Sau Sarri, đến lượt Granovskaia bị tẩy chay ở Chelsea

23/02/2019 14:22 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thành tích bết bát của Chelsea không chỉ khiến riêng HLV Maurizio Sarri hứng chịu cơn mưa chỉ trích. Marina Granovskaia, nữ Giám đốc điều hành Chelsea, cũng phải đón nhận cơn mưa gạch đá từ các cổ động viên, thậm chí bà còn bị yêu cầu từ chức.

Chelsea bị cấm chuyển nhượng ở mùa tới

Chelsea bị cấm chuyển nhượng ở mùa tới

FIFA vừa thông báo CLB Chelsea bị cấm tham gia thị trường chuyển nhượng đến năm 2020, không được ký cầu thủ mới vào mùa tới 2019-2010.

Bà Granovskaia là cánh tay phải của Roman Abramovich, và hiện tại phụ trách công tác chuyển nhượng ở Stamford Bridge. Vị thế này giúp bà trở thành một trong số ít những phụ nữ quyền lực trong thế giới bóng đá.

Granovskaia, công không bù tội

Những kết quả tồi tệ gần đây khiến Chelsea rơi xuống thứ 6 ở Premier League, bị loại khỏi Cúp FA. Chỉ trích Sarri mãi cũng nhàm, các cổ động viên Chelsea bắt đầu chất vấn các thành viên Ban lãnh đạo, trong đó có bà Granovskaia, về quyết định bổ nhiệm ông hồi mùa hè năm ngoái.

Người phụ nữ mang hai quốc tịch Nga - Canada này là tác nhân đưa Sarri mang thứ bóng đá Sarri-ball từ Napoli đến Chelsea. Bà được báo chí Anh mô tả là người phụ nữ quyền lực nhất làng túc cầu. Ngoài thương vụ Sarri, Granovskaia còn giúp Chelsea có được hợp đồng áo đấu với Nike vào năm 2017, trị giá 60 triệu bảng/mùa, và kéo dài đến năm 2032. Đó là một bước tiến đáng kể sau hơn một thập kỷ gắn bó với Adidas.

Tất cả các thương vụ liên quan đến nhân sự của Chelsea, từ HLV đến các cầu thủ, đều phải được Granovskaia phê duyệt. Thật dễ hiểu vì sao bà bị chất vấn với quyết định thay thế Antonio Conte bằng Sarri, cũng như những chữ ký kém chất lượng trong các kỳ chuyển nhượng gần đây. Một số thành viên Ban lãnh đạo Chelsea tỏ ra không hài lòng với lựa chọn của bà.

Nhiều cổ động viên bắt đầu bày tỏ sự phẫn nộ với Granovskaia trên trang Twitter cá nhân của mình. Hashtag “Marina Out” ngày càng xuất hiện dày đặc trong bài viết của họ, ám chỉ bà Granovskaia cũng xứng đáng phải rời ghế trong trường hợp Sarri bị sa thải. Một người dùng tên Younes H-Hamou đã thẳng thắn vạch ra vấn đề của người phụ nữ 44 tuổi này: “Việc lãng phí tới hơn 200 triệu bảng cho những cầu thủ chẳng hề đóng góp gì, chưa kể cấu trúc đội bóng ngày càng tệ hại cùng một HLV bảo thủ không chịu thay đổi. Đã đến lúc dừng lại tất cả”.

Không dễ để Granovskaia ra đi

Mong muốn của các cổ động viên hoàn toàn chính đáng, nhưng không dễ để Granovskaia chịu rời bỏ vị trí hiện tại của mình ở Chelsea. Giữa bà và Abramovich có mối quan hệ thân thiết, một phần từ khoảng thời gian 21 năm họ làm việc với nhau. Không lâu sau khi Abramovich mua lại Chelsea mùa hè năm 2003, Granovskaia đã chuyển đến nước Anh làm việc.

Một thực tế không cần bàn cãi: Vị thế của Granovskaia càng ngày càng lớn mạnh ở Stamford Bridge. Bà nắm quyền phê duyệt các thương vụ chuyển nhượng sau khi Michael Emanalo rời khỏi cương vị Giám đốc thể thao vào cuối năm 2017. Khi Abramovich không thể trực tiếp điều hành Chelsea vì trục trặc visa, chính bà Granovskaia là một trong các thành viên thay mặt Abramovich chịu trách nhiệm cho các hoạt động thường ngày của đội bóng, bên cạnh Chủ tịch Bruce Buck và hai thành viên khác gồm Eugene Tenenbaum và Guy Laurence.

Việc Abramovich không thể hiện diện thường xuyên ở nước Anh khiến ông buộc phải đặt niềm tin ở những người điều hành như bà Granovskaia. Thiếu một Giám đốc thể thao khiến Chelsea mất đi một tiếng nói phản biện chuyên môn cần thiết trong các thương vụ chuyển nhượng, cũng như tạo ra định hướng rõ ràng về cách chơi của Chelsea. Những thương vụ mua bán của Chelsea trong hai kỳ chuyển nhượng mùa này hoàn toàn do HLV Sarri trực tiếp đề xuất, trước khi bà Granovskaia đưa ra tiếng nói cuối cùng.

Một khi đã trở thành trợ thủ đắc lực của Abramovich, thật khó để buộc Granovskaia ra đi, trừ phi bà ta chịu rời ghế. Như trường hợp của Emanalo, một người cũng hứng chịu rất nhiều chỉ trích, nhưng chỉ ra đi khi nhận được lời mời từ Monaco. Abramovich chắc chắn sẽ không vui nếu một cộng sự đã gắn bó với mình hơn hai thập kỷ như Granovskaia lại nói lời chia tay Stamford Bridge. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sa thải Sarri, bởi Granovskaia chắc chắn sẽ bảo vệ quyết liệt chiến lược gia 60 tuổi này, người mà bà đã cất công mang về từ Italy. Sa thải Sarri đã khó, đụng đến bà Granovskaia còn khó hơn. Một tài khoản Twitter có tên Singa viết ra một sự thật đau lòng: “Tôi xin lỗi nếu khiến các bạn buồn nhưng Granovskaia chắc chắn sẽ chẳng đi đâu hết. Bà ta chính là người điều hành Chelsea khi Abramovich không xuất hiện. Mà Abramovich thì không tin bất cứ ai khác ngoài những người thân cận với mình. Câu chuyện chỉ đơn giản là vậy thôi”.

Dưới thời Granovskaia, Chelsea mua bán
hỗn loạn

Từ khi bà Marina Granovskaia toàn quyền phụ trách khâu chuyển nhượng cầu thủ từ 2017 đến nay, việc mua sắm của Chelsea ngày càng hỗn loạn, không có một định hướng rõ ràng, dẫn đến một danh sách dài cầu thủ được cho mượn.

Không thể phủ nhận dấu ấn của bà Granovskaia qua một số thương vụ bán cầu thủ với giá cao chẳng hạn như bán Diego Costa cho Atletico Madrid với mức giá 53 triệu bảng, Nemanja Matic sang M.U với mức phí 40 triệu bảng hay vụ Oscar gia nhập Shanghai SIPG thu về 60 triệu bảng.

Mặt khác, bà Granovskaia không ít lần bỏ qua những cơ hội khám phá ngọc trong đá như trường hợp của John Stones hay Romelu Lukaku, với lý do Chelsea không chấp nhận trả quá nhiều tiền cho người đại diện. Thêm vào đó, Chelsea không nhanh chóng giữ chân các trụ cột như Thibaut Courtois hay Eden Hazard, dẫn đến việc họ buộc phải bán Courtois cho Real Madrid với mức phí rẻ mạt, và Hazard cũng chuẩn bị đi theo kịch bản tương tự. Ngoài ra, Chelsea từng nhiều lần mua phải hàng hớ một cách “trời ơi, đất hỡi” như thương vụ Papy Djilobodji từ Nantes năm 2015.

Vấn đề nổi cộm nhất trong công tác chuyển nhượng của Chelsea chính là tình trạng đội ngũ bị phình to quá mức, khiến đội bóng áo xanh buộc phải kéo dài danh sách cầu thủ đi đánh thuê dưới dạng cho mượn. Tính riêng mùa này, đội chủ sân Stamford Bridge có tổng cộng hơn 40 cái tên được cho các đội bóng khác mượn qua hai kỳ chuyển nhượng.

Lùi xa hơn về quá khứ, Granovskaia từng là một trong những tác nhân tạo ra những thương vụ mua đi bán lại kỳ quặc như trường hợp của Nemanja Matic, người bị đẩy đi năm 2011 rồi 3 năm sau lại được Chelsea mua lại với mức phí 21 triệu bảng hay David Luiz, rời Chelsea sang PSG với giá 50 triệu bảng mùa hè 2014 và 2 năm sau Chelsea chỉ mất 34 triệu bảng để đem anh quay lại Stamford Bridge.

Với tình trạng mua sắm như hiện tại, không có gì đảm bảo Chelsea sẽ chấm dứt những thương vụ điên rồ và khó hiểu dưới thời Granovskaia.

Đức Hùng (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm