16/11/2019 07:34 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhím 11 tuổi, đeo kính cận, có chút bẽn lẽn nhưng không hề lúng túng khi xuất hiện trong cuộc triển lãm đầu tay. Và ở độ tuổi ấy, không chỉ bố mẹ, cô giáo mà tất cả những ai có mặt cũng đều nhất định chỉ gọi em là Nhím - thay cho cái tên Lê Thu Hà Bình được giới thiệu trang trọng trong thông cáo báo chí.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Đang diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội), triển lãm có tên Thai Nguyên, được Nhím thực hiện cùng cô giáo mình - nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thùy Trang. Như giới thiệu, cái tên ấy gắn với ý tưởng về sự trở về của những giá trị nguyên bản - mà cụ thể là tinh thần “mơ mộng và bay bổng”, vốn là nền tảng cho sự sáng tạo của con người.
Thực ra, triển lãm đã có thể diễn ra từ 2 năm trước, khi Nhím 9 tuổi và còn đang học ở xưởng nghệ thuật Tí Toáy do Thùy Trang thành lập. Như lời kể, cặp cô - trò này đã ấp ủ, thảo luận nhiều về các ý tưởng và cùng nhau thực hiện một số phác thảo ban đầu. Để rồi, mọi chuyện tạm thời gián đoạn, khi Nhím cùng gia đình chuyển từ Hà Nội về Quảng Bình.
“Nhím có thiên hướng tốt về nghệ thuật. Bởi vậy, tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên để dõi theo chặng đường phát triển của em” - Thùy Trang kể - “Những lúc Nhím có ý tưởng mới hoặc gặp khó khăn trong cách thể hiện, chúng tôi lại trao đổi cùng nhau”.
Chính trong quãng thời gian ấy, qua những câu chuyện, ý tưởng về Thai nguyên được hình thành một cách rõ nét, sống động và cũng hồn nhiên hơn so với xuất phát điểm ban đầu. Bởi Thùy Trang nhận ra: Để có thể đứng cùng một cô bé nhỏ tuổi, chị không thể áp đặt nhiều phần tư duy “người lớn” lên triển lãm, với những tầng lớp ý nghĩa quá sâu xa.
“Mọi thứ chỉ có thể diễn ra khi Nhím được là Nhím, còn tôi vẫn là tôi. Nghĩa là, cả hai đều có thể làm những gì mà mình thấy thoải mái và tự nhiên nhất khi sáng tạo” - Trang nói. Muốn hiểu Nhím hơn, chị xách ba lô vào Lệ Thủy (Quảng Bình), ở cạnh Nhím một tuần.
Một tuần ấy, Trang thử sống cuộc sống của một cô bé 11 tuổi ở vùng quê. Không còn khói bụi, còi xe lẫn... tiếng chuông báo thức buổi sáng, chị cùng Nhím nhẩn nha đi tới những không gian lộng gió cạnh nhà, ngắm nhìn quang cảnh của một vùng đất có đủ cả nắng, núi, sông, biển và những cồn cát trắng. Nhìn Nhím đùa nghịch giữa thiên nhiên - rồi một cách thoải mái, đưa những cảm nhận về thiên nhiên vào tranh vẽ của mình trong vài tiếng sau đó - chị hiểu thêm về thế giới của cô bé 11 tuổi này.
2. Triển lãm Thai Nguyên mang âm hưởng của sự hồn nhiên và trong trẻo. Phần không gian trung tâm của triển lãm là tác phẩm Đường về dài tới 6 mét, rộng 2,5 mét, được Trang đan dệt từ các sợi đay, cói và lục bình. Tác phẩm ấy mang dáng dấp của một bờ đê truyền thống (có tích hợp hệ thống đèn cảm biến tương tác trực tiếp với người trải nghiệm khi đi trên tác phẩm), bao quanh 2 mặt nước cách điệu từ những bức tranh Nhím vẽ về đàn cá đang bơi lội tung tăng.
“Những con cá ấy ở dòng suối phía sau lưng nhà. Nước trong lắm, con và bố hay ngồi xem rồi cho cá ăn” - Nhím kể với giọng đầy tiếc rẻ. “Sau này, người ta bắt nhiều, suối gần như không còn cá nữa. Con nhớ, nên vẽ lại thôi”.
Xen lẫn với những tác phẩm sử dụng kỹ thuật đan, dệt, móc của Thùy Trang, những bức tranh nhỏ của Nhím được bày quanh tường. Vẽ trên toan và gỗ, đó cũng là những câu chuyện rất đơn giản và ngộ nghĩnh trong thế giới riêng của cô bé 11 tuổi này. Đi quanh khán phòng, Nhím giới thiệu: “Đây là tranh con vẽ về các nhân vật trong truyện Kẹp hạt dẻ. Tranh này con vẽ Harry và Oliver - đấy là hai con vẹt mà con và em trai nuôi. Tranh này là con sông chảy qua làng, còn tranh này chính là làng ở nơi con sống...”
“Nhưng sao con lại vẽ những ngôi nhà mọc trên mây, rồi mọi người lại bay trong không trung như thế?”. “Trong mơ con thấy vậy, nên cứ vẽ lại thôi....”.
3. Câu chuyện của Thai Nguyên có thể dừng ở đây: Những bức tranh ẩn chứa giai điệu đẹp về thiên nhiên của một cô bé 11 tuổi được sử dụng trong một triển lãm muốn đưa người xem về với bản nguyên của mình: Sự trong trẻo, hồn nhiên.
Nhưng chuyện của Nhím thì chưa hết. Cô bé 11 tuổi này đang học ở nhà, nghĩa là... không còn đến trường. Tất nhiên, cuộc “đại cách mạng ấy” phải diễn ra với sự đồng thuận của bố mẹ Nhím. Rộng hơn, việc rời Hà Nội về quê sinh sống cũng là một lựa chọn chủ động của gia đình. Cho dù, khả năng học tiếng Anh từ lớp song ngữ mẫu giáo đã giúp Nhím giành học bổng ở một trường tư thục quốc tế tại Hà Nội và có 3 năm học tại đây.
“Bố của Nhím cũng làm nghề tự do. Tôi thì đã nghỉ việc từ năm Nhím 5 tuổi để dành trọn thời gian cho 2 cháu”- mẹ Nhím, vốn là kỹ sư của trường Giao thông kể. “Bởi thế, vấn đề nằm ở sự lựa chọn. Hỏi ý kiến cô giáo và bạn bè, mọi người bảo về quê cũng là cái hay, để con đường của Nhím không ngắt nhịp và có thể tiếp tục sau này”.
Nhím về quê, học thêm 2 năm. Như lời mẹ, việc đến trường chủ yếu là để Nhím có bạn bè, khi mà từ trước đến giờ, việc học của Nhím chủ yếu là tự học với khả năng đọc tiếng Anh của mình. Thế nhưng, dù vẫn hòa nhập khá tốt với môi trường mới, mẹ vẫn nhận ra cảm giác cô đơn của em.
“Nhím là người vui vẻ, các bạn xung quanh cũng rất đáng yêu. Nhưng nhìn cách học và cách chơi với bạn của Nhím, tôi hiểu rằng con bé đang phải cố gắng điều chỉnh mình để phù hợp với xung quanh. Là mẹ, tôi đau lòng khi nghĩ về cảm giác con mình không được là chính nó...” - mẹ Nhím kể.
Rồi chị nói: “Tôi bảo Nhím: Nghỉ cũng được, nhưng con phải có thêm những người bạn mới. Bạn ở đây không chỉ là những người xung quanh hay trên mạng mà có thể chính là cỏ cây sông suối, là thiên nhiên quanh nhà. Biết cách kết nối với những người bạn ấy, cuộc sống của con sẽ dễ chịu hơn...”.
Bây giờ, khi ngừng đến trường để tham gia “học ở nhà” (homeschooling) theo một chương trình online của Mỹ, Nhím có thêm thời gian để vẽ tranh và đọc sách. Cậu em trai 4 tuổi của Nhím cũng được định hướng như vậy. Những lúc rỗi rãi, hai chị em đi chơi quanh làng, đạp xe tới thăm ông bà, ra ngắm đồi cát ở biển hoặc tới những con suối xung quanh.
Nhím đang có những thứ mà chắc chắn sẽ không bao giờ sở hữu nếu còn sống ở thành phố. Em không phải đến trường, không phải lo làm bài tập, không phải chịu áp lực từ nhịp sống đô thị, nhưng lại có thời gian để chiêm nghiệm về thiên nhiên, để xây dựng thế giới riêng của mình qua sách vở. Và trên hết, với những gì đang có, những bức vẽ của Nhím vẫn đều đặn và tự nhiên xuất hiện trong đời sống hàng ngày.
Ở tuổi 11, mọi thứ với Nhím chỉ đang ở những bước đầu. Bởi trong tương lai, chẳng ai nói chắc được liệu Nhím sẽ theo con đường hội họa, sẽ trở thành một kiến trúc sư (như tâm sự của em) hay một người bình thường nào đó. Nhưng bây giờ, với sự đồng hành, chia sẻ và thương yêu của bố mẹ, cô bé 11 tuổi này đang có một quãng đời rất đẹp cùng nghệ thuật.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất