28/08/2017 08:40 GMT+7 | SEA Games 29
(lienminhbng.org) - Có rất nhiều điều đáng nói về các chị em phụ nữ trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Malaysia. Từ công việc kinh doanh, công tác chuyên môn cho đến công tác cộng đồng, đều có những chị em năng nổ, nhiệt tình, được bà con người Việt tại đây biết đến và đánh giá cao. Nhưng quan trọng hơn hết là tấm lòng của họ đối với những đồng bào cùng mưu sinh nơi xứ người.
Trong số các chị em tiêu biểu, có thể kể đến bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia. Bà Chang hiện đang là y tá tại Viện Tim mạch quốc gia Malaysia. Sang đây từ cách đây hàng chục năm theo chương trình hợp tác về y tế với nước bạn, từng bước bà đã được lãnh đạo Viện Tim mạch Malaysia công nhận về chuyên môn và sự tâm huyết đối với nghề. Với khả năng ngoại ngữ tốt, sau một thời gian bà đã được Viện ký hợp đồng tuyển dụng thành nhân viên chính thức.
Điều đáng nói nhất về bà Chang chính là sự giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng của bà đối với các bệnh nhân Việt Nam sang đây điều trị cũng như những anh chị em công nhân lao động không may gặp nạn.
Cách đây không lâu, hồi cuối tháng 11/2016, tại một công trường xây dựng ở thủ đô Kuala Lumpur đã xảy ra tai nạn thương tâm khiến một công nhân Việt Nam tử nạn và một người khác tên là Lương Văn Nghị quê ở tỉnh Hải Dương bị thương nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Khi biết tin, bà Chang đã cùng một số chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ có mặt kịp thời. Bà đã gặp lãnh đạo bệnh viện nơi nạn nhân Nghị được đưa đến cấp cứu để tìm hiểu, trao đổi về tình hình và đề nghị bệnh viện cố gắng quan tâm, cứu chữa cho nạn nhân và hỗ trợ những thủ tục về giấy tờ. Hàng tuần bà đều tranh thủ thời gian đến nơi anh Nghị điều trị để thăm hỏi, đồng thời cũng trực tiếp kiểm tra vết thương và cùng trao đổi với các bác sĩ điều trị để nắm tình hình, sau đó trao đổi lại và động viên người nhà nạn nhân.
Khi anh Nghị may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần, được ra viện, trong hơn 1 tuần, bà Chang ngày nào cũng đến nơi trọ của anh Nghị để trực tiếp thay băng, làm vệ sinh vết thương cho anh. Cũng chính bà đã là người đi cùng nạn nhân và gia đình đến tận sân bay, dặn dò cẩn thận những việc bệnh nhân nên chú ý khi về Việt Nam dưỡng bệnh. Tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của bà Chang đã khiến người nhà nạn nhân Nghị cảm động. Họ coi bà như người nhà trong gia đình mình.
Viện Tim mạch quốc gia Malaysia nơi bà Chang công tác hàng năm tiếp nhận khoảng 200 trường hợp từ Việt Nam sang điều trị. Khi biết tin có bệnh nhân đến từ quê nhà, bà Chang đều cố gắng thu xếp để gặp mặt, ít nhất là để động viên thăm hỏi và phiên dịch cho các bệnh nhân và người nhà nắm được tình hình để yên tâm điều trị. Anh Hoàng Cao Hào, bố bệnh nhân nhi Hoàng Mỹ Mỹ quê Hải Hậu, Nam Định, khi đưa con sang đây điều trị đầu tháng 1/2017 đã rất cảm kích trước sự quan tâm của bà. Vợ chồng anh Hào thường gọi bà là cô và xưng con, như là cách để cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ vô tư và hết lòng của bà đối với con gái anh chị.
Đánh giá về bà Chang, bác sỹ Pau Kiew Kong, người trực tiếp phẫu thuật cho bé Mỹ cho biết, y tá Chang không chỉ có chuyên môn vững, ngoại ngữ thành thạo mà còn là người luôn tìm cách giúp đỡ hết mình đối với các bệnh nhân đến từ Việt Nam. Bệnh nhân và người nhà của họ khi gặp bà tại Viện đều có được sự tin tưởng và yên tâm hơn nhiều.
Bà Chang cho biết, có những ca mà bệnh nhân không có khả năng chi trả viện phí, bà đã tận dụng hết những mối quen biết của mình cũng như những hiểu biết về quy định liên quan đến việc điều trị của Malaysia để xin bệnh viện miễn phí điều trị cho họ. Bà nói “Có những trường hợp thương tâm lắm, một mình không có ai, không có tiền, tôi phải cố gắng hết sức để giúp”.
Cách đây không lâu, có trường hợp một phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Malaysia làm việc cho một trung tâm giải trí. Chị này đã “phát điên” và cởi hết quần áo đi lang thang ngoài đường. Khi biết tin, cũng chính bà Chang là người đã đến trực tiếp gặp nạn nhân. Bằng sự nhạy cảm và khéo léo của người phụ nữ, bà Chang đã thuyết phục được cô gái kia về nhà mình. Sau đó bà đã liên hệ với người nhà của cô gái, đồng thời liên hệ với cán bộ Sở Ngoại vụ TP.HCM mà bà quen biết để đưa cô gái trở về.
Đi làm về có những hôm gần 11h đêm, bà lại nhận được tin nhắn từ các chị em thông báo có trường hợp này trường hợp kia bị tai nạn. Bà lại lái xe một mình đến tận nơi để giúp đỡ. Đây quả thật không phải là điều dễ dàng đối với một phụ nữ đã có tuổi như bà.
(Còn tiếp)
Hoàng Nhương (PV TTXVN tại Malaysia)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất