Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 4):
Sự thay thế của một 'gu Hà Nội'
(lienminhbng.org) - … “Sáng nay, lúc 6h tôi đã bị lạnh ngoài phố! Bầu trời trong và nhạt, thành phố vui vẻ thức dậy và hằng hà sa số cây cối náo động lên do tiếng ríu rít của ngàn vạn con chim; quấn trong một áo khoác dày, tôi nghĩ mình còn ở Paris… vào một buổi sáng đầy nắng”.
Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý - Kỳ 1 (xem TẠI ĐÂY)
Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý - Kỳ 2 (xem TẠI ĐÂY)
Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý - Kỳ 3 (xem TẠI ĐÂY)
1. Đoạn văn ngắn trên như nhặt ra từ một tiểu thuyết lãng mạn Pháp, đầy ắp niềm hạnh phúc và khao khát khám phá. Thành phố đáng yêu đấy chính là Hà Nội vào một ngày tháng 11/1928, dưới mắt Jean Tardieu, con trai vị họa sĩ Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương (Thư Hà Nội, gửi Jacques Heurgon).
Dĩ nhiên nói đến đây, chúng ta nghĩ, thân phận ông chủ đến xứ thuộc địa, thì có gì mà không vui vẻ! Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, hình như lâu lắm rồi chúng ta không còn cảm nhận về một Hà Nội đầy tiếng chim kia, bầu trời trong trẻo kia như xa tít.
Đọc tiếp văn của cái tay “thực dân” ấy - một cử nhân văn chương Pháp - thì Hà Nội như một nơi điều dưỡng tuyệt trần trên thế giới, với những con phố dài rợp bóng cây xanh, những khu phố của người bản địa đầy màu sắc, tiếng guốc rộn ràng của các cô gái gõ trên nền gạch lát đường làm nên bản hợp tấu của nốt “re thăng” và “solgiáng”. Trên nền cảnh duyên dáng đó, con sông Hồng mở ra một tầm ngút mắt như hậu cảnh, chỉ có những cánh buồm của những con thuyền lướt qua hoặc cây cầu Long Biên chiếm vị trí nổi bật trơ trọi khi ấy.
Hà Nội được sánh với Paris. Nhưng đấy là Hà Nội của thế kỷ trước. Năm 1954, Hà Nội chỉ có 530 nghìn dân trên diện tích 123km2. Hà Nội bây giờ có số dân dăm bảy triệu, bao gồm cả tỉnh Hà Tây - xứ Đoài cũ - rộng gấp 27 lần năm 1954, trở thành một vùng dân cư đông đúc chưa từng có trong lịch sử của đô thị này. Với sự kiện trở thành một thành phố có quy mô lớn như vậy, một mặt khẳng định ưu thế của quá trình đô thị hóa của một nước đang phát triển dồn vốn đầu tư vào một trung tâm đầu não, một mặt làm đậm thêm sức hút của một thành phố được bồi lắng qua rất lâu.
Sự thay đổi của Hà Nội, với lối nói “hoành tráng”, là sự vươn mình, với người khác, đó là những sự bung ra xộc xệch, căng thẳng và không đồng bộ. Lơ lửng trong tâm lý chung là một bầu không khí luôn nóng: Ngày mai của Hà Nội sẽ là cái gì? Di sản lâu đời của thành phố này gây dư âm luôn khiến người ta ngoái lại. Người ta sợ Hà Nội sẽ giống một thành phố xấu xí nào đó, nên trong cái cách yêu Hà Nội bây giờ có sự cực đoan của “tinh thần Hà Nội”.
Nhưng cực đoan thế đã đủ để giữ Hà Nội sẽ đẹp như một thời nào chưa, thời có cơ sở để so sánh chứ không phải là một tương lai mờ mịt còn chưa thành hình hài đặng yên tâm. Cái gì còn lại từ những năm tháng nên thơ nói đến ở trên, dần dần như những mặt hồ lặng lẽ, những khoảng âm để làm đắm chìm bất cứ cơn cáu giận nhỏ nào. Liệu chúng có đủ để hạ cơn cáu giận mang đặc trưng rất Hà Nội thập niên đầu thế kỷ 21 đang có hay không?
2. Nếu lần ngược lại những bản quy hoạch thủ đô từ thời những năm 1990 đến đầu thế kỷ 21, ta sẽ thấy nhiều dự định lớn được đề ra, nhưng điều chưa làm được và cũng là điều khó nhất - xác định một trung tâm CBD (Central Business District) đối sánh với khu hạt nhân lịch sử từ thời Pháp trở về trước để lại.
Với một thành phố “đầu to” như Hà Nội, xây dựng một trung tâm thương mại sầm uất mới theo thể thức hiện đại là một cách đưa ra hình ảnh dễ được chấp nhận với số đông, và nhất là giảm tải được cho khu phố cũ đã chật hẹp và càng ngày càng không tương thích về giao thông với các phương tiện gia tăng đột biến.
Xây dựng các trung tâm hành chính không phải là khó bởi những công trình loại này có đời sống tương đối biệt lập với sinh hoạt phố phường thị dân, nhưng trung tâm thương mại lại đòi hỏi các dịch vụ giao thông và kết nối với cư dân chặt chẽ. Vì nhiều lý do, những tham vọng theo hướng này còn diễn tiến chậm chạp. Nhiều nơi quay trở về cách thức cài cắm các cao ốc thương mại vào khu phố Pháp, nơi có mạng lưới giao thông bàn cờ và tương đối mạch lạc, bất chấp hậu quả kẹt cứng vì lưu lượng xe cộ và đường ống, đường cáp liên tục phải duy tu.
Hiện nay, sau khi không còn giữ được ý tưởng lấy Hồ Tây làm hạt nhân, có thể thấy hình thái mặt tiền tủ kính chung Hà Nội theo hai hướng: Bám theo sông Hồng và lan dần từ khu Mỹ Đình về phía Tây. Chắc hẳn diện mặt thoáng của sông Hồng và các thửa ruộng của 2 huyện Từ Liêm, Hoài Đức bám theo trục Láng-Hòa Lạc là những khu vực triển khai dễ dàng hơn nhiều so với những khu dân cư lộn xộn của quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân hay Cầu Giấy.
Nói hơi dông dài một chút để thấy rằng, giá trị của môi trường sống của Hà Nội ngày hôm nay rất đắt. Thoạt nhìn vào hệ thống giao thông chắp vá, hạ tầng cơ sở lạc hậu, thì ta có cảm giác thậm vô lý. Song xét về quy luật cung cầu kinh tế, thì môi trường này đang đủ sức nuôi đông đảo người, mặc dù cái sự nuôi này ở mức bóc ngắn cắn dài. Ai cũng phấp phỏng lo một ngày mai bất thường, nhưng những nhà hoạch định cũng chưa đưa ra được một hình ảnh nào đặng làm yên lòng số đông.
3. Hà Nội giống như một rổ trứng to, ai cũng biết là nên để trứng - tích lũy xã hội - vào nhiều rổ, nhưng các rổ - các địa phương vệ tinh, các giá trị đầu tư khác ngoài nhà đất và dự trữ vàng, đôla - lại không đủ sức hấp dẫn.
Vậy hãy nhìn vào cái rổ to là Hà Nội. Trước năm 1954, Hà Nội chưa có khu công nghiệp nào ngoài một vài nhà máy lẻ tẻ đặt ở rìa phạm vi nội thành cũ. Trong quá trình công nghiệp hóa, với hệ thống sản xuất quy mô tập trung, các khu công nghiệp được hình thành theo kiểu vành đai. Tuy nhiên, vành đai của Hà Nội chính là các khu dân cư nông nghiệp và làng nghề, cũng như hệ thống sông hồ bao bọc vùng đất cao ráo Đại La cũ.
Điều gì phải đến đã đến: Các khu công nghiệp nặng với công nghệ lạc hậu trở thành các vết loang ô nhiễm khi thải trực tiếp ra các con sông như Tô Lịch, Nhuệ, Kim Ngưu và lấp cạn dần các mặt hồ ngoại vi. Lực lượng lao động của các nhà máy và dân cư gắn với chúng không thừa hưởng được các kỹ năng sản xuất do thay đổi công nghệ, rút cuộc trở thành bần cùng hóa về mặt mội trường sống, trở thành những khu loang lổ da báo, “dân trí thấp”.
Chưa tính được xem liệu tổng đầu tư cho hệ thống khu công nghiệp này và lợi nhuận thu về trong suốt nhiều thập niên có bù lại được số tiền đã và dự kiến phải chi để làm sạch lại các con sông nói trên, nhưng đến nay, mọi sự vẫn chưa mấy sáng sủa. 2 con sông huyết mạch của vùng phên giậu Hà Nội xưa - Nhuệ và Đáy, là nơi tiếp nhận nước của những con sông nội thành trên, cũng chưa thấy hồi sinh.
Với lượng xăng dầu tiêu thụ khổng lồ và diện tích mặt đường chỉ có 2m2 để lưu thông cho mỗi xe, đường phố Hà Nội sẽ không lâu nữa thành một môi trường tồi tệ cho con người - nơi nhiên liệu hóa thạch hao tổn chỉ để di chuyển với tốc độ chậm chạp trên đoạn đường ngắn và con người kẹt cứng trong nạn “nhân mãn” gây ức chế.
Thành phố chuyển từ quy mô những con số nhỏ lên con số rất lớn, chúng là cơ sở vật chất của những thay đổi ở tầng cao hơn: Văn hóa, thẩm mỹ và tinh thần đô thị. Sẽ rất khiên cưỡng nếu chúng ta cố giữ “gu” tinh thần đã có trong khi nền tảng vật chất đã biến đổi hoàn toàn. Chúng ta sẽ bàn tới câu chuyện của sự thay đổi của “gu” Hà Nội trong phần sau.
Sau khi không còn giữ được ý tưởng lấy Hồ Tây làm hạt nhân, có thể thấy hình thái mặt tiền tủ kính chung Hà Nội theo hai hướng: Bám theo sông Hồng và lan dần từ khu Mỹ Đình về phía Tây. |
(Còn tiếp)
Nguyễn Trương Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất