốc của tôi”, ông Út chia sẻ.
Theo Hoàng Trang - Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất