30/08/2016 06:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 (28/8) được phát trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia và 14 đài địa phương, đồng thời có livestream trên Youtube, Facebook. Nhưng ngoài những gì lọt vào khung hình tivi, vẫn có những câu chuyện để lại ấn tượng riêng với người xem trực tiếp...
Địa điểm tổ chức đã phù hợp?
Với sức chứa khoảng 5.000 người trong thiết kế tiêu chuẩn, (và có thể kê thêm ghế ngồi ở khu vực lòng nhà thi đấu), nhà thi đấu Phú Thọ đáp ứng được nhu cầu cho một sự kiện cần đông đảo khán giả dự khán. Nhất là với một đêm chung kết hoa hậu được tài trợ bởi hàng chục nhãn hàng lớn nhỏ và rất cần đủ chỗ cho khách mời của tất cả các bên – điều các nhà hát hiện có tại TP.HCM không thể đáp ứng.
Tuy nhiên, nhà thi đấu Phú Thọ đúng vào ngày diễn ra chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 vẫn ngổn ngang các gian hàng triển lãm trong sân. Bất kể đi từ cổng phía đường Lý Thường Kiệt hay đường Lữ Gia, người ta đều gặp phải những gian hàng này. Có những đoạn sân như đoạn nối từ cửa số 4 sang cửa số 6 của nhà thi đấu, khán giả buộc phải đi trên bậc cầu thang đá vẫn còn ướt vì mưa. Ngay trước mắt người viết, một nữ khán giả trung niên, với giày cao và váy dài thướt tha, đã trượt chân ngã sõng soài trên bậc cầu thang này.
Sự xuất hiện của Bi Rain đã kéo được một số khán giả người Hàn Quốc đến đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016. (Ảnh: Gia Tiến)
Bên trong nhà thi đấu, tại những khu vực khán đài trên cao (dành cho những hạng vé ít tiền nhất), việc đi lại có vẻ như thuận lợi bởi có sự bố trí cân đối cửa vào từ thiết kế cơ bản. Còn với khu vực lòng nhà thi đấu, nơi của các hàng ghế từ hạng vé Bạc loại 1 (10 triệu đồng) đến hạng bạch kim (25 triệu đồng), cửa vào chỉ có một. Tất cả đi từ góc trái (so với sân khấu) nhà thi đấu vào đến lối đi giữa hoặc sang hai bên để tới chỗ ngồi.
Các hàng ghế kê quá sát nhau, muốn đi từ hai bên vào các ghế phía trong, khán giả đều phải thu mình hết cỡ nhưng cũng không tránh được việc va quệt vào người đã yên vị, thậm chí vấp vào chân ghế. Muốn đi lại thoải mái, người ta phải dịch chuyển cả để bước vào. Trong tình cảnh váy áo giày dép được chuẩn bị để “đi trảy hội”, việc này có phần bất tiện.
Giá vé chỉ để làm sang
Hoa hậu Việt Nam 2016 có nhiều dấu ấn về mặt truyền thông, trong đó chuyện giá vé cũng là một dấu ấn gây tò mò. Giá vé các hạng gồm GA (3 triệu), Bạc 3 (5 triệu), Bạc 2 (7 triệu), Bạc 1 (10 triệu), Vàng (15 triệu), Kim cương (10 triệu) và Bạch kim (25 triệu).
Chiếc vé Bạch kim có LCD bên trong. Ngay khi mở vé ra, màn hình này sẽ phát các clip về cuộc thi và clip tự giới thiệu của các thí sinh. Khán giả có vé Bạch kim còn được mời tham dự dạ tiệc thảm đỏ và nhận những tặng phẩm của các nhà tài trợ. Ghế ngồi là những chiếc sofa êm ái. Ngoài ra, theo thông báo từ BTC, khán giả của vé Bạch kim còn được phục vụ thức ăn, nước uống trong lúc đang diễn ra chương trình.
Thực tế, việc ăn uống này không thể diễn ra với tình hình đi lại khó khăn do sự lộn xộn từ chính đội ngũ quay phim và bảo vệ. Chỉ một vài nhân viên phục vụ bưng đồ ăn đến, nhưng cũng chỉ vài khách ngồi ở khu vực hai bên lối đi giữa nhà thi đấu lấy được đồ ăn. Và họ cũng không phải khách hạng Bạch kim nhưng lại vô tình được hưởng thụ.
Nói về lối đi để vào các hàng ghế sang nhất, ngay từ sớm, máy móc của truyền hình và các nhiếp ảnh gia đã bày la liệt. Thậm chí ở khu vực các hàng ghế cuối (hàng V, Y, Z bên lẻ) còn bị truyền hình trưng dụng để quay cảnh khách mời phát biểu. Điều đáng nói, một số người làm truyền hình không có nổi một lời nói lịch sự với khán giả có vé tại những chiếc ghế đang được trưng dụng. Thay vào đó, họ phẩy tay như xua đuổi những khán giả này.
Trong suốt thời gian chương trình diễn ra, lối đi chính giữa bị lấp kín bởi đội ngũ quay phim, chụp ảnh và “đội quân áo đen” – bộ phận bảo vệ của BTC và cũng như của nhà thi đấu. Thỉnh thoảng, đã có những cuộc tranh cãi giữa khách mời hoặc những người chụp ảnh với "đội quân áo đen này". Thậm chí, có thời điểm, chính hai lực lượng bảo vệ này lại to tiếng với nhau ồn ào cả một góc.
Được biết, những hạng vé đắt tiền đều phục vụ nhà tài trợ và khách mời. (Một số nhãn hàng đăng thông tin tặng vé mời xem thi hoa hậu cho khách hàng khi mua sản phẩm của họ). Và số lượng vé bán ra chủ yếu tập trung vào hạng GA với giá gốc là 3 triệu. Giá giảm khi đã cận ngày diễn đã giảm còn 2,1 triệu đồng.
Trong khi sự kiện thảm đỏ đang diễn ra, dân phe vé vẫn đi lại trước các cổng vào nhà thi đấu, vừa mời mua vé vừa gạ bán lại vé. Một chiếc vé hạng GA được dân phe rao giá 1,5 triệu đồng. Giá chốt để bán là từ 700 ngàn tới một triệu. Những người có vé muốn bán lại, dân phe chỉ trả 200 - 300 ngàn đồng!
Nỗ lực làm mới, nâng tầm một đêm chung kết hoa hậu của nhà tổ chức là đáng ghi nhận. Nhưng với cách thức tổ chức thiếu đồng bộ như vậy, việc khó đạt hiệu quả như mong muốn cũng là điều dễ hiểu.
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất