Sao Trung Quốc đua nhau 'đạo', 'nhái' sao Hàn, vì sao?

13/08/2016 07:04 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chuyện các nghệ sĩ Trung Quốc “dính” scandal đạo, nhái phong cách, váy áo hay sản phẩm của những đồng nghiệp trong làng giải trí Hàn thực tế đã là chuyện “xưa như Trái Đất”.

Cứ thi thoảng, các trang tin giải trí lại đầy rẫy những tiêu đề bài viết kiểu như “người hâm mộ phản đối ca sĩ, nhóm nhạc A, B, C vì bắt chước nghệ sĩ X, Y, Z”. Hiện tượng này nói lên 2 thực tế: một là chuyện đạo, nhái đã trở thành điều không hiếm, hai là dù bị các fan la ó, thậm chí tẩy chay, nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường này.

Thành danh hay chưa cũng đều do... “đạo”

Hồi tháng 5 năm nay, nhóm nhạc thần tượng K-pop G-Friend đã trở thành nạn nhân tiếp theo của phong trào “bắt chước phong cách” này, khi một nhóm nhạc nữ Trung Quốc xuất hiện với vẻ ngoài y chang họ. Khi ban nhạc nữ người Hoa AOS tung MV chủ đề With You, ngay lập tức sản phẩm này bị cộng đồng mạng “ném đá” và đánh giá là chẳng khác gì so với G-Friend thời quảng bá Rough.

Từ trang phục giống nhau đến 99%, nhịp điệu ca khúc na ná cho tới màn vũ đạo cũng có vẻ “lấy cảm hứng” từ nhóm nhạc Kpop, AOS đã bị người hâm mộ ở cả hai nước Trung - Hàn ném đá kịch liệt.


Hình ảnh của “bản gốc” Girl Friend (trái) và “hàng nhái” AOS

Trên các diễn đàn, họ còn lập ra nhiều chủ đề để chia sẻ những bằng chứng so sánh sự giống nhau giữa AOS và G-Friend.

Trước đó, một vụ lùm xùm khác liên quan tới vấn đề đạo, nhái cũng thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận. Đó là khi TFBOYS, nhóm nhạc nam Trung Quốc có độ nổi tiếng tại quê nhà không thua gì so với EXO tại Hàn Quốc, cũng bị chỉ trích là đạo nhạc. Cụ thể, MV ca khúc Young của họ bị “tố” là hàng nhái của MV Miracles in December mà EXO phát hành trước đó.

Các cư dân mạng đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng trong ý tưởng và khung cảnh thực hiện MV của TFBOYS và EXO. Cả Young và Miracles in December đều mở màn với hình ảnh chơi piano của một thành viên trong nhóm. Tiếp đó là cảnh đùa nghịch với chú cún con, hay ba thành viên dàn hàng ngang đứng hát, bối cảnh tuyết rơi mà TFBOYS thực hiện trong MV của mình đều khiến nhiều người liên tưởng đến MV phát hành từ năm 2013 của EXO.

Lý do “đạo, nhái” thành bệnh nan y

Giữa vô vàn xùm lùm liên quan tới việc nghệ sĩ Trung Quốc bắt chước các thần tượng Hàn Quốc từ xưa tới nay, hai ví dụ trên có lẽ là đủ để thấy việc ai cũng có thể dính vào scandal “đạo, nhái”, từ người ít tiếng tăm tới những ai đã được công chúng đón nhận rộng rãi. Nguyên nhân của vấn nạn này thì nhiều, nhưng rõ ràng nhất phải kể tới một số chi tiết sau.

Lý do đầu tiên bắt nguồn từ yếu tố văn hóa. Tại Trung Quốc, đất nước vốn “nổi tiếng” với những nhà máy sản xuất hàng nhái đủ mọi lĩnh vực, từ thời trang, đồ điện tử, đến cả... thực phẩm, thì việc một số người coi bắt chước là điều bình thường cũng khá dễ hiểu.

Nếu như ở các nước phương Tây, vấn đề bản quyền được quản lý chặt chẽ, những vụ đạo ý tưởng bị phạt nặng, thậm chí bị cáo phải bồi thường hàng triệu USD, thì các trường hợp tương tự xảy ra tại một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, ít nhiều chưa được xử lý ở mức đủ sức răn đe. Nói cách khác, một người thường có xu hướng coi việc gì đó là bình thường và dễ chấp nhận khi sống trong môi trường mà nhiều người xung quanh họ cũng thế.

Thứ hai, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển nhất tại châu Á. Các nghệ sĩ nước họ được đào tạo bài bản, công phu cũng như được đầu tư về mặt hình ảnh kĩ lưỡng. Đây là lý do khiến không chỉ người hâm mộ Trung Quốc, mà các fan ở nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng say mê các thần tượng đến từ xứ kim chi, đơn giản vì họ luôn xuất hiện trong những hình ảnh... hoàn hảo.

Tuy nhiên, sức hút này có mặt trái của nó, cũng như việc một thứ gì đó hay ho, hoàn hảo thường dễ khiến mọi người muốn học theo. Và cái sự “học theo” này, nếu không kèm với những sáng tạo của riêng mình, sẽ trở thành “bắt chước” và “đạo, nhái” đơn thuần.

Ngoài ra, đối với các thần tượng đến từ khu vực Âu - Mỹ, các fan châu Á không phải lúc nào cũng tìm thấy điểm tương đồng. Ví dụ như phong cách ngang tàng của Kanye West, người có thể tự hào ví mình là “Chúa trời” hoặc “rapper duy nhất sánh được với Michael Jackson” trong các sản phẩm âm nhạc do bản thân sáng tác, thu hút khá nhiều fan ở Âu - Mỹ, nhưng ở các nước châu Á lại chưa tạo được hiệu ứng đáng kể.

Sự khác biệt về gu thưởng thức của khán giả cũng là một nguyên nhân nữa khiến nhiều nghệ sĩ Trung Quốc hay đạo lại phong cách của các đồng nghiệp Hàn Quốc và một số nước trong khu vực hơn.

Cần nhấn mạnh rằng những điều vừa đề cập trên đây chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh về vấn nạn “đạo, nhái”, có nghĩa là các nghệ sĩ Trung Quốc cũng nhiều khi trở thành nạn nhân bị đạo sản phẩm, và chuyện lấy cắp ý tưởng là điều đang xảy ra một cách đa chiều, chứ không riêng gì giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Duy An (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm