08/05/2013 16:05 GMT+7 | Man United
(lienminhbng.org) - Trong số 20 chức vô địch Anh mà M.U giành được, có đến 13 danh hiệu dưới thời Sir Alex Ferguson. Vậy điều gì khiến chiến lược gia Scotland duy trì được thành công kéo dài hơn 1/4 thế kỷ như vậy?
Trong một bài viết đăng tải gần đây trên báo chí Anh, người học trò cũ Gary Neville cho rằng, nguyên nhân khiến Sir Alex duy trì được đế chế thống trị như vậy là vì “ông ấy không bao giờ có cảm giác công việc của mình đã hoàn thành. Với Ferguson, thành công của ngày hôm qua không còn ý nghĩa. Ông ấy chỉ quan tâm đến những mục tiêu trước mắt”.
Quan sát sâu hơn một chút, từ góc độ cá nhân người viết cho rằng, ngoài những điều Neville nói, một biệt tài khác của Sir Alex là ông luôn biết cách “tối đa hóa những giá trị tối thiểu”, có nghĩa là: Ông luôn tận dụng tối đa mọi nguồn lực trong tay mình.
Huấn luyện viên bóng đá là nghề quản lý con người (ở Anh phổ biến khái niệm “manager - nhà quản lý” chứ không đơn thuần là “coach - huấn luyện viên”). Quản lý con người ở đây xét trên 2 yếu tố: Quản lý về mặt tâm lý, tình cảm và quản lý về kỹ chiến thuật.
Quản lý về kỹ chiến thuật, điều đầu tiên phải làm là chỉ với số lượng cầu thủ có hạn, bạn phải biết cách làm thế nào phát huy tối đa năng lực từng cầu thủ để phục vụ cho sơ đồ chiến thuật của mình.
Tại Manchester United không hiếm những người có thể đá tốt từ 2 vị trí trở lên. Wayne Rooney là một tiền đạo cắm, nhưng từ khi về Old Trafford anh bị điều hết sang cánh trái, đá tiền đạo lùi lại chuyển về tiền vệ trung tâm, đôi khi là tiền vệ phòng ngự. Điển hình nhất cho sự đa năng của các học trò Ferguson là John O’Shea - người có thể chơi tốt tất cả các vị trí trên sân, từ hậu vệ biên, trung vệ, tiền vệ trung tâm, tiền vệ cánh, tiền đạo. Thậm chí, khi thủ môn của M.U bị thẻ đỏ trong điều kiện hết quyền thay người, O’Shea không ngần ngại xỏ găng đứng trong khung gỗ và còn cản phá thành công quả 11m của đối phương.
Trong trận gặp West Ham United ở mùa giải 2008-2009, khi Man United khủng hoảng hàng thủ với những chấn thương liên tiếp của Vidic, Ferdinand, Evans, Brown... "Quỷ đỏ" từng phải thi đấu với bộ đôi trung vệ Michael Carrick - Patrice Evra, hậu vệ phải Darren Fletcher và hậu vệ trái Ryan Giggs. Vấn đề không chỉ là năng lực đáp ứng của cầu thủ, mà phải làm sao thuyết phục để họ vui vẻ chấp nhận đá sai vị trí sở trường, đó mới là cái tài của Ferguson.
Nhìn sang gã hàng xóm cùng thành phố Man City, phản ứng đầu tiên của HLV Roberto Mancini khi đội rơi vào khủng hoảng nhân sự là đòi hỏi các ông chủ “mua và mua”. Rõ ràng về việc khai thác tối đa tiềm năng cầu thủ, Mancini chỉ đáng xách dép cho Alex Ferguson.
Thứ hai, HLV giỏi còn phải đảm bảo nguồn cầu thủ đầu vào bằng cách phát triển học viện bóng đá trẻ. Alex Ferguson được xem là người tái khởi động sức mạnh học viện bóng đá trẻ của M.U. Trước thời ông, ở Anh chỉ có học viện của West Ham là nổi bật nhất. Nhưng kể từ khi nắm quyền tại Old Trafford, song song với việc quản lý đội 1, Ferguson còn tiến hành nhiều biện pháp để phát huy tối đa sức mạnh Học viện bóng đá trẻ Manchester United.
Quả ngọt đầu tiên, và cũng là lớn nhất chính là lứa trẻ vô địch Cúp FA 1992 gồm: David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt, anh em Neville. Họ là trụ cột trong đội hình giành cú "ăn ba" mùa 1998-1999, vô địch Champions League, vô địch Premier League, vô địch FA Cup.
Sau thế hệ 1992, Ferguson còn cho ra lò nhiều lứa cầu thủ trẻ khác gồm một vài tên tuổi như Ryan Shawcross, Kieran Richardson, John O’Shea... tuy không giành được chỗ đứng tại Manchester United nhưng cũng là những trụ cột của các CLB họ khoác áo sau này.
Về hoạt động chuyển nhượng, có thể nói Fergie thành công lắm mà thất bại cũng nhiều. Những tên tuổi ông đưa về như Eric Cantona, Peter Schmeichel, Karel Poborsky, Jaap Stam, Ruud van Nistelrooy, gần đây là Wayne Rooney và Robin van Persie đều ít nhiều ghi dấu trong lòng các CĐV Old Trafford.
Nhưng cũng chưa ai quên những hợp đồng thảm họa như Juan Sebastian Veron, Fabien Barthez, Massimo Taibi, Bebe.
Sir Alex cũng thất bại trong việc thuyết phục những cầu thủ chất lượng như Paul Gascoigne, Alan Shearer, Ronaldinho... về khoác áo "Quỷ đỏ". Không ai có thể thay đổi quá khứ. Chẳng có gì đảm bảo những tên tuổi trên sẽ thành công hay thất bại, nhưng những gì họ giành được với các đội khác MU chứng tỏ đó đều là những tài năng, và biết đâu có thể củng cố sức mạnh M.U.
Một HLV giỏi cũng phải là một HLV biết cách giữ chân các cầu thủ của mình trước sự chèo kéo của các đội khác. Về mặt này, Fergie cũng vừa thất bại vừa thành công. Ông từng thuyết phục được Rooney gia hạn hợp đồng trước sự chèo kéo của Man City, nhưng cũng đành bất lực nhìn Cristiano Ronaldo - người ông coi như con - chuyển sang Real Madrid.
Kết hợp với yếu tố kinh tế, bạn cũng cần biết bán một cầu thủ khi anh ta được giá mà không làm ảnh hưởng đến sức mạnh của CLB (chứ không phải bán quân ồ ạt dẫn đến đội bóng suy yếu như Arsene Wenger ở Arsenal).
Bằng cách đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sức mạnh của đội bóng, bạn mới được xem là một HLV thành công.
Quản lý về mặt tâm lý tình cảm, có nghĩa là bạn cần có sự thấu hiểu, thông cảm, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong tập thể gần 30 con người, tạo sự liên kết giữa ban huấn luyện và đội bóng, tóm lại là xây dựng một “phòng thay đồ” đoàn kết.
Tác dụng của nó, hãy nhìn sang Real Madrid để thấy, nếu không quản lý nổi phòng thay đồ thì tác hại ra sao?
Alex Ferguson được coi là một chuyên gia tâm lý. Ông có những bài không giống ai trong việc quản lý tình cảm cầu thủ của mình.
Khi kí hợp đồng với tiền đạo 18 tuổi Rooney từ Everton, có lẽ hiếm có HLV nào đủ tỉnh táo để gài thêm vào hợp đồng điều khoản buộc anh phải mua nhà trong vòng bán kính 500 mét để tiện việc kiểm soát mọi sinh hoạt bên ngoài sân bóng của cậu bé.
Nếu Mario Balotelli mà vào tay Ferguson, chắc chẳng có chuyện Bad Boy này đốt pháo hoa đến cháy cả nhà, và thường xuyên lái xe quá tốc độ đến nỗi bị cảnh sát hỏi thăm.
Ferguson nổi tiếng là một HLV có uy với cầu thủ. Biệt danh “Máy sấy tóc” không phải ngẫu nhiên mà có. Trong lần cựu thủ môn Peter Schmeichel đến Việt Nam gần đây, khi được hỏi “Có sợ màn sấy tóc của Fergie không ?”, người khổng lồ Đan Mạch chỉ biết lắc đầu cười trừ.
Và cũng chưa từng ai quên cú “giày bay” khiến tiền vệ điển trai Beckham phải xách va li rời Old Trafford.
Có uy là vậy, nhưng Ferguson cũng rất biết dùng “lạt mềm buộc chặt”. Chiến lược gia người Scotland từng bay sang Pháp để thuyết phục Cantona rút lại quyết định giải nghệ. Lần đó tuy không thành công, nhưng sau này, cũng với bài này, ông thuyết phục thành công Ronaldo hoãn việc chuyển sang Real Madrid một năm (2010 thay vì 2009).
Robin van Persie cũng quyết định đầu quân cho Manchester United thay vì Juventus hoặc Manchester City sau các cuộc gặp gỡ với Ferguson.
Các ví dụ đó cho thấy, Fergie đâu phải người nóng nảy và kém giữ bình tĩnh đến độ “nắm áo cầu thủ đòi tẩn ngay trên sân tập” như đồng nghiệp bên Man Xanh. Mà phải nói là, ông biết điều tiết cảm xúc và biết cách sử dụng chúng hợp lý phục vụ cho mục tiêu của mình.
Trong nghề nghiệp của một HLV bóng đá, quản lý tốt nhân sự cả về tâm lý và kỹ thuật, hài hòa lợi ích kinh tế và sự phát triển bền vững của CLB mới có thể giúp đội bóng thành công.
Ferguson có tất cả những phẩm chất này. Ông không thành công mới lạ!
Anh Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất