Sơn mài Việt tại Đài Loan

23/04/2013 07:26 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Yêu tranh sơn mài truyền thống, say mê tín ngưỡng thờ Mẫu, sau một thời gian loay hoay, Nguyễn Trường Linh đã mang tranh về phụ nữ Việt trên chất liệu sơn mài sang TP Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) mở triển lãm từ 30/3 đến 30/4/2013. Đây cũng là triển lãm sơn mài đầu tiên của nghệ sĩ Việt tại vùng lãnh thổ này.

Triển lãm bí ẩn trưng bày 18 bức tranh sơn mài vẽ trong suốt 3 năm ròng của Nguyễn Trường Linh. “Tranh sơn mài mang đậm bản sắc Việt, nên từ lâu, tôi đã muốn mang tranh đi triển lãm ở các nước trên thế giới. Và cơ duyên khiến tôi có thể kết hợp với Fon Ya Gallarey 5000 Years Fine Art Gallery để thực hiện cuộc triển lãm này tại thành phố Cao Hùng”- họa sĩ Nguyễn Trường Linh trao đổi với TT&VH.

Tranh của Nguyễn Trường Linh phá vỡ những mặc định vốn đã “đóng đinh” của nghệ thuật sơn mài. Đồng thời, các tác phẩm trong triển lãm có tính độc lập rất cao về nội dung. Mỗi tác phẩm là mỗi câu chuyện, sử thi về dân tộc Việt. Hơn thế, không ít bức họa trong triển lãm còn mang không khí linh thiêng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Trường Linh nương theo cái nhập và cái biến của nét và màu, mở ra những không gian lạ trong cõi vắng của tinh thần. Từ cây cầu già nhuốm sắc vàng còn lại của dĩ vãng, một góc vườn xưa của kỷ niệm, một vệt nắng sớm trên triền núi xa...

Tác phẩm tranh sơn mài Vọng phu

Nhưng ám ảnh người xem nhất lại là hình hài, duyên phận những người đàn bà Việt. Họ tìm mộng trong đời thực, vừa hóa đá để vọng phu đã lang thang mộng du dưới thập điện. Họ nợ duyên kiếp trước nên cũng tùy duyên mà trở nợ duyên những ai trong cõi nhân gian. Họ ở giữa ma quỷ và thánh thần nhưng luôn là cái đẹp cứu rỗi trần gian muôn màu.

Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Trường Linh với TT&VH, cho đến lúc này, 10/18 bức tranh trưng bày tại triển lãm đã được bán. “Số còn lại, tôi sẽ bán nốt hoặc để lại Đài Loan nhằm lan tỏa bản sắc Việt tới cộng đồng nơi đây”- họa sĩ Nguyễn Trường Linh nói.

Nguyễn Trường Linh sinh năm 1971, thuộc thế hệ thứ 3 của nghệ thuật đổi mới. Năm 2010, tác phẩm của anh đoạt Huy chương vàng Mỹ thuật toàn quốc. Hiện anh là Thạc sĩ Mỹ thuật, Phó Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm