(lienminhbng.org) -
Ngay sau khi những bức ảnh truyền thông về bảo vệ loài tê giác được công bố, giới phóng viên đã nhận ra vẻ bất bình thường của chiến dịch "Chí". Không một hình ảnh nào về tê giác, không có quảng cáo của doanh nghiệp.Ngày 22/9, tại Hà Nội, chương trình phát động chiến dịch "Chí" đã diễn ra gây chú ý với những người làm trong ngành bảo vệ động vật. "Chí" xuất hiện nhẹ nhàng và điểm nhấn của chiến dịch là 4 bức ảnh khiến bất cứ ai nhìn vào cũng phải suy ngẫm.
Từ trước đến nay, các chương trình tuyên truyền về bảo vệ động vật luôn cần một nguồn tài chính rất lớn để có thể triển khai. Vì vậy, các Tổ chức phi chính phủ luôn phải tìm đến doanh nghiệp để kêu gọi tài trợ. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp luôn đòi hỏi phải có sự xuất hiện hình ảnh của mình trên các tài liệu liên quan.
Nhưng lần này thì không. Lần đầu tiên, những bức ảnh tác động vào nhận thức của những người sử dụng sừng tê giác không có 1 chút vướng mắc nào ngoài thông điệp rất rõ ràng. Những người tổ chức chương trình truyền thông "Chí" với nghiên cứu khá sâu về suy nghĩ của người Việt Nam đã thuyết phục được nhà tài trợ không xuất hiện trên thông điệp của mình để người tiếp nhận hiểu trọn vẹn nhất thông điệp về việc cứu tê giác thoát khỏi tuyệt chủng.
Giải thích câu chuyện này, Tiến sỹ Naomi Doak, trưởng đại diện Traffic, chương trình Tiểu vùng sông Mê Koong mở rộng cho biết, Traffic đã tiến hành các nghiên cứu nghiêm túc và khoa học về thói quen và suy nghĩ của người Việt Nam để tiếp cận những đối tượng có khả năng cao sử dụng sừng tê giác. Trên cơ sở những nghiên cứu khoa học đó, không chỉ Traffic mà cả PSI, WWF đã có cơ sở để truyền tải đi các thông điệp rõ ràng và hiệu quả của mình.
Đã có một thời gian dài, người tiếp nhận thông điệp từ các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật cảm giác bị thụ động, nhàm chán với những bảng quảng cáo của những đơn vị này. Hình ảnh những con tê giác, voọc, hổ, gấu... cùng số điện thoại đường dây nóng đôi khi khiến người ta hiểu nhầm, đây là nơi bán động vật hoang dã. Tiếp nữa, hình ảnh của các doanh nghiệp tài trợ xuất hiện cũng khiến người tiếp nhận thông điệp mất đi phần nào niềm tin vào những chiến dịch có ý nghĩa như vậy bởi có hình ảnh của tiền bạc, vật chất ở phía sau. Và chỉ khi loại bỏ hai yếu tố đó, thông điệp mới được gửi đi một cách rõ ràng và mạnh mẽ.
Chiến dịch "Chí" tập trung xác định các nguyên nhân sâu xa của việc sử dụng sừng tê giác và truyền tải trực tiếp đến người tiêu dùng mục tiêu một thông điệp về việc, hãy xây dựng các quy chuẩn xã hội mới dựa trên sức mạnh nội tại của ý chí trong chính bản thân họ. Bằng việc không sử dụng hình ảnh về tê giác, các thông điệp đưa ra mang tính tương tác hơn đến các đối tượng mục tiêu, cho họ cơ hội tự đưa ra định nghĩa của riêng mình về khái niệm "Chí".
Và bạn nghĩ gì về những hình ảnh này?
Cao Mạnh Tuấn