27/10/2014 10:46 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Trong tay HLV Toshiya Miura có 4 thủ môn được đánh giá xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam hiện tại: Nguyên Mạnh, Bửu Ngọc, Thanh Bình và Vĩnh Lợi. Nhưng để chọn ra người xuất sắc nhất trong khung thành đội tuyển Việt Nam tại AFF Szuzuki Cup 2014 có lẽ không phải là nhiệm vụ quá khó với ông thầy người Nhật.
Việc sắp xếp thứ tự như trên không phải ngẫu nhiên mà đó là đánh giá của một cựu trợ lý HLV thủ môn từng nhiều năm lăn lộn cùng đội tuyển Việt Nam (theo thang điểm từ cao xuống thấp). Dù bất cứ cầu thủ hay thủ thành nào cũng có những ưu, khuyết điểm nhưng xét về góc độ toàn diện thì nhận định trên hoàn toàn có cơ sở.
Sức trẻ thắng thế
Ở lựa chọn số 1 trong khung gỗ đội tuyển Việt Nam lúc này là cái tên Trần Nguyên Mạnh. Thủ thành gốc Nghệ An đã chứng minh năng lực thăng tiến của mình “như cá gặp nước”. Từ các giải đấu trẻ, Nguyên Mạnh luôn là lựa chọn hàng đầu trong khung gỗ các tuyến trẻ của SLNA. Đến 2 mùa giải V-League gần nhất, thủ thành sinh năm 1991 đã lấy luôn suất bắt chính trong đội 1 CLB xứ Nghệ. Điều khiến HLV Nguyễn Hữu Thắng hay Toshiya Miura lựa chọn Nguyên Mạnh là sức trẻ, sự nhanh nhẹn, lỳ lợm, khả năng đọc tình huống ra vào và tinh thần lăn xả. Đó có thể xem là những yếu tố mà thủ môn nào cũng phải có. Dù có chiều cao không quá lý tưởng với một thủ môn (chưa đến 1m80) và sẽ là bất lợi khi so sánh với Vĩnh Lợi, Bửu Ngọc nhưng điểm quyết định để chàng trai gốc Nghệ An được đánh giá là số 1 trong khung gỗ đội tuyển Việt Nam lúc này chính là sự ổn định. Nó là điều khác biệt của Nguyên Mạnh so với 3 đồng đội còn lại.
Theo trợ lý HLV đội tuyển Việt Nam, ở Nguyên Mạnh có sự tập trung rất tốt. Như những cầu thủ chơi bóng tuyến trên, mỗi người có một năng khiếu khác nhau, và vị trí thủ môn cũng tương tự. Không dễ để duy trì được sự tỉnh táo và tập trung trong hơn 90 phút. Với thủ môn, thắng thua nhiều khi chỉ quyết định bằng một tích tắc. Không chỉ bắt chính cho SLNA xuyên suốt mùa bóng 2014, ở các trận giao hữu với Myanmar trong ngày ra mắt HLV Miura hay những trận giao hữu trên đất Nhật, Nguyên Mạnh cũng được tin dùng hàng đầu. Nguyên Mạnh thuyết phục được người làm chuyên môn không chỉ như những gì cựu trợ lý HLV ĐTQG phân tích. Lật lại những con số thống kê ở V-League 2014 cũng chứng minh được sự ấn tượng của Nguyên Mạnh. SLNA tuy đứng hạng 5 ở V-League 2014 nhưng số bàn thua của họ (26 bàn) chỉ nhiều hơn đội vô địch B.Bình Dương đúng 3 bàn. Trong hoàn cảnh HLV Nguyễn Hữu Thắng phải “gặt lúa non” ở mùa giải vừa qua, con số biết nói về thành tích không tồi của SLNA có công đóng góp không nhỏ của thủ thành Nguyên Mạnh.
Sự cạnh tranh quyết liệt
Nhưng đó mới là chuyện của thì hiện tại, còn tương lai Nguyên Mạnh đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các đàn anh. Cái tên Trần Bửu Ngọc là một ứng viên nặng ký. Không phải ngẫu nhiên, HLV Miura triệu tập thủ thành Đồng Tháp sau kỳ ASIAD 17 vừa qua. Bửu Ngọc góp công đầu trong chiến dịch đưa Đồng Tháp thăng hạng và là thủ thành số 1 của Olympic Việt Nam. Thiệt thòi lớn nhất của Bửu Ngọc là phải chơi bóng ở sân sau V-League, không được rèn giũa bài bản ở đội bóng mà tài năng phụ thuộc vào “thiên phú” như ở Đồng Tháp. Với tấm gương của người đàn anh Tấn Trường, Bửu Ngọc có lẽ cũng có cho mình những bài học. Nếu tranh thủ được sự ưu ái của HLV Miura thời điểm này, Bửu Ngọc hoàn toàn có thể có suất dự AFF Cup, thậm chí chính thức. Xét về thể hình, Bửu Ngọc có lợi thế nhất với chiều cao 1m91. Ngọc cũng không thiếu kinh nghiệm quốc tế và như đã đề cập, quan trọng là thiện cảm mà HLV Miura dành cho thủ thành sinh năm 1991 lúc này.
Thanh Bình sau một mùa giải không thành công cùng SHB.Đà Nẵng đã khiến không ít người đặt dấu hỏi về năng lực. Tại V-League 2014, Thanh Bình phải lao đao trong việc cạnh tranh vị trí với Lê Văn Hưng. Dù thủ thành Văn Hưng mới chuyển về Đà Nẵng thi đấu nhưng sự ổn định của Văn Hưng đã khiến HLV Lê Huỳnh Đức nhiều lần đẩy Thanh Bình lên ghế dự bị. Phải đến những trận đấu cuối cùng của mùa giải, Thanh Bình mới tìm lại sự tự tin và được trao cơ hội. Theo đánh giá của giới chuyên môn, thủ thành sinh năm 1987 đang có dấu hiệu chững lại. Đây cũng là chuyện rất bình thường với các thủ môn. Thanh Bình từng là sự lựa chọn số 1 trong khung gỗ đội tuyển Việt Nam sau Dương Hồng Sơn, nhưng dưới thời HLV Miura, sẽ không là gì nếu các cầu thủ không có ý thức cầu tiến.
Là người đàn anh lớn tuổi nhất trong số 4 thủ thành hiện tại của đội tuyển Việt Nam, Tô Vĩnh Lợi bị xem là thất thế nhất. Dù Vĩnh Lợi đã đảm bảo chỗ đứng vững chắc tại Thanh Hóa nhưng giới chuyên môn không đánh giá cao sự ổn định của thủ thành sinh năm 1985 này. Từng được xem là thủ thành tài năng của lò thủ môn Bình Định, nhưng những sai lầm của Vĩnh Lợi trong màu áo các ĐTQG đã khiến Vĩnh Lợi mất đến 7 năm mới được trở lại ĐTQG.
Xen kẽ những tiếng cười đùa trên sân tập, ĐTQG lúc này là cuộc cạnh tranh gắt gao cho một suất ở lại dự AFF Cup vào cuối năm. Với các thủ môn, sự ganh đua càng quyết liệt hơn. Nhiều người hẳn còn nhớ cái tên Dương Hồng Sơn, thủ thành số 1 Việt Nam được bình chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008”, giải đấu đội tuyển Việt Nam lần đầu đăng quang.
Trên hành trình tụt dốc của bóng đá Việt Nam từ đó đến nay, chúng ta thiếu một hình mẫu “nửa đội hình” như Hồng Sơn 2008. Đến thế hệ 2014 hiện tại, người yêu bóng đá Việt Nam đang chờ đợi sự bùng nổ trong khung gỗ để thêm một lần bóng đá Việt Nam lên đỉnh khu vực.
Phan An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất