SEA Games quen mà lạ

12/12/2013 14:03 GMT+7 | Bên lề

(lienminhbng.org) - Trên danh nghĩa SEA Games là Đại hội thể thao Đông Nam Á, nói một cách bóng bẩy là ngày hội thể thao của khu vực, nhưng SEA Games ngày càng không giống với một sự kiện thể thao đỉnh cao tầm cỡ mà cứ như một hội làng…

…nơi mà huy chương được phân phối theo kiểu miếng ngon ai cũng có phần, chứ không hẳn là tranh đua bằng năng lực thực sự của các VĐV.

Có lẽ cũng vì nguyên do ấy mà trong 3 SEA Games gần đây nhất, có tới 2 kỳ Đại hội được trao quyền đăng cai cho những nước lần đầu tiên tổ chức như Lào (2009) và Myanmar (2013), bất chấp điều kiện cơ sở vật chất chưa thật đầy đủ ở các quốc gia này. Tuy nhiên, phải như thế thì SEA Games mới là SEA Games- ngày hội của thể thao khu vực.



Nhóm phóng viên TT&VH và TTXVN tại Nay Pyi Taw

So với những quốc gia đã có bề dày kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quy mô châu lục và thế giới như Malaysia, Singapore hay Thái Lan, hẳn nhiên kinh nghiệm của những “lính mới” như Lào hay Myanmar rất hạn chế, nhưng điểm cộng của họ là sự hăng hái, hứng khởi của lần đầu tiên.

Có mặt ở Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar những ngày này, chúng tôi cảm nhận được rằng bầu không khí nơi đây đã được hâm nóng lên rất nhiều nhờ SEA Games, và SEA Games thực sự đã mang lại rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân Nay Pyi Taw.

Thành phố này mới được chọn là Thủ đô của Myanmar từ năm 2007 nên dân cư vẫn còn rất thưa thớt, đặc biệt các trục đường chính hầu như không có nhà dân mà chỉ thấy hàng loạt khách sạn lớn trải dài. Rất khó tưởng tượng rằng nếu SEA Games 27 không diễn ra tại đây thì các khách sạn này làm sao có thể kín khách.

Hỏi chuyện một số công nhân đang làm việc tại sân Zeyar Thiri, một trong những địa điểm thi đấu chính thức của SEA Games 27, chúng tôi được biết thu nhập trung bình một tháng của họ chỉ vào khoảng 900.000 kyat (đơn vị tiền tệ Myanmar, tương đương 2 triệu đồng Việt Nam). Đây là mức thu nhập không cao song cũng không thấp ở Myanmar, nhất là với những người làm nghề lao động phổ thông. Tuy nhiên, không nên nhìn vào con số này để cho rằng Myanmar vẫn còn khoảng cách rất xa so với những quốc gia phát triển hơn ở Đông Nam Á. Lý do là bởi đi sau cũng có những lợi thế của đi sau, và hiện tại Myanmar đang nhận được sự đầu tư rất đáng kể từ bên ngoài.

Chuyện cơ sở vật chất tại SEA Games là một ví dụ, khi hệ thống máy móc của Myanmar để phục vụ cho Đại hội thể thao Đông Nam Á đều rất mới và hiện đại, từ hệ thống tính điểm điện tử cho tới các máy móc phục vụ công tác an ninh an toàn.

Điều kiện sân bãi và các nhà thi đấu cũng ở mức độ không chê vào đâu được, vì nghe nói Myanmar đã được giúp đỡ tận tình để tổ chức kỳ SEA Games này, và ngay cả một công việc tưởng như đơn giản là làm thẻ tham dự Đại hội thể thao khu vực cũng được Myanmar đem gửi sang làm ở nước ngoài.

Hệ thống giám sát và kiểm tra an ninh của Myanmar tại SEA Games 27 hiện đại và quy mô không kém gì so với kỳ Asian Games 2010 được tổ chức tại Quảng Châu, khi toàn bộ thông tin của các thành viên tham dự SEA Games 27 đều được số hoá, được nhận diện rất nhanh chóng và đơn giản chỉ bằng một lần quét tia laser.

Hơn nửa thế kỷ rồi SEA Games mới quay lại Myanmar và không cần nói cũng biết người dân tại đây háo hức đến thế nào với sự kiện này. Ngày 7/12 ĐT U23 Myanmar mới thi đấu trận đầu tiên ở vòng bảng SEA Games 27, nhưng vé xem trận đấu đã được bán từ ngày 2/12 mà vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ Myanmar. Thậm chí, có những VĐV của Myanmar tuy đã giải nghệ, nhưng trước kỳ SEA Games lịch sử ở quê nhà, họ đã trở lại thi đấu và ngay lập tức giành được thành tích ấn tượng, chẳng hạn như chiếc HCV nội dung Trường quyền nam của VĐV wushu Aung Si Thu, người từng nghỉ thi đấu cách đây mấy năm để làm trọng tài, nhưng khi trở lại thi đấu ở SEA Games 27 đã giành được HCV.

Sau chừng ấy thời gian mới lại tổ chức một kỳ SEA Games nên Myanmar không thể không tránh khỏi những sơ suất hoặc trục trặc trong quá trình diễn ra Đại hội, nhưng ít ai có thể cảm thấy phiền lòng hay bực bội vì thiếu sót của nước chủ nhà, bởi đơn giản là họ đã làm hết sức, và những sai sót nếu có chỉ là chuyện bất khả kháng, chủ nhà luôn tiếp nhận phê bình hoặc góp ý một cách cực kỳ cầu thị và nhã nhặn nên cũng khó có thể bức xúc với họ.

Chẳng hạn ĐT U23 Việt Nam đã có tới 3 buổi tập tại Nay Pyi Taw nhưng lần nào ra sân tập cũng bị đi nhầm đường, mà nguyên nhân chủ yếu chỉ vì tình nguyện viên dẫn đoàn không phải là người ở Nay Pyi Taw nên không thông thạo tình hình đường sá tại đây. Tuy nhiên, HLV Hoàng Văn Phúc cũng chỉ bày tỏ thái độ không hài lòng một cách nhẹ nhàng chứ không có gì gay gắt hay quyết liệt, vì tất cả đều biết rằng Nay Pyi Taw vẫn là miền đất mới mẻ ngay cả với chính người dân Myanmar chứ chẳng phải chỉ với những vị khách phương xa như chúng ta.



Với một cái card taxi thế này, người nước ngoài ở Myanmar đành botay.com

Ở một Thủ đô mới được xây dựng tại một khu rừng lớn như Nay Pyi Taw, việc chạy xe hàng chục km mà không gặp bất cứ một bóng người hay xe cộ nào là chuyện rất thường tình, nhưng ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người Myanmar rất tốt. Ngay cả khi ngã tư không có một bóng người, không có cảnh sát và camera giao thông mà xe cộ ở đây vẫn nghiêm chỉnh dừng bánh trước vạch khi có tín hiệu đèn đỏ. Còn lái xe taxi hay xe ôm ở Nay Pyi Taw tuy luôn phải mặc cả vì trên xe không có đồng hồ đo km, nhưng họ hiếm khi đưa ra mức giá cắt cổ theo kiểu “chém đẹp” với người nước ngoài mà chỉ thoả thuận mức giá để khách hàng chấp nhận được.

Trước khi tới Nay Pyi Taw, chúng tôi từng có ý tưởng sẽ tự thuê xe máy để đi lại cho chủ động, nhưng ngay sau khi tới đây chúng tôi lập tức phải từ bỏ ý định này, bởi lý do đơn giản là ở đây tên đường phố đều được viết bằng tiếng Myanmar, không có phiên âm Latinh bên cạnh.

Tương tự như thế, hệ thống chữ số tại đây cũng được viết theo ngôn ngữ Myanmar, và khi được lái xe taxi đưa cho danh thiếp để liên hệ khi cần, chúng tôi gần như phát khóc, vì không thể đọc được số điện thoại trên danh thiếp, và cũng không biết mình đang đứng ở địa điểm hay con phố nào mà thông báo cho lái xe taxi tới đón.

Tuy nhiên, bất chấp rất nhiều khó khăn và khác biệt, mỗi ngày của chúng tôi tại Nay Pyi Taw đều xem như một cuộc khám phá, mà ở đó dù cho xảy ra trở ngại đến cỡ nào thì tất cả cũng đều vui vẻ thoải mái cho qua, vì sự chân thành, cầu thị và cả sự hồn nhiên, chất phác của người dân Myanmar đã khiến mọi khúc mắc, khó khăn đều trở nên nhẹ nhàng, đơn giản.

Có lẽ đấy là điều mà người ta kỳ vọng nhất khi trao quyền đăng cai SEA Games cho Myanmar, bởi chỉ có những quốc gia lần đầu đăng cai hoặc đã lâu rồi mới tổ chức Đại hội như Myanmar thì mới mang lại những cảm xúc mới mẻ và hào hứng như thế này.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm