20/11/2015 15:22 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sẽ còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện Raheem Sterling sang Man City là hợp lý hay không (đối với riêng sự nghiệp của anh) nhưng hình ảnh của Sterling luôn gợi nhắc đến một người cũ của Man City, và cũng là một cựu tuyển thủ Anh.
17 tuổi, Shaun Wright-Phillips rời Nottingham để gia nhập Man City. Anh tỏa sáng trong màu áo Man City, khi đó vẫn còn là một đội bóng thất thường, thậm chí đối diện nguy cơ xuống hạng một cách thường trực. 23 tuổi, anh sang Chelsea, với một bản hợp đồng đắt giá ở thời điểm bấy giờ (21 triệu bảng Anh) và được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột của đội bóng dưới thời Mourinho. Nhưng cuối cùng, sự mờ nhạt của anh so với những hảo thủ còn lại của Chelsea đã khiến anh phải trở lại với Man City, đội bóng đã bắt đầu một đời sống mới với những ông chủ nhà giàu.
Và cuối cùng, Wright-Phillips hoàn thành sứ mệnh của mình với CLB, ở vai trò những cầu thủ bước đệm cho thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ của đội bóng. Năm 2011, anh đến QPR và chứng kiến Man City lên ngôi vô địch bằng một đội hình mà gần như không còn một cầu thủ trụ cột nào từ thế hệ của anh. Bây giờ, anh đã ở Mỹ, chơi bóng kiếm tiền chuẩn bị về hưu là chính.
2. Lúc 16 tuổi, đúng 1 năm trước khi Wright-Phillips tới QPR, Sterling rời QPR để tới Liverpool. Sau gần hai năm ở học viện của đội bóng vùng Merseyside, anh chơi ấn tượng ngay mùa đầu tiên khoác áo đội 1 Liverpool và ở mùa kế tiếp, anh đã suýt cùng đội bóng đăng quang ở Premier League nếu như không có cú vấp đáng tiếc của Gerrard. Cả nước Anh bắt đầu dõi theo anh, như một thần đồng mới. Họ nhìn thấy tương lai của “Tam sư” trong thế hệ của anh, mà anh chính là đại diện tiêu biểu nhất.
Và tất nhiên, khi anh được dõi theo như thế, Man City sẽ không dễ gì bỏ qua anh, nhất là họ đang nắm vị thế của một đại gia số 1. Họ cần những cầu thủ đủ điều kiện trưởng thành từ nước Anh (home-grown) để đăng ký danh sách thi đấu Champions League. Và bởi vậy, dù vẫn có Silva, Nasri, Navas trong tay, họ vẫn bỏ 49 triệu bảng Anh để mua anh. Nhiều người cho rằng Man City đã lãng phí nhưng thực tế, quyết định mua Sterling của họ là hoàn toàn có lợi, dù rằng cái lợi ấy chỉ cho riêng CLB chứ không hẳn là cái lợi cho cả Sterling lẫn nền bóng đá Anh.
Thực chất, mua Sterling giúp Man City tạo được áp lực cạnh tranh vị trí lành mạnh giữa Nasri, Navas và tân binh De Bruyne. Trong các cầu thủ tấn công của Man City, trừ Aguero và Silva là bất khả xâm phạm, phần còn lại đều phải cạnh tranh vị trí sòng phẳng. Chính vì thế, khi Sterling tới, Nasri đã nỗ lực hơn hẳn và khiến người ta nhìn anh đúng như tuổi 28 chứ không nghĩ là anh đã ngoài 30 như bình thường họ vẫn lầm tưởng. Chính Nasri là người đã từng vào sân thay Sterling và chơi rất xuất sắc ở giai đoạn đầu mùa giải.
Liệu Sterling có thành phiên bản của Wright-Phillips?
3. Song, việc mua Sterling của Man City rất giống với việc Chelsea mua Wright-Phillips trước kia. Nó biến một tài năng của nước Anh lẽ ra phải là cầu thủ lựa chọn số 1 trở thành một lựa chọn trong nhiều lựa chọn tương tự khác. Điều đó sẽ khiến cơ hội phát triển của Sterling bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chất lượng của tuyển Anh cũng bởi thế bị sút giảm đáng kể. Ai dám đảm bảo rằng trong màu áo Man City, Sterling sẽ được chơi trên 30 trận mỗi mùa ở Premier League như anh đã từng với Liverpool?
Nên nhớ, Shaun Wright-Phillips chưa bao giờ được chơi quá 30 trận/mùa ở đấu trường Premier League khi khoác áo Chelsea. Và từ một thần đồng, anh trở thành một nuối tiếc không hề nhỏ của nước Anh.
Sterling sẽ thành tài ở Man City, một CLB có chính sách chuyển nhượng khó lường? Hay anh sẽ trở thành một Shaun Wright-Phillips mới? Đó là câu trả lời bỏ ngỏ và sẽ chỉ có đáp án tích cực nếu anh chứng minh mình vượt trội những Nasri, Navas hay De Bruyne… mà thôi.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất