Khi Beckham dùng tiếng Việt để nói với người Việt

25/09/2013 15:24 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Tiếng mẹ đẻ có lẽ là thứ gần gũi nhất đối với mỗi người, không những dễ dàng “lọt tai”, mà còn có thể “lọt tim”, tức tác động ngay vào tình cảm của người đó. Bởi thế trong ngoại giao hay trong quan hệ công chúng, các chính khách hay ngôi sao thường nỗ lực thuộc lòng một vài câu chào hỏi đơn giản bằng tiếng của cộng đồng nào đó khi muốn tạo thiện cảm với họ.

Bởi thế, rất tự nhiên, khán giả có thể vỗ tay rần rần khi một ngôi sao xuất hiện trước công chúng với câu “Chào Việt Nam” hoặc “Tôi yêu Việt Nam”… bằng tiếng Việt. Ranh giới giữa nghệ sĩ và công chúng dường như không còn nữa, mặc dù ai cũng hiểu rằng có thể đó là những từ tiếng Việt duy nhất mà họ mới thuộc khi ngồi trên máy bay. Không sao, chí ít, điều đó cũng thể hiện ngôi sao đó đã quan tâm đến công chúng nơi mà mình sắp tiếp xúc, và có lẽ không có một món quà nào đáng yêu hơn là món quà “tiếng mẹ đẻ” này.

2. Theo cách nghĩ đó, ban đầu tôi vô cùng sửng sốt khi nghe tin Hoàng tử William của nước Anh và cầu thủ huyền thoại của nước nay, David Beckham đang học tiếng Việt, mặc dù không hề có ý định sang Việt Nam, càng không muốn nhắm tới những tràng vỗ tay khi xuất hiện trước công chúng Việt. Ấy thế mà họ tập phát âm tiếng Việt, để nói với rất đông đảo người Việt ở nhiều tầng lớp lứa tuổi một thông điệp hẳn hoi, xuất phát từ “khối óc, trái tim” họ chứ không phải là câu chào xã giao trên đầu môi. 

Họ nói điều gì bằng tiếng Việt vậy? Chưa được tiết lộ, nhưng mục tiêu của thông điệp mà họ sắp nói rất rõ ràng: chống lại nạn săn bắt động vật hoang dã.

Cả 2 đang cùng với ngôi sao bóng rổ Yao Ming tham gia vào một đoạn video chống lại nạn săn lùng động vật hoang dã do tổ chức WildAid phát  động. Trong đoạn video ấy sẽ có đoạn cả 3 sẽ nói tiếng Việt. Thông điệp ấy sẽ chính thức được phát rộng rãi trên toàn thế giới từ tháng 11 tới, nhưng 2 địa điểm trọng tâm mà video này  hướng tơi chính là Trung Quốc và Việt Nam, 2 quốc gia nổi tiếng về tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, chủ yếu là sừng tê giác, ngà voi và vi cá mập.

3.  Thông thường, một anh Tây nói tiếng Việt lơ lớ thường khiến người Việt Nam ta rất khoái chí, vì nó hồn nhiên, “ngồ ngộ”, thật đáng yêu. Và nếu anh ta nói sai dấu hoặc sai nghĩa thì người ta cũng cười rần rần “Tây mà lại”.

Tôi chưa biết Hoàng tử Willam và Beckham sẽ nói gì trong thông điệp kể trên, nhưng có lẽ chúng ta sẽ không thể cười được nếu như họ khuyên chúng ta đừng sát hại và ăn thịt thú rừng, đừng giết voi lấy ngà, đừng săn bắn, buôn bán, sử dụng sừng tê giác để chữa bách bệnh hay để bổ âm bổ dương, bởi như thế là thiếu hiểu biết…Vâng, hơn thế, tôi rất muốn nghe họ nói, phát âm thật rõ ràng bằng tiếng Việt rằng làm như thế dã man và ngu xuẩn.

Khi thế giới đã phải thông qua những người nổi tiếng, để nói bằng chính tiếng Việt thân yêu của chúng ta một thông điệp mà cả thế giới đều đang lo lắng, thì không lẽ gì chúng ta lại bỏ ngoài tai? Tiếng Việt, qua phát âm của Hoàng tử William, cầu thủ Beckham, hy vọng rằng sẽ lọt tai và “lọt tim” người Việt.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm