26/09/2013 12:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Nhà văn lớn Thomas Pynchon vừa lấy vụ khủng bố 11/9, sự kiện nghiêm trọng nhất của lịch sử Mỹ đầu thế kỷ 21, là trọng tâm cuốn tiểu thuyết mới nhất mang tên Bleeding Edge (tạm dịch: Bờ vực rỉ máu).
Ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong sự nghiệp tiếng tăm của mình, cuốn V, Pynchon đã luôn kể về lịch sử như một trò hề bi kịch, theo trang Slate: "Viết về ngày 11/9, sẽ là ai nếu không phải là Pynchon?".
Nhà văn Mỹ này được mệnh danh là "nhà tiên tri", "kẻ hoang tưởng lỗi lạc" vì những tiểu thuyết có tính dự báo thời cuộc của ông.40 năm, 2 sự kiện, một cảnh tượng
“Một tiếng thét xẹt qua bầu trời. Điều này đã xảy ra trước đây, nhưng dường như chẳng có gì so sánh được. Quá muộn rồi. Người ta vẫn di tản, nhưng chỉ là làm trò… Anh sợ rằng các tấm kính sẽ đổ xuống - sớm thôi - sẽ là cảnh tượng này: sự sụp đổ của tòa lâu đài pha lê".
Nếu không biết xuất xứ của đoạn văn trên, người đọc có thể hiểu nhầm sự việc được mô tả là vụ khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001.
Nhưng không, đó là đoạn văn mở màn cuốn tiểu thuyết kinh điển Gravity ‘s Rainbow của Thomas Pynchon năm 1973, kể về cơn mưa chết chóc mà tên lửa V2 của Đức trút xuống London trong Thế chiến II. Thật kinh ngạc, đoạn mô tả không khác gì vụ khủng bố 11/9.
Điều đó thể hiện chủ đề trung tâm trong các tiểu thuyết của Pynchon vẫn không thay đổi, dù 40 năm đã trôi qua với bao biến động thời cuộc. Đó là: sự leo thang của tuyệt vọng và chủ nghĩa khủng bố, khải huyền, cái chết, thiên tài và vực thẳm.
Theo trang Houston Chronicle, điều lỗi lạc ở thiên tài lập dị Pynchon là "ông tìm ra cách sống an lạc trong thế giới bất công một cách điên loạn này". Điều đó tốt cho ông. Nhưng tệ cho tất cả chúng ta.
Trong tiểu thuyết mới nhất Bleeding Edge, Pynchon cập nhật những vấn đề mới của thế giới: internet và quá trình truyền thông hiện nay - quá phù hợp với sự say mê của ông đối với các dạng kết nối bí ẩn. Trong thế giới đó, con người không tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy kỹ thuật - chính trị.
Phố Wall, thung lũng Silicon, Lầu Năm Góc, Trung Đông và một cuộc tấn công trên đất Mỹ được Pynchon kết nối với nhau trong cuốn sách.
Giấc mơ xa xôi
Cuốn sách dày 477 trang, phải đến trang 300 mới xảy ra vụ khủng bố. Nhưng bóng đen của sự kiện này phủ lên toàn bộ tác phẩm, cũng giống như tác động của sự kiện ngoài đời đối với nền kinh tế nước Mỹ và toàn thế giới.
Bleeding Edge đưa người đọc trở về với 12 năm trước, khi internet còn khá mới mẻ. Microsoft vẫn là một "đế chế ma quỷ", còn Google chưa thống trị và mạng internet vẫn là một thứ vừa hấp dẫn bí hiểm vừa tiềm ẩn các mối đe dọa. Thế giới đó so với ngày nay giống như một giấc mơ xa xôi.
Bleeding Edge lấy bối cảnh "thung lũng Silicon" ở Manhattan, New York năm 2001. Cuốn sách kể về nhân vật Maxine Tarnow, một bà mẹ trẻ người Do Thái sống ở khu Upper West Side, sống cùng hai cậu con trai. Tarnow điều hành một văn phòng chống tham nhũng không có giấy phép.
Giống như các tiểu thuyết khác của Pynchon, ông "dồn" nhân vật nữ chính của mình vào giữa một loạt âm mưu mờ ám. Tarnow có mối liên hệ với nhiều công ty công nghệ, tất cả đều đang tìm cách tồn tại trong buổi đầu của internet.
Sách ra mắt ở Mỹ vào ngày 17/9 vừa qua, không nhằm vào dịp kỷ niệm 12 năm ngày 11/9.
Thomas Ruggles Pynchon sinh năm 1937 ở New York, là nhà văn lớn của Mỹ. Ông là tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng như: V, Gravity ‘s Rainbow và Mason & Dixon. Còn Bleeding Edge, theo trang Slate, lại chưa xứng tầm với 3 kiệt tác trên.
Giải Pulitzer hụt: Không Pynchon thì không ai cả Năm 1974, ban giám khảo giải Pulitzer đã thống nhất trao giải cho cuốn tiểu thuyết Gravity ‘s Rainbow của Thomas Pynchon trong số 100 tiểu thuyết ra năm 1973 được đưa vào sơ khảo. Mặc dù vậy, khi đưa cho Hội đồng tư vấn Pulitzer duyệt, và hội đồng này đã không duyệt. Lý do là: cuốn sách "phô trương", "cường điệu", "khiêu dâm" và "không thể đọc nổi". Năm đó, giải Pulitzer tiểu thuyết không có chủ. |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất