“Tám” chuyện The Voice

01/10/2012 10:14 GMT+7


Thiên hạ rần rần The Voice, mình cũng té nước theo mưa.



Ruth Brown (phải) - một thí sinh từng rất được yêu thích của The Voice ở Anh - Ảnh: thenigeriandaily.com

Mình nói ai ném đá mình chịu, không phải vì mình đang ở xứ người mà đâm ra nói xấu xứ mình, chứ thực tình xem The Voice của Mỹ, của Anh thích hơn nhiều.

Thứ nhất là vì giá trị nhân văn của chương trình - dù chỉ là chương trình thực tế giải trí thôi - nhưng cũng đầy ắp giá trị ấy.

Bạn cứ thử coi The Voice mùa thứ 3 của Mỹ hay của Anh mà xem. Có đủ hết mọi thành phần: một người béo quá cỡ, một phụ nữ trung niên trọc đầu, một thiếu niên gầy gò như thiếu đói, một bà nội trợ da màu ục ịch (xin lỗi chị hic hic)... Tất cả họ có cơ hội ngang nhau. Khi họ hát, giám khảo quay lại và wow! Ngạc nhiên chưa?

Có thể những người ấy không vào sâu hơn nữa vì có người tài hơn họ, nhưng cái khoảnh khắc họ cháy hết mình để chinh phục giám khảo đang xoay lưng ghế lại kia đã làm họ tỏa sáng! Đó là khoảnh khắc mà tất cả những con người mang theo mặc cảm, phức cảm tâm lý do nhược điểm hình thể, nặng nề quá khứ, ám ảnh bệnh tật... đã quên hết tất cả chỉ để được thăng hoa hết sức với âm nhạc!

Giờ quay lại chuyện The Voice Việt. Mình cứ tiếc hoài và càng tiếc nữa! Mình không quan tâm lắm đến những xìcăngđan xung quanh nhưng cái mình tiếc là tại sao một chương trình có format hay như thế về Việt Nam lại nhạt nhòa phần nhân văn ấy? Đa số người được chọn vào vòng giấu mặt là trai thanh gái lịch, rồi chọn vào vòng trong cũng toàn là gái lịch trai thanh. Hiếm hoi chỉ có cô trung niên duy nhất mà thôi. Có những sự lựa chọn mình thấy khó hiểu!

Phải chăng ban tổ chức đã “bỏ quên” giá trị độc đáo ấy ngay từ vòng loại hoặc chương trình chưa đủ thu hút những tài năng đặc biệt nhưng có chút tự ti không chịu xuất đầu lộ diện? Phải chăng sự tính toán nào đó đã làm các huấn luyện viên chọn người đẹp hơn, “hot” hơn thay vì người hát hay hơn trong vòng đối đầu?

Mình không biết, mình không dám kết luận. Nói gì cũng phải có chứng cứ, nếu không bạn sẽ bị kết tội là vu cáo. Mình chỉ nói mình tiếc cho The Voice phiên bản Việt!

Một chương trình giải trí trên truyền hình không đơn thuần là giải trí vì tính giáo dục luôn phải được cân nhắc. Có thể giá trị nhân văn không nhất thiết phải được PR ồn ào nhưng nó cần là nền tảng để người xem cảm nhận và chia sẻ, để khán giả nhặt được những bài học từ đó. Vua đầu bếp của Mỹ vừa rồi là một ví dụ.

Mình chờ một trò chơi / một chương trình truyền hình thực tế lấp lánh sáng những giá trị nhân bản của con người, vì con người và cho con người trên truyền hình Việt! Chờ được không và chờ đến khi nào?

Trích từ Facebook của TỊNH TÂM

Đoạn viết ngắn về The Voice của Tịnh Tâm - một bạn trẻ đang sống ở nước ngoài - nhận được sự tán thưởng của không ít bè bạn trong cộng đồng nhỏ của mình vì sự đa chiều, chừng mực trong nhận định. Những phiên bản của các chương trình truyền hình nước ngoài mua về dàn dựng tại Việt Nam thời gian qua đều có những mặt mạnh, yếu nhất định.

Tịnh Tâm đã chỉ ra được cái chưa mạnh của một chương trình đình đám đang phát sóng trên truyền hình. Có thể yêu cầu của Tịnh Tâm là quá sức đối với các nhà sản xuất Việt Nam và có người sẽ cho là “không cần thiết”, nhưng từ góc độ của người am hiểu về tác động của truyền hình đến công chúng và chức năng “giáo dục nhận thức” là không thể thiếu thì ý kiến ngắn của Tịnh Tâm đáng được quan tâm.

Hồng Hạnh


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm