29/08/2021 06:32 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong những ngày đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, nhìn hình ảnh những đoàn bộ đội hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, tôi bỗng nhớ đến bài hát quen thuộc… Như có tiếng hát của các em thiếu nhi từ đâu vọng đến trong tâm tư tôi: “Đồng ruộng cho bông lúa, chim tặng lời reo ca. Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm...”.
1. Đây là những lời trong ca khúc nổi tiếng Bác Hồ - Người cho em tất cả của 2 nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân phổ nhạc bài thơ Cho em của nhà văn Phong Thu. Nguyên tác bài thơ như sau:
“Cho em những sớm mai
Là bình minh hửng nắng
Cho em vầng trăng sáng
Là chị Hằng xinh tươi.
Ai cho em, em ơi
Những đêm tròn giấc ngủ.
Ai cho em đầy đủ
Niềm vui và ước mơ…
Cây cho trái cho hoa
Sông cho tôm cho cá
Ruộng đồng cho bông lúa
Chim tặng lời reo ca.
Anh bộ đội đến nhà
Cho em lòng dũng cảm
Cô giáo cho bài giảng
Yêu xóm làng thiết tha.
Cùng em vượt đường xa
Là chiếc khăn quàng đỏ
Làm người chiến sĩ nhỏ
Làm con ngoan trong nhà…
Người cho em tất cả
Là Bác Hồ Chí Minh.
(Trích từ trang 7 tập thơ Cho em - NXB Văn học 2016)
Nhà văn Phong Thu (1934 - 2020) tên thật là Nguyễn Phong Thu, quê ở xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ông vốn là một giáo viên ở tỉnh Hòa Bình, sau đó về công tác tại Bộ Giáo dục. Từ năm 1964 ông là phóng viên rồi là Trưởng ban Văn nghệ báo Thiếu niên Tiền phong. Từ đó ông gắn bó với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu.
Phong Thu bắt đầu viết báo từ năm 1954 và cả đời chuyên viết cho thiếu nhi. Ông thành danh trong văn xuôi cho thiếu nhi với nhiều tập sách như: Đi tìm việc tốt (1966), Điểm 10 (1969), Bồ nông có hiếu (1996), Hoa mướp vàng (1998), Xe lu và Xe ca (2002), Cây bàng không rụng lá (2006)…
Không ai biết thỉnh thoảng nhà văn Phong Thu có làm thơ. Thật bất ngờ bài thơ Cho em của ông đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong năm 1975 lại có duyên gặp gỡ với 2 anh em nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân. 2 nhạc sĩ là anh em sinh đôi, 2 ông giống nhau như 2 giọt nước và thật đặc biệt họ cùng một niềm đam mê sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi. Nhiều bài hát họ cùng sáng tác, có khi chỉ 1 người sáng tác, tác phẩm cũng mang tên Hoàng Long, Hoàng Lân.
Vốn 2 nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân đã sẵn có tâm hồn thơ nhạc tuổi thơ nên các ông đã nhanh chóng nhận ra “thần thái” của bài thơ Cho em (Phong Thu) “bắt” được những cảm nghĩ hồn nhiên của trẻ thơ để từ bài thơ chọn nên những ý tứ đẹp nhất tạo nên lời bài hát gọn gàng với giai điệu tươi vui trong sáng:
“Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh.
Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh.
Cây cho trái và cho hoa, sông cho tôm và cho cá.
Đồng ruộng cho bông lúa, chim tặng lời reo ca.
Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm.
Cô giáo cho bài giảng yêu xóm làng thiết tha.
Cùng em vượt đường xa xôi là chiếc khăn quàng thắm tươi…”.
Cuối cùng, bài hát lắng đọng sâu sắc ở câu kết:
“Cho em tất cả, Người cho em cuộc đời mới tươi sáng đầy ước mơ.
Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh".
2. Có thể nói rằng sáng tạo xuất sắc của Hoàng Long, Hoàng Lân đã đưa bài thơ Cho em của Phong Thu thành bài hát Bác Hồ - Người cho em tất cả nhanh chóng lan tỏa rộng rãi khắp mọi miền đất nước. Bài hát đã được trẻ em yêu thích bởi lời ca và giai điệu thật phù hợp với tâm lý tình cảm của trẻ nhỏ. Từ “ánh nắng”, “đêm trăng”, đến “cây cối”, “đồng ruộng”, “dòng sông”, vẻ rực rỡ của “bình minh”, những hình ảnh ấm no sung túc như “hoa”, “trái”, “tôm”, “cá”, “bông lúa” và cả tiếng “chim reo ca"... Đều là những hình ảnh trực quan sinh động thấm vào tâm hồn trẻ em bằng những nét nhạc rất tươi sáng. Để rồi hình ảnh lớn xuất hiện:
“Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm.
Cô giáo cho bài giảng yêu xóm làng thiết tha".
2 câu này thật sự là một sáng tạo nổi bật trong bài thơ Cho em của nhà văn Phong Thu. “Cô giáo cho bài giảng” là một điều bình thường và quen thuộc với các em thiếu nhi. Thế nhưng “hồn cốt” của bài giảng là gì? Tác giả bài thơ đã trả lời: “yêu xóm làng thiết tha”. Câu trả lời này thực sự đã đi vào trái tim của tất cả học trò Việt Nam.
“Anh bộ đội” cũng là một hình ảnh quen thuộc với trẻ em, tuy vậy với anh bộ đội thì phẩm chất ấn tượng nhất để lại trong tâm hồn các em là gì? “Anh bộ đội” vào thời điểm năm 1975 bài thơ ra đời mang ánh hào quang chiến thắng của cuộc kháng chiến 30 năm (1945-1975), “Anh bộ đội” là biểu tượng của “lòng dũng cảm”. Câu thơ của nhà văn Phong Thu đã nói lên: Món quà lớn nhất của “Anh bộ đội” mang đến tận nhà trân trọng trao cho một em nhỏ là “lòng dũng cảm”!
Trẻ em có cần “lòng dũng cảm” không? Có chứ, rất cần! Rất cần khi các em phải vượt qua một bài toán khó, một bài văn mà em phải "cắn bút”; rất cần khi các em phải từ bỏ một thói xấu như thích chơi game… Trẻ em muốn có “lòng dũng cảm” không? Sao lại không? Rất muốn! Chính vì vậy bao nhiêu năm nay các em đã cất cao lời ca: "Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm”.
Câu kết thúc của bài hát là "Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh”. Nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ bài hát với tất cả những hình ảnh non sông tươi đẹp và “anh bộ đội dũng cảm” cùng “cô giáo yêu xóm làng thiết tha” thì chúng ta hiểu rằng đó là những con người của thời đại Hồ Chí Minh! Vậy thì câu kết thúc hoàn toàn là tự nhiên. Chính vì lẽ tự nhiên ấy mà bài hát đã tồn tại mãi đến hôm nay.
3. Trong những ngày này, nhìn hình ảnh những đoàn bộ đội cầm những túi lương thực, thực phẩm, thuốc men đến từng ngõ ngách của TP.HCM, tôi lại nhớ đến bài hát quen thuộc mang lời thơ của cố nhà văn Phong Thu. Hình ảnh anh bộ đội trong văn học thiếu nhi Việt Nam là một hình ảnh truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho mọi người. Tôi nghĩ rằng giờ đây tại TP.HCM, hình ảnh "anh bộ đội đến nhà" không chỉ là để đem nhu yếu phẩm cần thiết đến cho các gia đình mà trước hết là đem đến "lòng dũng cảm" để từng con người nhỏ nhoi sẽ tự mạnh mẽ lên vượt qua được những nguy hiểm chết người của một đại dịch lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Và, ngược lại, người lính Cụ Hồ khi "ra trận" trên một "chiến trường mới" - chống đại dịch - khi tìm đến những con hẻm bé nhỏ của một thành phố rộng lớn, trao được những đồ thiết yếu cho người dân nghèo đang gặp khó, người trao sẽ được nhận tình cảm trìu mến của nhân dân. Chính tình cảm ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho tâm hồn người chiến sĩ. Người tiếp sức cho người để mà mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn nữa trong trận chiến không tiếng súng mà cái chết đang đe dọa rình rập bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào.
Chúng ta đang sống trong những ngày đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên Tổ quốc Việt Nam. Cả nước đang gồng mình chống dịch, vốn là người làm văn học thiếu nhi trong tâm hồn tôi lại vang lên câu hát quen thuộc mà hàng triệu trẻ em Việt Nam đã từng hát vang. Tôi nghĩ rằng hơn bao giờ hết trẻ em Việt Nam đang cần lòng dũng cảm để sống trong cuộc đại dịch này. Các em đang phải đối diện với những khó khăn mà các thế hệ tuổi thơ của cha ông chưa bao giờ từng trải. Không chỉ có anh bộ đội mà tất cả mọi người lớn hãy trân trọng và âu yếm truyền cho trẻ em một "dũng khí" để sống vượt lên mọi khó khăn thử thách hôm nay.
Nhà văn Lê Phương Liên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất