Bằng Kiều: Hành trình trở về

15/10/2012 06:00 GMT+7 | Âm nhạc


(Tiếp theo kỳ 1 trên TT&VH Cuối tuần số 40)

(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 24/9, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp giấy phép chính thức cho Bằng Kiều về nước biểu diễn, giấy phép có thời hạn từ nay đến hết tháng 12/2012. Sau 8 năm chờ đợi, các fan của giọng ca “vút bay” này sẽ được thỏa mãn phần nào với hai đêm diễn của anh vào tối 26/10 tại Sân khấu Lan Anh (TP.HCM) và tối 28/10 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Một đêm diễn “hoành tráng” khác tại Đà Nẵng sẽ là “của để dành”…

Minh Tuyết: không thể không có mặt

Đáng lẽ cũng không phải chờ lâu đến vậy. Năm 2009, trong chuyến trở về Việt Nam để chuẩn bị cho live show đầu tiên tại quê hương, ca sĩ Minh Tuyết hé lộ sự có mặt của các khách mời đặc biệt bên cạnh hai chị ruột của cô, Cẩm Ly và Hà Phương, là hai nam ca sĩ kết hợp ăn ý nhất với Minh Tuyết trên sân khấu hải ngoại: Bằng Kiều và Lương Tùng Quang. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam thậm chí đã chuẩn bị một kịch bản chi tiết cho sự xuất hiện của cặp song ca “hot” nhất. Tuy nhiên, giờ cuối, dự định bất thành, kịch bản phải viết lại hoàn toàn khi không có Bằng Kiều… Lần này, trong show của Bằng Kiều, thì Minh Tuyết không thể không có mặt.

Trong đời, có nhiều thứ diễn ra bất ngờ, không tính trước. Như là sự gặp gỡ với Trizzie Phương Trinh, như là chuyến đi dài của Kiều, như là sự kết hợp Bằng Kiều - Minh Tuyết…

Sự kết hợp bất ngờ với Minh Tuyết khiến Bằng Kiều - Minh Tuyết trở thành cặp song ca ăn khách nhất tại hải ngoại hiện nay Bằng

Đến năm 2000, Bằng Kiều đã có nhiều năm hoạt động âm nhạc, từ thủ lĩnh ban nhạc Chìa khóa vàng đến linh hồn nhóm hát Quả dưa hấu và sau khi Quả dưa “vỡ” thì tách ra hát solo, vẫn giọng hát thuộc hàng “quý hiếm”, lên cao trong vắt mà nhẹ nhàng như không. Ấy vậy mà, trong thời kỳ hoàng kim của nhạc Việt, khi lần lượt Mỹ Linh, Hồng Nhung, Lam Trường, Phương Thanh, Thu Phương, Quang Linh… vào Top ten Làn sóng xanh, trở thành những ngôi sao “hot” trên thị trường băng đĩa cũng như các sân khấu ca nhạc, thì Bằng Kiều vẫn lơ lửng đâu đó. Anh không nằm trong bất cứ một khuynh hướng âm nhạc thời thượng nào lúc ấy: thời của các ca khúc Hà Nội mà Mỹ Linh trở thành “số một”, thời của những chàng đẹp trai như Lam Trường của dòng Canto pop, hay thời của công nghệ lăng-xê Đan Trường - Hoàng Tuấn… Bản “hit” gần như duy nhất thời kỳ này của Bằng Kiều là bản song ca với Mỹ Linh, bài Trái tim không ngủ yên (Thanh Tùng). Dường như cũng không màng tới sự nổi tiếng, Bằng Kiều hát mà như… chơi. Nhưng chính trong thời kỳ “chơi” này, Kiều làm được nhiều trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Anh chính là người “phát hiện” ra tài năng trẻ Lê Minh Sơn, giới thiệu Lê Minh Sơn với “chú Thụ” (nhạc sĩ Dương Thụ) và đưa hai sáng tác rất mới mẻ, lạ tai của chàng nhạc sĩ lúc bấy giờ còn rất ít người biết vào album Chuyện lạ đầu tay của mình (bài Chạy trốnHồng môi), có lẽ đó cũng là những sáng tác đầu tiên của Lê Minh Sơn được đưa ra thị trường. Và Bằng Kiều viết bài hát, không nhiều nhưng đều để lại dấu ấn phong cách trẻ trung, văn minh, dĩ nhiên luôn có… những nốt cao chót vót, để anh được bay bổng và mãnh liệt với giọng hát của mình: Hè muộn, Chuyện lạ, Dòng sông sao…

Ngay cả khi quyết định kết hôn với Trizzie Phương Trinh, Bằng Kiều có lẽ vẫn không nghĩ tới việc trở thành một ngôi sao “hot”. Với sự lanh lẹ của Trizzie, hai vợ chồng thuê mở nhà hàng ăn uống tại phố Thái Văn Lung và phòng trà ca nhạc ở đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM với dự định ở Việt Nam kinh doanh lâu dài. Nhưng cái đầu tính như một doanh nhân còn tâm hồn lại của một nghệ sĩ, chỉ môt thời gian ngắn sau đó, việc kinh doanh nhà hàng và phòng trà đều không như ý. Họ trả lại mặt bằng và xoay qua phương án khác. Đó là lúc Kiều theo vợ qua Mỹ năm 2002, đúng vào thời điểm các ca sĩ trong nước được chào đón tại hải ngoại và Bằng Kiều đương nhiên nằm trong số ấy. Và ở đó (hải ngoại), anh không thể hát để chơi, mà hát để sống. Chất giọng đẹp và lạ, ăn nói có duyên, biết pha trò trên sân khấu (tất cả những cái đó Bằng Kiều có thừa), bây giờ còn thêm sự chăm chỉ (vì thật ra ở Mỹ không chăm chỉ cũng không được và muốn rong chơi cũng khó), chiều lòng khán giả từ cách chọn dòng nhạc và phong cách hát, không ngạc nhiên khi Bằng Kiều nhanh chóng trở thành giọng ca nam đắt sô hàng đầu ở hải ngoại. Sự kết hợp giữa anh với Minh Tuyết, ngôi sao nữ số một của Trung tâm Thúy Nga, càng làm tăng thêm độ “hot” cho tên tuổi Bằng Kiều, cái mà hồi ở trong nước, anh chưa có và cũng không màng tới nó.

Chia tay trên đường đời nhưng chưa thể chia tay trong âm nhạc. Họ sẽ tái hợp trên sân khấu với bản “hit” thuở nào: Trái tim không ngủ yên

Mỹ Linh: Đoạn đời đã qua

Trong live show Bằng Kiều lần này, đạo diễn Phạm Hoàng Nam khẳng định, chắc chắn sẽ có Trái tim không ngủ yên - bản “hit” không ai có thể thay thế của một trong những cặp đôi từng được xem là đẹp nhất của showbiz Việt. Nhưng không nhiều người biết rằng khi song ca bài này (năm 1997), họ đã chia tay, chia tay trong đời, nhưng không chia tay trong âm nhạc.

Năm 1993, Ban giám khảo Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc (gồm các nhạc sĩ: Thanh Tùng, Dương Thụ, Nguyễn Cường) đặc cách một giải thưởng cho giọng hát triển vọng Mỹ Linh, năm ấy cô chưa đầy 18 tuổi. Song người có công “rinh” Mỹ Linh từ Hà Nội vào Đà Nẵng năm ấy là Bằng Kiều. Trước đó, phát hiện ra “giọng ca vàng” từ một trại hè học sinh ở Tam Đảo, Kiều đưa cô học sinh chuyên văn ấy đi theo ban nhạc Chìa khóa vàng của anh. Có thể nói, “người thầy đầu tiên” đưa Mỹ Linh vào con đường ca hát chính là Bằng Kiều và Mỹ Linh cũng học được rất nhiều từ mẹ anh, bà Lưu Nga, một nghệ sĩ hát chèo. Hè năm 1993, Linh đi theo Chìa khóa vàng vào Đà Nẵng chơi (ban nhạc cũng dự thi trong cuộc liên hoan nói trên), bất ngờ trở thành ca sĩ hát thế cho ban nhạc Hoa Sữa (do ca sĩ chính, Ngọc Châu, bị ốm) và trở thành một phát hiện tại sự kiện âm nhạc này.

Họ gắn bó với nhau 6 năm, một thời gian đủ dài, đủ gần gũi, mà bà Quý, người mẹ hai của Kiều, vẫn nhớ: “Nó yêu mối tình đầu, mỗi lần giỗ Tết, bạn gái nó đến lo lắng cùng tôi và bà Nga như người nhà. Tưởng là lấy nhau đến nơi, nhưng rồi hai đứa thôi nhau chỉ vì một lần bạn gái sai Kiều lấy giày dép hay son phấn gì đó, nó bảo cùng đi biểu diễn, mệt như nhau thì phải tự đi lấy... Thế là giận, thế là thôi... Nghệ sĩ là thế, đồng bóng hết!”. Cũng chẳng phải vì chuyện đôi giày hay cây son gì đó… Thật ra, họ rất giống nhau, cùng nhạy cảm, cùng bản năng và cùng… đồng bóng. Như hai cực cùng dấu, họ chỉ có thể cùng bay lên khi có những điểm tựa vững chắc mà cả hai đều may mắn gặp được sau này: Mỹ Linh gặp được Anh Quân, và Bằng Kiều có Trizzie Phương Trinh.

Năm 1997, khi thu âm Trái tim không ngủ yên lần đầu, bản phối ban đầu chỉ dành cho Mỹ Linh, lúc bấy giờ đang là một sao mai trên bầu trời nhạc nhẹ Việt Nam. Nhưng khi vào phòng thu, Linh cứ loay hoay mãi không thể “vào” bài. Cho tới khi Bằng Kiều xuất hiện. Bản song ca này lập tức trở thành một “hit”, lọt vào Top ten Làn sóng xanh. Họ còn có một bản “hit” chung nhau nữa là Dòng sông sao, sáng tác của Bằng Kiều, và đó là bài hát chung cuối cùng của họ trước khi con đường âm nhạc của họ rẽ sang hai ngả khác nhau. Sẽ tái hợp trong chương trình của Bằng Kiều sắp tới đây với những bản “hit” cũ của hai người, còn với dự định chung phía trước, thì Mỹ Linh cho hay chưa nghĩ tới, bởi Kiều đang hát dòng nhạc mà cô chưa bao giờ hát.

Năm 1998, Bằng Kiều lập nhóm Quả dưa hấu cùng 3 thành viên khác là Tường Văn, Anh Tú và Tuấn Hưng. Năm 2000 nhóm tan rã. Nhiều khả năng họ sẽ tái hợp trên sân khấu

Bằng Kiều: Cao, thấp không còn quan trọng

Bằng Kiều viết bài hát Chuyện lạ sau khi quen Trizzie từ lần cô về nước biểu diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam năm 2000. Đó là một trong những bài hát “tán gái” xuất sắc với những lời lẽ đưa đẩy, dẫn dắt đầy bất ngờ (nếu ai đã nghe Bằng Kiều nói chuyện thì sẽ thấy nó giống y chang kiểu nói chuyện hấp dẫn của anh). Đầu tiên là “thủ pháp” tung bất ngờ: Bỗng một ngày khác hơn mọi ngày. Rồi “đi loanh quanh” diễn giải cái “ngày khác” đó: Nắng ngập ngừng mãi trên hàng cây/Quãng đường về hoa lá mùa Hè/Cứ rì rào mãi câu tình ca/Những ngày buồn, những đêm thật dài/Bỗng nhẹ nhàng áng mây trời bay/Ngỡ là mình năm tháng ngừng lại/Ngỡ là đời mãi tươi màu xanh. Và “chuyện lạ” được đẩy lên cao trào: Mùa Đông thấy Hè sang/Chồi non giữa mùa Đông/Bài ca không còn buồn. Để rồi “chốt hạ” bằng bùng nổ một cách dịu dàng: Em đến nắng dịu dàng/Em đến sáng vầng trăng…

Thật khó mà không “xiêu đổ” trước những lời tán tỉnh ngọt ngào và mãnh liệt như vậy. Có lẽ đó cũng là định mệnh. Bởi Kiều có tiếng đào hoa, trước khi quen Trizzie và viết Chuyện lạ, anh đã sánh đôi với khá nhiều người đẹp nổi tiếng trong làng showbiz, có thể kể đến như V.T, T.H.V, song không có lời tỏ tình nào được thốt ra bằng âm nhạc. Thế nhưng sau khi kết hôn, và nhất là từ khi sang Mỹ định cư cùng gia đình, Bằng Kiều xem như chấm dứt sự nghiệp sáng tác vừa mới bắt đầu. Phải chăng khi không còn “cơ hội tỏ tình” nữa thì cảm hứng viết nhạc cũng không còn? Kiều cười bảo không phải, chỉ là mọi thứ đã đi qua thời kỳ muốn khẳng định, muốn khám phá mình. Cũng như giọng hát, Kiều kể, khi mới nổi tiếng, lúc vào phòng thu trong đầu nghĩ phải hát nốt cao làm sao để không ai bắt chước được (!). Nay anh chỉ nghĩ hát làm sao cho tình cảm, làm sao truyền được tình cảm ấy đến người nghe. Chuyện hát cao, hát thấp, bây giờ với anh không còn quan trọng. Chuyện viết bài hát cũng vậy. Không chỉ sáng tác ca khúc, Kiều còn có khả năng hòa âm phối khí, như anh nói là “làm tất từ A tới Z”. Nhưng tất cả khả năng đó chỉ là thêm thắt cho giọng hát. Mỗi người có một thế mạnh, một khả năng nổi bật và nên làm cái đó đến cùng.

Tương tự với khả năng diễn xuất sân khấu, Bằng Kiều được đánh giá là ca sĩ có khả năng diễn xuất sân khấu vào loại xuất sắc với gene thừa hưởng của cha mẹ. Kiều tham gia diễn kịch, đóng phim từ hồi ở trong nước, diễn hài kịch trên sân khấu chương trình Paris By Night. Nhưng anh cũng cho rằng những vai diễn đó chỉ để “đổi món”, vui là chính: “Diễn kịch là mình thể hiện một người khác. Còn hát là thể hiện chính bản thân mình”. Tuy nhiên nhạc kịch (musical) là mảnh đất mới mà Bằng Kiều có thể thể hiện chính bản thân mình nhiều hơn ngoài giọng hát. Hồi anh còn ở Việt Nam, nhạc sĩ Dương Thụ đã lên ý tưởng một vở nhạc kịch “thuần Việt” về chàng Trương Chi có số phận bi thương mà giọng hát tuyệt hay, vai chính dành cho Bằng Kiều. Nhưng rồi chàng Trương Chi - Bằng Kiều có giọng hát tuyệt hay ấy lại được số phận mở ra quá nhiều cơ hội ngọt ngào, nên vở nhạc kịch này dở dang trên giấy. Song Kiều cho biết trong khoảng 1-2 năm tới, tại Mỹ, có thể anh sẽ tham gia một vở nhạc kịch theo phong cách Broadway do nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn viết kịch bản. Và có thể hành trình trở về của anh sẽ không chỉ là một live show trong năm 2012 này.

P.T.T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm