Sống chậm cuối tuần: Tập quán... dọn rác

06/06/2019 07:15 GMT+7

(lienminhbng.org) - Trào lưu #‎ChallengeForChange (Thử thách để thay đổi hay Thử thách dọn rác) đang rầm rộ trong giới trẻ khắp thế giới: Bạn hãy chụp ảnh một bãi đất nào đó có nhiều rác, sau đó chụp lại lần nữa khi bạn đã làm sạch nó, rồi đăng tải lên mạng. Nhân trào lưu đầy cảm hứng này, tôi bỗng nhớ đến tập quán xử lý rác thải sinh hoạt của người Việt.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

'Thử thách dọn rác' - trào lưu bảo vệ môi trường gây bão mạng xã hội

'Thử thách dọn rác' - trào lưu bảo vệ môi trường gây bão mạng xã hội

Xuất phát từ tài khoản một người dùng facebook, thế nhưng rất nhanh chóng, ChallengeForChange, còn gọi là “Thử thách để thay đổi" đã nhanh chóng trở thành trào lưu mới và nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân mạng trước tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Hiểu rõ về tập quán này chắc chắn chúng ta sẽ có cách bảo vệ môi trường tốt hơn. Điều đó có ý nghĩa thời sự rất sâu sắc trong các chiến dịch phòng chống rác thải hiện nay, đặc biệt là rác thải nhựa

Gần như không có gì là bỏ đi

Trước đây, lượng rác thải hàng ngày của mỗi gia đình nông dân thường không cao. Thực phẩm thường dùng phần nhiều là rau củ, tương cà mắm muối và đôi khi có thịt cá cùng các loại thủy sản như tôm, cua, ốc, ếch tự bắt ngoài đồng.

Hầu như thức ăn và cơm gạo không bao giờ thừa thãi trong các bữa ăn thường nhật ở nông thôn. Nếu có chút thừa thì cũng đổ cho chó, cho lợn, gà. Ngay cả nước vo gạo, vỏ khoai, cuộng rau thừa người nông dân cũng không bỏ phí mà đem nấu trong nồi cám lợn.

Gặp ngày giỗ tết, có mổ gà giết lợn thì những lông gà, phân lợn cũng cho vào trong hố phân chung sau nhà để bón cây.

Trước đây, các thứ hàng mua ở chợ thường được gói đùm trong những loại lá khác nhau như lá chuối, lá sen, lá bàng, lá khoai lá ráy...và nếu cần mua dầu mua mỡ hoặc lít nước mắm thì khi đi chợ người nông dân phải mang theo vật đựng của mình chứ không có các bình đựng đóng sẵn như những loại can nhựa chai nhựa, chai thủy tinh, đồ hộp bằng sắt tây hay các kiểu túi ni lông ngày nay.

Xưa kia, ở nông thôn, các chai lọ thủy tinh là đồ đựng có giá trị nên được tận dụng triệt để. Thậm chí có những người do không hiểu biết còn dùng cả chai lọ đựng thuốc trừ sâu, hóa chất hay đựng thuốc thải ra từ bệnh viện để làm đồ đựng thực phẩm trong sinh hoạt. Các vỏ đồ hộp như lon sữa bò được tận dụng làm đồ đong, gáo múc...

Tóm lại, ở nông thôn trước đây, gần như không có gì là bỏ đi cả.

Chú thích ảnh
Chợ quê ở miền Bắc. Ảnh chụp đầu thế kỷ 20

"Mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre"

Như một tập quán phổ biến trong mọi nhà, nhà cửa của người nông dân nói chung được sắp đặt quy củ và ngăn nắp. Gian nhà giữa và cái sân gạch trước nhà là bộ mặt của cả nhà nên hầu như ngày nào cũng được quét dọn vào các buổi sáng sớm.

Người ta nói "xem bói ra ma, quét nhà ra rác", thế nhưng rác trong nhà cũng chẳng có mấy. Rác bên trong nhà thường chỉ là bụi bặm, mấy thứ vỏ lạc hay những đồ chơi bằng rơm bằng lá do trẻ con nghịch ngợm đưa vào trong nhà. Chẳng có giấy vụn, cũng chẳng có chai lọ, vỏ đồ hộp hay các bao bì các tông, ni-lông đủ loại như ở đô thị.

Rác ngoài sân thì có thể có nhiều lá rụng hay đám lá mục bị lũ gà bới tung lên. Quét nhà quét sân là để cho gọn gàng nhà cửa là chính. Phần thu gom lại ngoài lớp bụi và một số ít rác hữu cơ ra thì chẳng có gì đáng kể.

Hố rác, nồi chứa nước tiểu, cầu tiêu bao giờ cũng xa nơi ở. Không bao giờ người nông dân làm nhà xí trong nhà ở.

Khi có những thứ cần vứt bỏ, người ta cũng có ý thức vứt bỏ ở những chỗ quy định chứ không vứt bỏ bừa bãi. Mảnh chĩnh, mảnh chai lọ vỡ thì vứt ra ngoài bờ tre, nơi mà lũy tre chỉ đóng vai trò làm hàng rào và mảnh chĩnh ngoài bụi tre cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bụi tre, không gây nguy hại cho người và lại làm tăng khả năng rào rậu của sân vườn.

Thực phẩm thừa như nước gạo, cọng rau cũng được chứa trong vại nước gạo để nấu cám lợn. Phân người, phân gia súc và nước tiểu đều là nguồn phân hữu cơ quý để bón ruộng bón cây.

Nhà ở ở nông thôn cũng có nhiều dạng khác nhau. Có nơi đất thưa, có vườn rộng, ao sâu ngăn cách. Có nơi đất chật, nhà nọ sát nhà kia nhưng hầu như nhà nào cũng có sân, có vườn. Do vậy, việc xử lý phân rác, cống rãnh nói chung là tự nhà nào nhà nấy lo và do sống phân tán nên các chất thải hữu cơ có khả năng tự hủy trong một chu trình khép kín, trong không gian của mỗi nhà.

Ngoài đình, ngoài chùa thì có sư sãi, ông từ đình cai quản. Đây là những nơi linh liêng nên mọi người có ý thức tự giác giữ gìn. Đường làng, xóm ngõ là của chung. Nhiều làng xã có những lệ tục phải đóng góp tiền của để xây dựng đường làng và trồng cây cho làng. Có những điều luật trong hương ước xử phạt nặng nề những kẻ vứt xác động vật chết ra đường hoặc làm bẩn nguồn nước công cộng vì thế những nơi công cộng trong làng cũng được giữ gìn sạch sẽ phong quang.

Cái chợ tứ chiếng

Ở nông thôn Việt Nam, hình như cái chợ và vệ sinh trong chợ là không mấy ai để ý. Phải chăng vì chợ là nơi tứ chiếng gặp nhau nên không thuộc về một làng xóm nào mặc dầu về mặt địa giới thì nó nằm trên một làng xã nhất định.

Chợ thường chỉ là một bãi đất trống hầu như chẳng được xây dựng nhà cửa gì. Người ta tự dựng lấy những quán chợ lụp xụp, đôi khi chỉ là bốn cây tre làm cọc, trên gác mấy thanh nứa rồi phủ lên mảnh cót hay chiếc nong rách. Thế là đã có một chỗ ngồi bán hàng. Ngay cả khi chính quyền đã góp tiền xây nhà cửa cao ráo nhưng người ta vẫn quen và quá quen rồi với những chiếc lều lụp xụp có từ ngàn đời. Có nơi, người ta làm những chiếc lều lụp xụp kiểu cũ ngay bên trong cái chợ mới xây.

Đường vào chợ thì lầy lội vào ngày mưa, bụi bặm trong ngày nắng và đặc biệt là trong hầu hết các chợ quê Việt Nam một thời, người ta không xây dựng nhà vệ sinh, không quy hoạch nơi đổ rác. Người bán hàng, người đi chợ thả sức vứt rác ra chợ và cảnh đứng tiểu tiện hay đại tiện bên rìa chợ một cách hồn nhiên giữa đám đông người là hình ảnh khá phổ biến ở các chợ quê.

Xét về mặt vệ sinh, chợ quê chính là nơi bẩn nhất và lắm rác thải nhất ở nông thôn Việt Nam.

Tóm lại ở làng quê cổ truyền Việt Nam, bên cạnh nề nếp gia phong của từng gia đình, lối sống tư hữu mang đậm chất nông dân xưa hòa quyện chặt với những lề thói tập quán và luật tục của cộng đồng làng xã đã là nền tảng giúp cho làng quê Việt Nam có một trật tự vệ sinh cần thiết.

Vấn đề rác thải trongmột hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn kiểu nông thôn kiểu cũ như thế quả chưa có những vấn đề quá nghiêm trọng phải đặt ra với việc xử lý rác nông thôn.

Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế và quá trình đô thị hóa quá nhanh, nảy sinh ra những mâu thuẫn cần giải quyết giữa lối sống nông nghiệp chuyển sang lối sống công nghiệp, giữa lối sống trong môi trường thành thị và lối sống trong môi trường nông thôn. Có thể thấy rõ là nông thôn đang bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải khi đời sống thay đổi và cái tập quán dọn rác xưa kia đã không còn tồn tại nữa.

Kỳ sau: Rác thải sinh hoạt ở đô thị: “Bác cứ vứt xuống sàn, lát nữa chúng em dọn”

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm