Hà Nội (mở rộng): Có cần mở rộng Dự án sông Hồng?

20/12/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có rất nhiều ý kiến lo ngại về Dự án Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội (phối hợp với Hàn Quốc xây dựng), thậm chí có ý kiến rất cực đoan. Trong bối cảnh đó, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội), bằng sự am hiểu và trải nghiệm thực tế đã đưa ra những nhận định khá xác đáng trong Hội thảo ngày 16/12 vừa qua do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức.
 
>> Quy hoạch sông Hồng: Lo ảnh hưởng tưới tiêu của hàng chục triệu nông dân
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông.

* Giai đoạn trước của dự án đã thực hiện trước khi Hà Nội được mở rộng, nên phạm vi nghiên cứu của dự án chỉ là đoạn sông Hồng dài 40km. Tới nay, Hà Nội đã mở rộng, và đoạn sông Hồng qua địa phận Hà Nội (mới) tăng lên gấp 3 lần (120km). Vậy tên gọi của dự án chưa ổn...

 TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm
- Trong điều kiện Hà Nội mở rộng thì khái niệm khu vực sông Hồng qua đoạn Hà Nội được nghiên cứu như trong dự án (40km từ thượng lưu cầu Thăng Long xuống hạ lưu cảng Khuyến Lương) là chưa đầy đủ. Song nếu mở rộng ranh giới nghiên cứu thì sẽ cần nhiều thời gian để khảo sát nghiên cứu làm mô hình thí nghiệm tính toán lại toàn bộ các nghiên cứu. Vì thế theo tôi, phải chăng chỉ nên hoàn thiện theo phạm vi như dự án đề xuất, nhưng phải mở rộng phạm vi nghiên cứu theo Hà Nội mới và mối quan hệ với vùng (thông thường các dự án thường tách bạch giữa phạm vi dự án và phạm vi nghiên cứu).

* Có ý kiến cho rằng quy hoạch sông Hồng phải phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng, mà quy hoạch chung này hiện vẫn đang được tổ chức Tư vấn Posco E&C liên doanh với Công ty Jina Architect Perkin Eesinan (Hàn Quốc - Hoa Kỳ) nghiên cứu theo kế hoạch đến năm 2010 mới xong. Vậy quy hoạch sông Hồng sẽ phải chờ quy hoạch chung?

- Hà Nội mở rộng là thuận lợi để phát triển bền vững, hội nhập và xây dựng nên một đô thị có vị thế xứng đáng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để nghiên cứu quy hoạch chung này, hiện nay Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đang rà soát lại các dự án, các đồ án quy hoạch đang và sẽ triển khai. Vì vậy dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng này cũng cần được rà soát lại theo định hướng quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng. Hơn nữa, dự án này cũng còn tồn tại nhiều vấn đề như các chuyên gia đã nêu. Bởi vậy, cần có sự phối hợp trong nghiên cứu, không nên đặt vấn đề trước hay sau. Nhưng theo tôi chưa nên quyết định về dự án này khi quy hoạch chung chưa được phê duyệt.
 
Phối cảnh quy hoạch sông Hồng
 
* Là người “thông thuộc thủy thổ” Hà Nội, tham gia nghiên cứu và quản lý quy hoạch Hà Nội suốt nhiều năm và cũng từng được thành phố giao phụ trách Tổ nghiên cứu Quy hoạch sông Hồng gồm nhiều nhà nghiên cứu của Trung ương và Hà Nội, ông thấy vấn đề quy hoạch sông Hồng cần thiết như thế nào?
 
“Tuyến chỉnh trị phải bắt đầu và kết thúc ở các vị trí lòng dẫn ổn định, dù chúng ở trong hay ngoài địa phận Hà Nội”.
 
(GS-TS Nguyễn Tài).
- Không chỉ đến lúc này mà từ cách đây hơn 15 năm, việc khai thác và phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã được Trung ương, các Bộ và Hà Nội quan tâm, tổ chức nghiên cứu... Nhiều dự án liên quan trực tiếp đến nội dung này đã được triển khai như đề tài “Quy hoạch lòng dẫn sông Hồng qua Hà Nội phục vụ tiêu thoát lũ, kè bờ chống sạt lở, chỉnh trang đô thị và khai thác hợp lý bãi sông”, “Nghiên cứu dự án xây dựng kè, làm đường hai bên bờ sông, tổ chức phân bố lại dân cư ngoài đê, khai thác có hiệu quả quỹ đất phục vụ cho phát triển KTXH của Hà Nội”, Dự án nghiên cứu cải tạo giao thông thủy sông Hồng khu vực Hà Nội do Bộ GTVT chủ trì đã trình Chính phủ. Gần đây, Hà Nội đã phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) trong nghiên cứu chương trình tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội (dự án HAIDEP) cũng có đề cập đến quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Và lần này là dự án hợp tác với Seoul (Hàn Quốc)...

Qua vài dẫn chứng như trên để thấy rất cần nghiên cứu về dự án và cần hơn nữa khi Hà Nội đã mở rộng, khi nhiều vấn đề mới đặt ra... Những kết quả nghiên cứu đã có cần được tập hợp để phân tích và kế thừa có chọn lọc.

* Nhưng cũng từ thực tế 15 năm quy hoạch sông Hồng như trên cũng cho thấy tình trạng rất đáng sốt ruột là “nói nhiều, làm ít” vì vướng hết cái nọ đến cái kia. Ông nghĩ sao?

- Qua các hội thảo, qua dư luận, cũng có ý kiến cho rằng đối với dự án hợp tác với Hàn Quốc, nên sớm hoàn thiện triển khai vì càng để lâu càng nhiều diễn biến phức tạp, nhất là do áp lực tăng dân cư, do quản lý xây dựng chưa thật chặt chẽ. Song cũng có nhiều ý kiến thấy rằng cần thẩm định kỹ hơn, cần tính khoa học và thực tiễn hơn, cần gắn với quy hoạch Hà Nội mở rộng để hoàn thiện dự án này. Vì đây là dự án quan trọng, quy mô lớn, cho nên tôi cho rằng đây mới là ý kiến hợp lý...

* Với vai trò phản biện, ông đặc biệt lưu ý đến những bất cập gì của dự án cho tới thời điểm này?

- Tôi cho rằng, việc đề xuất tuyến đê mới, có đoạn mở rộng (như đoạn cầu Long Biên, đoạn thượng lưu cầu Thăng Long) và có đoạn thì nống ra phía lòng sông... cần được thẩm định khoa học hơn, gắn với các vùng phân lũ, chậm lũ được xác định trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội vừa được Thủ tướng phê duyệt (3/2008). Giải pháp nạo vét, cắt gọt bãi sông với khối lượng tới 21 triệu mét khối ít có tính khả thi, chưa tính đến việc lấy nước cho tưới tiêu vào mùa nước cạn, chưa tính đến mối quan hệ với phân lũ sông Đuống.

Trong dự án còn một số nội dung nêu chưa chuẩn xác, chưa đủ căn cứ để đề xuất, ví dụ: cảng du lịch, cảng hàng hóa. Đề xuất kết nối giao thông công cộng chưa gắn với tuyến BRT và đường sắt đô thị, chỉ đề xuất các tiếp xúc với đường ra ngoài đê là quá hạn chế, chưa hợp lý. Ngoài ra, dự án nêu quỹ đất phát triển đô thị là gần 2.500ha, sau quy hoạch sẽ cung cấp nhà ở cho 97.000 hộ dân với khoảng hơn 40 vạn người. Đây là vấn đề cần xem xét vì Hà Nội mở rộng không thể chấp nhận đất ở bình quân chỉ hơn 10m2/ người (trong khi các khu đô thị ở Hà Nội đã đạt mật đô bình quân vài chục m2/ người.

* Xin cảm ơn ông.
 
Nguyễn Thành

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm