Sơn Tùng M-TP cũng chỉ là một trong vô vàn ví dụ bắt chước Hàn Quốc trên thế giới

26/03/2015 17:00 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Trường hợp Sơn Tùng M-TP của Việt Nam có phong cách thời trang và âm nhạc khá tương đồng với đồng nghiệp G-Dragon của Hàn Quốc chỉ là một trong vô vàn ví dụ cho ảnh hưởng của Kpop trên khắp thế giới.

Mặc dù vậy, cần phân biệt rõ ranh giới giữa lấy cảm hứng, bắt chước và đạo, ăn cắp, theo ông Kim Ho Sang, Giám đốc sản xuất - Ban Giải trí đài KBS (Hàn Quốc), Giám đốc sản xuất các chương trình lưu diễn Music Bank. Ông Kim Ho Sang có buổi thuyết trình về “Làn sóng Hàn Quốc – Kpop và Music Bank” tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hà Nội chiều 26/3.

Ông Kim có kinh nghiệm lâu năm sản xuất các chương trình giải trí có sự tham gia của những nghệ sĩ, nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc.

Kpop và sức lan tỏa nhờ miễn phí

Trong bài thuyết trình, ông Kim nhắc đến chiến lược trái ngược nhau của Hàn Quốc và Nhật Bản khi quảng bá âm nhạc trên YouTube, kênh truyền hình internet lớn nhất thế giới. Trong khi Nhật Bản ký kết để phát hành các bài hát, video ca nhạc dưới dạng có trả phí, thì Hàn Quốc phổ biến hầu như toàn bộ các sản phẩm âm nhạc dưới dạng miễn phí và thu lợi nhuận quảng cáo.


Ông Kim Ho Sang trong buổi thuyết trình tại Hà Nội. Ảnh: Mi Ly.

Ông Kim nhấn mạnh: “Là nội dung miễn phí nên thường các sản phẩm của chúng tôi thường bị sao chép với số lượng lớn. Mặc dù vậy, cách phổ biến miễn phí trên YouTube lại đóng góp rất lớn vào sự lan tỏa của Kpop”. Trong những năm qua, các video nhạc của nghệ sĩ Hàn Quốc từ chỗ có số lượt xem hạn chế đã trở nên cạnh tranh với các tên tuổi thế giới. Các nghệ sĩ như Psy, Girl’s Generation, EXO có video nhạc hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ lượt xem.

Trong đó, video ca nhạc Gangnam Style của Psy đạt hơn 2 tỷ lượt xem trên YouTube là một thành tích vô tiền khoáng hậu. Bên cạnh đó, có vô số video bắt chước Gangnam Style, vô số người đóng giả Psy, nhiều phiên bản hoạt hình...

Sao chép: khi nào là xấu và khi nào là tốt?

lienminhbng.org đặt câu hỏi: “Ông vừa nhắc đến tình trạng sao chép số lượng lớn từ âm nhạc Hàn Quốc. Với tư cách một nhà sản xuất âm nhạc, ông nghĩ sao về những sản phẩm bắt chước, thậm chí đạo nhạc từ Kpop?”.

Một ví dụ quen thuộc là Sơn Tùng M-TP, ca sĩ được giới trẻ Việt Nam yêu thích, nhưng cũng thường xuyên vấp phải sự phản đối từ người hâm mộ Kpop vì bị cho là có phong cách giống ca sĩ G-Dragon (trưởng nhóm Big Bang) hay bị tố sao chép phần hòa âm từ các ca khúc Kpop.


Sơn Tùng M-TP thường bị so sánh với giống G-Dragon

“Kpop đang có ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới, nhưng điều đó cũng có kéo theo nhiều trường hợp bắt chước” – Ông Kim trả lời. “Chẳng hạn, Thái Lan có một nhóm nhạc rất giống 2PM của Hàn Quốc. Khi tôi đến Brazil, tôi thấy ở đó có 3 nhóm nhạc rất giống Super Junior. Trường hợp ca sĩ Sơn Tùng của Việt Nam, tôi vừa nghe nói đến”.

“Quan điểm của chúng tôi là nghệ sĩ ở quốc gia nào thì được các cơ quan quản lý của nước đó kiểm soát. Chúng tôi cũng lo ngại về tình trạng sao chép, nhưng cần lưu ý là sự sao chép có nhiều mức độ. Nếu chỉ dừng lại ở lấy cảm hứng, học hỏi và biến đổi phong cách của ca sĩ Hàn Quốc để phù hợp với mình, tôi cho là điều tích cực”.

“Chỉ khi sự sao chép là lấy sản phẩm của người khác làm của mình thì mới là vấn đề. Với tư cách là nhà sản xuất, tôi không đồng tình với hành vi đó” – ông Kim cho biết.

Năm 2014, ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP bị tố sao chép nhạc đệm từ ca khúc Because I Miss You của ca sĩ Jung Yong Hwa - trưởng nhóm CN Blue. Phía Hàn Quốc đã phủ nhận nghi vấn này, nhưng Chắc ai đó sẽ về vẫn được hòa âm lại để sử dụng cho bộ phim Chàng trai năm ấy ra mắt cuối năm 2014.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm