14/06/2016 10:57 GMT+7 | Euro 2020
(lienminhbng.org) - Họ đã hát vang như thế ở khu Vieux Port (Cảng Cũ) của Marseille, tay giơ lên những lon bia uống dở, mắt ánh lên vẻ thích thú và ngạo mạn, đầu ngẩng cao như sắp bước ra trận chiến. Nhưng trên thực tế, họ không ở Syria, không ở Iraq, không trực tiếp đối mặt với ISIS, mà chỉ ở nước Pháp, trong những ngày đầu tiên của EURO, và chiến đấu chống lại những cổ động viên Pháp thỉnh thoảng trêu ghẹo họ, chống lại các nhóm cảnh sát chống bạo động trước đó bình thản sắp thành hành trên những con đường trong khu cảng, và chống lại… chính họ.
Khi các CĐV trở thành những gã Don Quijote
Hai ngày trước trận đấu, hàng trăm hooligan đã quậy tưng bừng ở khu Vieux Port, trong một tối mà báo chí Anh gọi là “sự kiện đáng xấu hổ”. Được trang bị tinh thần bằng rất nhiều bia, những gã cởi trần bụng phệ ùa ra đường phố hò hét và gào thét những câu kiểu như, “ISIS, chúng mày ở đâu?” và “ISIS, họ yêu chúng mày”. Cuộc nhậu trở thành màn đánh lộn sau khi một số cổ động viên quá khích của Olimpique Marseille, vốn chưa bao giờ nổi tiếng ở sự hòa hữu, xuất hiện và trêu chọc chúng. Những điệu nhảy trên mặt đất được thay thế bằng các vũ điệu trên không trung của chai lọ và gạch đá vào cảnh sát. Một ngày trước trận đấu, điều tương tự lại xảy ra ở những nơi khác của thành phố, khi đám cổ động viên điên rồ ấy tấn công hiến binh Pháp. Và rồi vào ngày trận đấu diễn ra, tiếp tục những cuộc chiến đấu chống ISIS ở Vieux Port theo cách mà John và bạn anh, những cổ động viên của Leicester City, đã cùng với hàng trăm cổ động viên Anh khác thực hiện: hoặc uống cho say bét nhè rồi đập chai xuống phố trong những câu hát đầy tự hào về tình yêu bóng đá của họ, hoặc vớ những gã ham vui cũng muốn tham gia cuộc nhậu như tôi để cho “niềm vui” cứ mãi nhân lên!
Nhà báo Anh Ngọc và một CĐV Anh tại Marseille
Tôi đã uống gần say với đám fan Hà Lan sau trận Hà Lan-Ý ở Bern, Thụy Sĩ, 8 năm trước, đã ngồi với một đám Anh mắt đỏ ngầu, chân đá lung tung và mồm lẩm bẩm hát những câu không rõ nghĩa ở Bloemfontein, Nam Phi, sau trận Anh-Đức ở World Cup 2010. Cảm giác thật đặc biệt và dễ hiểu: trong đầu của những gã như Don Quijote lúc ấy hiện lên toàn cối xay gió và lũ kẻ thù thâm độc, chân tay thì cứ muốn làm một điều gì đó, mồm cứ muốn phải hát và chỉ cần dăm ba kẻ như thế ngồi với nhau là trong chớp mắt thành anh em tri kỉ, bá vai bá cổ ngồi bên nhau, dù ông nào chi tiền bia của ông ấy, và chỉ cần một gã điên vô phước nào đó đi qua buông lời chọc ghẹo là thành ẩu đả. Hôm 12-6 và hai ngày trước đó ở Marseille cũng thế.
Tôi không uống với John và bạn cậu (dù rất muốn), vì còn phải ghi hình chính họ, và vì không bao giờ ủng hộ bạo lực. Nhưng sự xuất hiện của đội tuyển Anh luôn kéo theo một hệ lụy: họ đi đến đâu, đám hooligan đi theo đến đó, quậy tưng bừng ở đó. Điều này khá khác biệt với tifosi. Trong khi đám cổ động viên Ý chỉ thích đánh chính người Ý, không ít lần gây ra những vụ án mạng đau lòng, thì đám hooligan thực tế hơn. Rất ít khi chúng đánh nhau, mà xuất khẩu bạo lực sang cổ động viên các nước khác.
Tổ chức trận Anh - Nga ở Marseille là sai lầm
Nhưng tại sao lại là ISIS và tại sao nhiều người Marseille coi những câu hát đó là một sự sỉ nhục chính họ? Marseille là một thành phố của người nhập cư, hầu hết trong số đó đến từ các nước Bắc Phi (Zidane huyền thoại và gia đình anh cũng đến từ đó). Vieux Port là một biểu tượng của nước Pháp gắn với Châu Phi qua những chuyến tàu vượt Địa Trung Hải sang đó khai thác thuộc địa. Hát về ISIS là chọc giận họ, gắn họ với những sự kiện bi thương đã xảy ra ở Paris và Brussels. Không ngạc nhiên khi chính những câu hát ấy từ những cái mồm say xỉn là nguyên nhân gây ra những cuộc bạo động ngay cả sau khi trận đấu kết thúc. Khiêu khích chống đạo Hồi là một điều dại dột. Và cảnh sát lo ngại rằng, những phần tử Hồi giáo cực đoan của Marseille có thể trà trộn vào đám đông điên loạn này, hoặc kích động bạo lực, hoặc tiến hành một vụ tấn công khủng bố.
Điều đáng buồn là những gì đã xảy ra ở Marseille gợi nhớ đến sự kiện tháng 6-1998 cũng ở khu Vieux Port này. Hôm ấy là một ngày thù hận. Trận đấu giữa Anh và Tunisia cho World Cup 98 đã bắt đầu theo cách không ai mong đợi: đám hooligan say tít đã ùa ra chặn chiếc xe của một cổ động viên Tunisia chạy qua đó, giật lấy lá cờ Tunisia trên xe, đốt cháy nó, và sau đó lao vào đập phá các hàng quán xung quanh. Tổ chức trận Anh-Nga ở Marseille, do đó, có thể là một sai lầm của BTC. Marseille có tới 300 nghìn người, tức là 1/3 dân số thành phố, là người Hồi giáo và có tới 63 điểm thờ cúng của họ ở khắp nơi. Điều gì sẽ xảy ra nếu John và các bạn của anh tấn công vào đó, trong một cơn điên rồ mất lí trí do rượu bia và máu nóng thích đánh nhau sai khiến?Không nghi ngờ gì nữa, với một nước Pháp bị bao vây bởi nỗi lo sợ khủng bố, với Châu Âu chìm sâu trong những vấn đề về kinh tế và khủng hoảng di cư, thì sự trở lại của hooligan có thể được coi như là sự đăng quang của một lũ ngu xuẩn. Mà bạo lực không chỉ đến từ cổ động viên Anh. Đã có xô xát giữa cổ động viên Bắc Ireland và Ba Lan ở Nice. Trong khi đó, cổ động viên Nga cũng không phải thiên thần. 6 người trong số họ đã đánh một hooligan Anh thập tử nhất sinh ở ngoài sân Velodrome sau trận Anh-Nga. Điều gì sẽ còn xảy ra tiếp nữa đây, khi đường phố trở thành chiến trường, và các hàng quán trở chiến lũy?
John và bạn của cậu vẫn ổn sau các trận chiến? Tôi chỉ mong không có điều gì tệ hại xảy ra với họ. Đội Anh vẫn còn hai trận vòng bảng nữa ở Lens và Saint Etienne. Nếu như người ta không có cách nào ngăn họ lại, các cuộc vui của John và các bạn còn dài…
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Marseille, Pháp)
Lên đỉnh sung sướng và rơi tõm trong thất vọng Họ gào lên sung sướng, lấy bia hắt lung tung, rồi chạy như một lũ rồ sau khi Dyer sút tung lưới Nga từ một quả đá phạt. Đấy là hiệp 2 của trận đấu Anh-Nga. Không phải ở sân Velodrome, “sân khấu” của một cuộc ẩu đả sau khi tiếng còi cuối cùng của trận đấu cất lên. Đấy là khu fanzone dành cho cổ động viên ở bãi biển Prado, cách sân không quá xa. Nhưng hôm ấy, fanzone không đông. Chỉ có chừng 4-5 nghìn người Anh lọt thỏm trong một không gian có sức chứa 80 nghìn người. Đám cổ động viên Nga không xuất hiện. Người Pháp cũng không. Nguy cơ của một cuộc đánh lộn khiến họ vắng mặt, và fanzone thành nơi ngự trị của người Anh, những người đã gào lên như thể họ vừa vô địch thế giới sau bàn mở tỉ số trận đấu. Thậm chí có người còn khóc. Nhưng cái bầu không khí vui tươi và hân hoan ấy không kéo dài lâu. Tất cả chìm trong im lặng khi đội Nga gỡ hòa ở phút chót. Đấy là những giây phút chết chóc, khiến cảm xúc đóng băng. Có người ôm đầu. Có người quắc mắt chửi các phóng viên khi máy quay chĩa vào họ. Và rồi, trước micro của chúng tôi, có người chỉ trích chiến thuật “hèn nhát” của HLV Hodgson, có người nói rằng anh ta đã ngủ suốt trận vì đội Anh đá quá tệ. Nhưng không ai nói đến việc đội Anh có thể sớm rời EURO ngay trong tháng 6 này. Không ai mong đợi “Brexit” (nguy cơ nước Anh rời khỏi khối EU) có thể sẽ lan sang cả EURO 2016… Họ lủi thủi rời khu fanzone sau khi trận đấu kết thúc. Một cuộc đánh lộn khác xảy ra ở khu Vieux Port của Marseille ngay sau đó. “Bản tin thời chiến” đây: 1 cổ động viên Anh bị thương, 7 người khác bị bắt. Niềm vui không được thấy trên sân cỏ được thể hiện bằng “niềm vui” trong đánh lộn. Thật tệ hại cho đội bóng của Nữ hoàng. Bởi trước đó cùng ngày, đàn em xứ Wales mà họ luôn xem thường đã chiến thắng Slovakia 2-1. Mà cái đội bóng đến từ vùng đất nhỏ xíu ấy trong Liên hiệp Vương quốc Anh mới chỉ lần đầu tham dự EURO… A.N |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất