28/06/2020 08:26 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Thật bất ngờ khi nhà nhiếp ảnh Trần Tuấn tặng tôi tập sách ảnh độc đáo về Đại tướng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân với phần chú thích bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc.
Quen chàng công tử Hà Nội này đã lâu, từ hồi Trần Tuấn còn là phóng viên TTXVN, nhưng tôi không hề biết anh đã gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 30 năm, bằng việc chụp những bức ảnh tư liệu về ông ở khắp các nẻo đường Tổ quốc và cả những địa danh ở nước ngoài. Gắn bó đến mức được Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi như con, ký thẳng tên mình vào áo Trần Tuấn.
Tập san ảnh hình thành từ ý tưởng “Võ Nguyên Giáp là vị tướng của dân” và được dựng lên từ kho tàng tư liệu ảnh mà Trần Tuấn đã chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 3 thập kỷ gắn bó.
Lật giở từng trang ảnh, thấy có rất nhiều bức ảnh ghi lại được những khoảnh khắc quý hiếm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ sau ngày thống nhất đất nước. Đó là bức ảnh Hòa thượng Thích Đôn Hậu tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng bí thư Lê Duẩn tại chùa Thiên Mụ (Huế) tháng 4/1976. Cùng thời gian ấy là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường xưa - Trường Quốc học Huế - và trồng cây lưu niệm. Rồi bức ảnh Võ đại tướng thăm gia đình bà Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hồi ở xã Tân Xuân, Hóc Môn, Sài Gòn cũng thời gian 4/1976. Đặc biệt là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm võng nghỉ trưa dưới rặng tre ở Củ Chi sau khi đi thăm địa đạo và viếng Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.
Thời gian của tập ảnh bị đứt đoạn từ năm 1976, nhưng những bức ảnh lại bắt đầu hiện hình liên tục từ năm 1995 - năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ sau 20 năm cấm vận. Đấy là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm dân bản ở Tân Trào - Tuyên Quang năm 1995 - năm kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám mà khởi sự là từ Quốc dân đại hội ở Tân Trào, Tuyên Quang. Bên cạnh đấy là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại hòn đá thề và bức ảnh ông nói chuyện với đồng bào dưới gốc đa Tân Trào lịch sử. Sau đó là rất nhiều bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong năm 1997 mà đặc biệt là bức ảnh Đại tướng gặp Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - đồng chí Đỗ Phượng - tại Bangkok (Thái Lan). Một tao ngộ độc đáo ở thủ đô Thái Lan.
Có một bức ảnh sẽ mãi mãi đi vào lịch sử là bức ảnh Đại tướng bắt tay nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - McNamara trong chuyến ông sang thăm Hà Nội năm 1997. Hình ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng một thời là đối phương của nhau, giờ bắt tay nhau khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Người xem tập ảnh sẽ rất hoan hỷ khi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm chiến trường xưa Điện Biên Phủ trong lễ kỷ niệm 50 năm (1954-2004) chiến thắng long trời lở đất này. Đấy là bức ảnh ông về thăm đại bản doanh Mường Phăng, thăm hầm De Castries, nghe Bộ trưởng Phạm Quang Nghị diễn giải về tượng đài Điện Biên Phủ. Có cảm giác rừng người vây quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng muốn tràn ra ngoài khuôn ảnh. Cảm giác ấy cho thấy một điều thầm lặng của thành công mà tác giả của những bức ảnh đã tạo ra được bằng cảm xúc của mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi thăm rất nhiều nước, nhưng ở tập sách ảnh này, tác giả chỉ giới thiệu những bức ảnh ông và phu nhân đi thăm Thụy Sĩ, nơi diễn ra hội nghị Geneve về hòa bình ở Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đấy là bức ảnh ông chụp bên tượng đài người lính, lúc đang ghi vào sổ vàng tại trụ sở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại Geneve câu “Võ Nguyên Giáp, vị tướng của hòa bình” và đặc biệt là khoảnh khắc cùng phu nhân ngồi chờ tàu từ Geneve để đến Zurich. Khoảnh khắc đợi chờ như khoảnh khắc đợi chờ hiệp định Geneve được ký kết.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bao nhiêu gặp gỡ qua những bức ảnh Trần Tuấn nhưng ấn tượng hơn cả là bức ảnh chụp cùng ông Trần Văn Giàu - từng là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, cùng Thượng tướng Trần Văn Trà- người trực tiếp chỉ huy Tổng tấn công Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Và đặc biệt là với nhà văn Nguyễn Đình Thi - tác giả trường ca Người Hà Nội bất hủ - tại phòng gương Nhà hát Lớn Hà Nội. Có lẽ lúc ấy, 2 ông đang nhắc lại kỷ niệm xưa về chiến lũy Hà Nội.
Cao trào của tập sách ảnh được dâng lên ở phần cuối cùng - phần được chụp trong nước mắt từ khoảnh khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển cõi, thọ 103 tuổi. Có lẽ đây là đám tang thứ hai sau đám tang Bác Hồ, đã thu về Hà Nội nước mắt của cả nước và bạn bè quốc tế.
Lúc ấy, cái tứ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” của tập sách ảnh mới được dựng lên hết cỡ. Bao nhiêu khuôn mặt tiếc thương của đồng bào từ Bắc chí Nam vây quanh căn nhà 30 Hoàng Diệu như bao quanh anh linh của vị tướng vĩ đại này làm nên một tượng đài của ông sừng sững giữa trời đất. Những bức ảnh trong lễ quốc tang mà đặc biệt là ở núi Thọ Sơn, Vũng Chùa, Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi Võ đại tướng đã chọn làm nơi yên nghỉ đời đời của mình. Đấy là bức ảnh toàn cảnh dòng người nối đuôi nhau đến nơi an nghỉ của Võ đại tướng. Đấy là bức ảnh cận cảnh chật khuôn hình những người lính và những người dân thường với bông cúc vàng trên tay kính viếng “vị tướng của toàn dân”.
Tập sách ảnh đã nhận được lời khích lệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một lời nói đầu chân thành cho công trình độc đáo này: Tôi hoan nghênh và chúc mừng việc xuất bản sách ảnh nghệ thuật Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân cùng những người dành tâm huyết để thực hiện tác phẩm xúc động và ấn tượng này.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất