18/10/2013 15:50 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(lienminhbng.org) - Nếu không vì sự lưỡng lự của ban lãnh đạo Manchester United và của chính Sir Alex Ferguson khi ông quyết định về hưu lần đầu vào năm 2002, Louis van Gaal lẽ ra đã trở thành HLV ở Old Trafford.
Không có nhiều điểm tương đồng giữa chiến lược gia người Hà Lan, 62 tuổi, và đồng nghiệp Scotland 71 tuổi của ông, nhưng họ cùng chia sẻ một điều thú vị: ảnh hưởng đối với Pep Guardiola.
Van Gaal là thầy, Ferguson là đối thủ
Năm 2002, khi Ferguson lên kế hoạch về hưu bất thành, đó không phải là lần duy nhất van Gaal suýt chuyển sang làm việc ở Premier League. Chelsea và cả Manchester City từng nhắm tới ông khi chiến lược gia người Hà Lan thành công với AZ Alkmaar vào giữa những năm 2000. Rốt cuộc, sự nghiệp cầm quân của van Gaal cho tới giờ chủ yếu là những chiến tích hiển hách ở 3 quốc gia, Hà Lan, Đức và Tây Ban Nha.
Ngoài những chiếc cúp, ảnh hưởng và di sản lâu dài của ông còn thể hiện qua Guardiola và đội bóng kỳ vĩ Barcelona 2008-2012. Trong tác phẩm của Guillem Balague, “Pep Guardiola - Another Way of Winning”, van Gaal đã dành những lời ca ngợi nồng nhiệt cho Pep Guardiola, cũng như một người thầy chung của cả hai, một người Hà Lan khác: Johan Cruyff.
Về phần Sir Alex Ferguson, ông không ảnh hưởng trực tiếp đến Guardiola, mà ảnh hưởng từ xa. Ngoài vài lần gặp nhau hiếm hoi trong những năm cả hai đang xây dựng những đội bóng cực mạnh, ảnh hưởng của Ferguson không phải như một người thầy với một học trò, mà như một kình địch lớn, một người ngang hàng và tạo động lực để Pep tiến lên.
Với van Gaal, và Cruyff trước đó, Guardiola đã được chứng kiến tận mắt hai tượng đài của bóng đá Hà Lan biến những triết lý lý tưởng thành hiện thực trên sân bóng ra sao. Cruyff khởi đầu cho một nền tảng sẽ định nghĩa lối chơi của Barcelona, trong khi Guardiola là người đưa lối chơi đó lên mức toàn thiện toàn mỹ. Những năm van Gaal ở Camp Nou, 1997 đến 2000, là thời kỳ chuyển giao quan trọng nhất từ nền tảng Cruyff tới đỉnh cao Guardiola.
Qua van Gaal, Guardiola nhận thức được tầm quan trọng của một nhãn quan chung trên sân bóng. Việc Guardiola lựa chọn Bayern Munich, từ chối hàng loạt lời mời rộn rã khác ở Premier League, có thể là bất ngờ với nhiều người, nhưng những ai tinh tế có thể đoán được điều đó: Bayern chính là đội bóng mà công việc của van Gaal còn dang dở, thất bại dưới tay Inter Milan của Jose Mourinho ở chung kết Champions League 2010.
Khôi phục hình ảnh cho Hà Lan
Còn van Gaal lúc này đã trở lại với đội tuyển Hà Lan. Vui vẻ và thoải mái hơn nhiều, ông đã đưa đội tuyển Da cam tới 9 chiến thắng và 1 trận hòa, vượt qua vòng loại World Cup 2014 một cách dễ dàng. Hà Lan của van Gaal đã triển khai đầy đủ triết lý của ông: để thủng lưới ít hơn, ghi bàn nhiều hơn và vẫn chơi đẹp mắt trên sân.
Những gì diễn ra ở kỳ World Cup 2010 vẫn còn là một nỗi xấu hổ với nền bóng đá Hà Lan hoa mỹ. Dù họ vào tới chung kết, lối chơi chém đinh chặt sắt xấu xí và dữ tợn của họ khiến đội tuyển Da cam chẳng có mấy người yêu thích. Cú kung-fu của Nigel De Jong vào giữa ngực Xabi Alonso trong trận chung kết là vi dụ điển hình. Một điều trớ trêu nữa là các cầu thủ Hà Lan đã gục ngã trước chính những kẻ chinh phục Tây Ban Nha hiện thực hóa được lý tưởng của Cruyff - van Gaal ở tầm thế giới.
Hà Lan giờ sẽ tới Brazil với rất nhiều kỳ vọng, kỳ World Cup có thể là cuối cùng của một thế hệ vàng dày dạn kinh nghiệm, những ngôi sao lớn như Arjen Robben, Robin Van Persie, Wesley Sneijder, Dirk Kuyt, De Jong và Rafael van der Vaart. Sự hòa hợp cũng đã trở lại với phòng thay đồ. Nhưng ngay cả như thế có thể vẫn là chưa đủ. Hà Lan mạnh, nhưng những đối thủ của họ còn mạnh hơn, khi Đức, TBN, Brazil, Argentina và cả Ý đều sẽ vào giải với mục tiêu không gì khác ngoài chức vô địch.
Trần Trọng
Theo Four Four Two
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất