Cùng GS Vũ Khiêu vào mùa khai giảng

10/09/2012 08:17 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Tháp tùng Giáo sư, Anh hùng Lao động (GS, AHLĐ) Vũ Khiêu về Xuân Trường (Nam Định) những ngày đầu tháng 9 này quả là chuyến đi ý nghĩa với tôi.

Nơi đất học lừng danh, quê hương của nhiều danh sĩ, nhân vật lẫm liệt, có hai ngôi trường gắn bó với vị GS lỗi lạc này. Sự xuất hiện của vị GS 96 tuổi ở hai trường cấp đầu và cấp cuối bậc học phổ thông là câu chuyện đẹp của sự học nơi đây.

Chúng tôi cùng GS Vũ Khiêu dự  lễ khai giảng trường THPT Cao Phong, tên trường là một bút danh của GS, AHLĐ Vũ Khiêu.

* Cao Phong - ngôi trường mang tên vị trí thức, anh hùng

Chủ tịch HĐQT của trường tư thục này - ông Phạm Văn Mẫn (SN 1956) từng đi bộ đội, lái xe cho Đoàn Ngoại giao sau khi học Trung cấp Cảnh sát. Ông cùng 4 cổ đông khác đầu tư nâng cấp trường THDL Xuân Trường (thành lập từ 1998) chuyển đổi thành trường THPT Cao Phong từ 31/8/2011, lấy bút danh của người con tuấn kiệt đất Xuân Trường làm tên. Sau này, trường sẽ đổi tên thành Vũ Khiêu.

GS Hoàng Chương, Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy VHNT dân tộc, nhà văn Trung tướng Nguyễn Hữu Ước cùng về Xuân Trường. Chẳng nghỉ ngơi phút nào, GS Vũ Khiêu về tới nơi là bàn ngay chương trình công việc hôm sau.

Sáng 4/9, sáng ngày khai giảng, GS Vũ Khiêu dậy từ 4 giờ sáng như thường lệ. Hỏi ra, ông lại thức cả đêm. Hễ phải đọc tài liệu hay có gì suy nghĩ, việc hệ trọng là GS lại thức trắng đêm.



GS Vũ Khiêu kể chuyện với các cháu học sinh tiểu học Xuân Hồng A. Ảnh Lê Thanh Bình

Trường THPT Cao Phong nằm trên đường vào làng Hành Thiện, làng nổi danh nhiều người đỗ đạt bậc nhất miền Bắc. Đường nhựa láng mịn lượn theo dòng kênh dài, bên bờ là hai hàng liễu, hàng chục cây cầu đá nối hai bờ, cầu đủ rộng để xe tải chạy qua. Thuộc xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, ngôi trường gồm 3 dãy nhà mái bằng 2 tầng, sân trường có 25 ghế đá, lối đi chính giữa 4 hàng cây sanh (thuộc họ si). Vườn trường đang tươi tốt nhiều cây, trong đó có cây đề do GS Vũ Khiêu trồng 20/9/2011.  

* Một buổi khai trường đầy ý nghĩa

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có mặt vào sáng 4/9, trước giờ khai giảng 30 phút.

566 học sinh mặc sơ mi trắng, quần tím than đồng phục in phù hiệu tên trường, đeo thẻ học sinh, mũ lưỡi trai trắng đã chỉnh tề ở sân, ghế nhựa đỏ xếp ngay ngắn, các em không ngồi mà đứng chờ. Nhờ uy tín của GS Vũ Khiêu, THPT Cao Phong mới ở mùa khai giảng thứ hai đã nhận lẵng hoa chúc mừng của các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Hoa thắm hoà điệu những gương mặt măng tơ, háo hức trong tiếng nhạc rộn rã. Hai bên sân khấu buông xuống đôi câu đối GS Vũ Khiêu viết tặng trường : “Giữ vững tinh thần Nam Định vươn cao trí tuệ dưới trời Xuân/Tiếp thu hào khí Đông Á, mở rộng anh tài trên đất Thượng”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh trống khai trường. Ông đến Xuân Trường lần đầu, không chỉ vì kính quý GS Vũ Khiêu, mà còn là sự quan tâm với sự nghiệp trồng người của một  Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trao cho ảnh tư liệu “Trường thi Nam Định năm  1897” và phát biểu với các thầy cô, học sinh: “Thành Nam là trung tâm quốc học lớn thứ hai sau Thăng Long. Tặng bức ảnh này, tôi mong trường Cao Phong sẽ phát huy, tiếp nối truyền thống ấy, nhất là lại mang tên một GS Anh hùng đóng trên đất học lâu đời".

Nhà văn Trung tướng Hữu Ước tặng trường 2 bộ máy tính và 1 máy in. GS Hoàng Chương tặng một số sách về văn hoá giao thông và tạp chí Văn hiến. Còn GS Vũ Khiêu phát biểu (không văn bản): “Người thầy muốn dạy tốt, dạy giỏi phải yêu nhà trường, để tâm hồn mình vào sự nghiệp giáo dục. Khi một nghệ sĩ tạc bức tượng đẹp, bộc lộ tài năng, ý tưởng của mình dồn vào đó, thì nghệ sĩ chính là bức tượng đó, hay bức tượng là hiện thân của nghệ sĩ. Giáo viên cũng vậy. Giáo viên là những nghệ sĩ tạo nên nhân tài. Sự nghiệp trồng người là rất công phu: Các trò phải say mê, quyết chí  học giỏi, đó là cách tốt nhất để xây dựng tương lai cho bản thân, gia đình và đất nước”.

Trong lễ khai giảng, một nữ sinh thay mặt học sinh toàn trường lên phát biểu, đó là Nguyễn Thị Thơm, lớp 10A. GS Vũ Khiêu hỏi tôi tên cô bé (ông phải dùng máy nghe cài ở tai phải). Hết buổi, ông bảo thư ký đưa bút dạ, giấy dó để ông viết câu đối bằng mực đen, những chữ Việt hiện ra dần từ trên xuống, nét chữ từ bàn tay 96 tuổi hiện ra như bay: “Mở rộng nhân tài viên ngọc quý/ Trải dài đất nước đoá hoa thơm”.



Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh trống khai trường. Ảnh: Trần Duy Hiển

* Trở về ngôi trường thơ ấu

Ngay chiều 4/9, chúng tôi lại tháp tùng GS Vũ Khiêu về trường cũ của ông - tiểu học Xuân Hồng A. Vốn là trường tiểu học Hành Thiện, nằm trên địa bàn xã Xuân Hồng, nơi sinh ra Tổng Bí thư Trường Chinh,  GS Vũ Khiêu cùng nhiều nhân vật tiếng tăm. Ngôi trường này đã có 90 năm tuổi. Cô hiệu trưởng Đặng Thị Phương, vẫn thỉnh thoảng lên thăm, xin ý kiến của GS Vũ Khiêu. Cô và 33 giáo viên trong trường ngưỡng mộ, kính trọng GS như người cha tinh thần.

Trường sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập vào 18/11/2012 và cậu học trò duy nhất khoá 1 của École Primaire Hành Thiện năm xưa còn sống, chính là GS Vũ Khiêu. Những cây bằng lăng đã khép mùa hoa tím. Cây bằng lăng đẹp nhất ngay đầu vườn, do GS Vũ Khiêu trồng dịp khai giảng 2010.

Lễ khai giảng, 33 cô giáo áo dài, 1 thầy mặc vest cùng tất cả học sinh đã xếp hàng vẫy chào rộn rã khi GS từ cổng bước vào. Lũ trẻ mặc đồng phục, đeo thẻ học sinh, tay cầm hoa và bóng bay. GS Vũ Khiêu đứng trên bục giữa sân trường dặn dò các cháu học hành.

GS Vũ Khiêu bỗng như trẻ lại không chỉ là “giả lão hoàn đồng”, mà bao ký ức thơ ấu đã ùa về quanh ông. Tuổi thơ trong trắng là dòng chảy tinh khiết mãi mãi của tâm hồn, đang truyền từ hoài niệm của ông, tượng hình, hiển hiện, hoà quyện, lan truyền trên những đôi mắt tinh nghịch hóng chờ, trên những khuôn mặt ngây thơ, mướt mồ hôi vì nắng và hiếu động.

GS Vũ Khiêu kể cho các cháu: “Hồi nhỏ ông mải chơi, học lớp 1 suốt 5 năm, năm nào cũng lớp 1. Rồi bố mẹ phải giao ông cho anh họ Đặng Vũ Miên con bác ruột kèm cặp. Anh nghiêm khắc giúp đỡ, ông chăm học và tiến bộ, lên lớp, học giỏi, hết cấp rồi học đọc mãi không ngừng”.

Lũ trẻ cười ran khi thấy ông giáo sư kể chuyện “5 năm học lớp 1”, chúng gần gũi ông hơn, tiến gần về khán đài. Ông vừa dặn vừa hỏi từng câu: “Các cháu có đồng ý không?” Lũ trẻ “Vâng ạ” râm ran. Sau khi các học sinh giỏi được cô hiệu trưởng cho lên chụp ảnh cùng GS, các cô giáo vây quanh ông chụp lưu niệm. GS Vũ Khiêu bước xuống sân trường, các em bé đứng vòng quanh, thật cảm động.

GS Vũ Khiêu đã sống lùi thời gian 90 năm trong buổi chiều ấy. Liệt kê danh sách những học trò thành đạt của trường Xuân Hồng A thì dài lắm. Danh sách ấy cũng là bảng vàng, niềm hãnh diện của đất Hành Thiện, nơi có hơn 200 giáo sư, tiến sĩ các thời.

GS đều tự vịn lan can đi, không cần ai đỡ. Tại phòng họp, lãnh đạo xã và các giáo viên đang chờ ông họp mặt, dặn dò. Bấy lâu GS Vũ Khiêu như người thầy già của các thầy cô giáo, như người cha bóng cả bên các con chốn quê làng. Phòng truyền thống của trường treo câu đối của GS Vũ Khiêu tặng: “Thầy giỏi trò ngoan, rực rỡ tinh hoa dòng trí tuệ/ Làng khen nước thưởng tưng bừng khí sắc đất thông minh”.

Sự nghiệp của GS Vũ Khiêu là một minh chứng hiển đạt của lịch sử ngôi trường khoa bảng. GS Vũ Khiêu đã nhận lời sẽ về dự kỷ niệm 90 năm thành lập trường, khi ông sang tuổi 97.

Hai lễ khai giảng của 2 trường thuộc hai cấp học đầu tiên và cuối cùng của đời học trò phổ thông có dấu ấn gắn bó với GS, cho tôi cảm nhận sự kỳ diệu của một tài trí hiếm biệt. Thời gian vốn có thể đo đếm, lại trở nên không – đại – lượng khi có một hiện thân đã thành một biểu tượng của trí sức sáng tạo, cống hiến bất chấp thời gian: Vũ Khiêu.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm