18/10/2017 18:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày nay, K-pop đang càng trở nên bão hòa với sự hiện diện của quá nhiều các nhóm nhạc thần tượng mà công chúng còn chẳng thể “nhớ mặt điểm tên”. Nhưng rồi hàng loạt các show thực tế sống còn (survival show) nổi lên, mang lại cả sự nổi tiếng cũng như hy vọng cho rất nhiều nhóm nhạc.
Muốn trở thành một thần tượng ở Hàn Quốc, thực tập sinh phải trải qua một quá trình huấn luyện hết sức khắc nghiệt kéo dài trong vòng nhiều năm trời dưới trướng các công ty giải trí. Thế nhưng không phải nhóm nhạc nào cũng có màn ra mắt thành công giữa một rừng thần tượng đa dạng về cả số lượng lẫn concept.Và nhằm gia tăng cơ hội nổi tiếng, một phương án đã được chọn lựa: Show thực tế sống còn (survival show).
“Bội thực” các show thực tế sống còn
Show thực tế sống còn là một chương trình tạp kĩ, mà trong đó các thí sinh sẽ trực tiếp thi tài, cạnh tranh với nhau dưới nhiều hình thức để chọn ra những thực tập sinh xứng đáng được ra mắt trong nhóm nhạc. Thật ra, những chương trình kiểu này không phải là điều gì mới mẻ trong làng giải trí Hàn Quốc. Từ cách đây 10 năm, đã có The Big Bang Theory của Big Bang, Hot Blood Men của 2PM và 2AM được phát sóng, dưới dạng các phim tài liệu ghi lại quá trình hình thành của các nhóm nhạc.
Kể từ đó, thể loại show sống còn này vẫn tiếp tục được thực hiện và đóng góp nhiều gương mặt mới tài năng cho làn giải trí Hàn Quốc. Một loạt các nhóm nhạc nam ra đời và được biết tới rộng rãi như VIXX từ MyDOL (2012), WINNER từWIN: Who Is Next? (2013), iKon từ Mix & Match (2014)…
Mặc dù vậy, làn sóng show thực tế sống còn này chỉ thực sự bùng nổ trong khoảng từ năm 2015 đổ lại đây, khi mà có đến 2-3 chương trình được phát sóng một năm. Năm 2015, công chúng chứng kiến sự ra mắt của nhóm nhạc nữ đình đám nhà JYP - TWICE qua show thực tế Sixteen, nhóm namMonsta X qua showNo Mercy. Năm 2016 có I.O.I từ show Produce 101, Momoland từ show Finding Momoland, SF9 từ show NEOZ School. Năm nay, thêm 3 nhóm nhạc nữa được ra mắt, gồm Wanna One từ show Produce 101 mùa 2, Fromis từ show Idol Schoolvà IN2IT từ show Boys24. Dự kiến, trong những tháng cuối năm còn có các show thực tế sống còn khác sẽ lên sóng như The Unit, MIX9, Stray Kids,….
Tại sao lại phải là “show sống còn”?
Không phải tự dưng mà các công ty giải trí lại quyết định cử gà nhà của mình tham gia các show sống còn. Khác với các công ty lớn như Big 3 (SM - YG - JYP), các nhóm nhạc tân binh đến từ các công ty nhỏ và vừa thường không nhận được nhiều sự chú ý khi mới ra mắt. Nếu may mắn, một vài thành viên trong nhóm có thể bứt phá nhờ nhan sắc vượt trội hay thông qua các chương trình tạp kĩ để kéo độ nổi tiếng của cả nhóm lên. Còn không, họ sẽ nhanh chóng bị lãng quên giữa hằng hà sa số các thần tượng trai xinh gái đẹp khác tại Hàn Quốc.
Nhưng nếu tham gia các show sống còn này, cơ hội để các nhóm nhạc được công chúng biết tới nhiều hơn tăng lên rõ rệt. Những khán giả xem show rất có thể là những nhân tố đặt nền móng xây dựng fandom (cộng đồng người hâm mộ) của nhóm. Một khi fandom được mở rộng, lượng bán album hay thứ hạng nhạc số cũng tăng, kéo theo mức độ nổi tiếng của các nhóm nhạc đó.
Bản thân những show sống còn này cũng có một sức hấp dẫn đáng gờm. Dưới bàn tay “cắt xén, gọt giũa” của nhà đài, các tình huống cạnh tranh của thí sinh càng trở nên kịch tính hơn bao giờ hết. Bên cạnh các màn biểu diễn đầy choáng ngợp, khán giả còn được chứng kiến những phút giây phía sau hậu trường cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường giữa các thành viên với nhau.
Một yếu tố khác khiến show sống còn đang trở thành xu hướng như hiện nay tại Hàn Quốc chính là sự tương tác của khán giả. Từng tập phát sóng cũng là từng tập họ lo sợ thần tượng của mình có thể bị loại bất cứ lúc nào. Nắm bắt được tâm lý đó, trong một số chương trình, khán giả còn là người trực tiếp quyết định kết quả cuối cùng bằng lá phiếu của mình.
Có thể thấy, với những chương trình sống còn, nhà đài có thêm một chương trình ăn khách, công ty quản lý biết chọn lựa thành viên được công chúng yêu quý để quảng bá, các thí sinh có cơ hội được thể hiện mình, và khán giả thì được nắm một phần “quyền sinh sát” trong tay. Chính vì thế, nhiều đài khác như KBS, JTBCđã bắt đầu nhảy vào tranh “miếng bánh” ngon này, thay vì chỉ có mỗi đài Mnet như trước đây.
Bị tố “đạo nhái” Dù thu hút được sự chú ý của khán giả, nhưng một số show thực tế sống còn cũng đang vấp phải nhiều chỉ trích của cư dân mạng Hàn Quốc do bị nghi ngờ đạo nhái. Theo đó, format 101 thực tập sinh tranh tài để giành thứ hạng của Produce 101 được coi là giống với sự kiện Tổng tuyền cử hàng năm của nhóm nhạc AKB48 (Nhật Bản). Mới đây nhất, sân khấu giới thiệu của show The Unit cũng bị tố là sao chép sân khấu concept cũng của nhóm nhạc nữ trên. |
Kỳ 2 & hết: Cứu cánh cuối cùng cho sự nghiệp?
Ngọc Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất