07/07/2014 21:33 GMT+7 | World Cup 2018
(lienminhbng.org) - Mùa hè Brazil là một minh chứng rõ ràng cho thấy cái thời của các HLV giỏi “quản quân” hơn vạch định chiến lược đã qua đi. Đáng tiếc cho người Anh khi Roy Hodgson là một người như vậy.
Không có chỗ cho những ông già
Ở Việt Nam, có rất nhiều NHM đội tuyển Anh, và cũng vì thế, ở Việt Nam, có rất nhiều người thất vọng trong World Cup 2014. Quốc đảo sương mù, sau gần trọn một thập kỷ cố gắng xây dựng lại ĐTQG, vẫn chịu cảnh bám đuổi xu thế.
Mùa hè Brazil là một minh chứng rõ ràng cho thấy cái thời của các HLV giỏi “quản quân” hơn vạch định chiến lược đã qua đi. Đáng tiếc cho người Anh khi Roy Hodgson là một người như vậy, và càng đáng tiếc hơn nữa khi HLV của họ ngay trước đó – Fabio Capello – cũng là một người như vậy. Họ là 2 trong số 3 nhà cầm quân lão làng đã chịu những thất bại thê thảm nhất tại World Cup năm nay, người còn lại là Vicente del Bosque (Tây Ban Nha).
Lý thuyết rằng các HLV ở cấp ĐTQG không có đủ thời gian để tạo ra những chiến thuật chi tiết cho tập thể giờ không còn chính xác nữa. Nhìn vào những gì Jorge Sampaoli (Chile), Miguel Herrera (Mexico), Jurgen Klinsmann (Mỹ) hay Joachim Loew (Đức) làm được, rõ ràng có một điểm tương đồng đáng kể: họ vạch ra một triết lý chơi bóng cụ thể rồi mới lựa chọn những con người phù hợp – cách làm được gắn với cấp CLB nhiều hơn.
Nhìn vào đội tuyển Anh, chúng ta có thể thấy rằng, HLV Hodgson đã gọi gần như đầy đủ 23 gương mặt có phong độ cao nhất, nhưng triết lý chơi bóng ông vạch ra thì chẳng ăn nhập gì với nhân sự trong tay.
Không có chỗ cho những sự cứng nhắc
Lại nói về ĐT Anh, một biểu hiện sinh động cho thất bại của họ là việc áp dụng sơ đồ 4-2-3-1 một cách không thành công. Nếu nói rằng sơ đồ này khiến họ thất bại thì sẽ là một sai lầm, bởi Colombia, Brazil hay gần đây là Argentina cũng sử dụng sơ đồ tương tự.
Vậy vấn đề là gì? Rất đơn giản, đó là sự thô cứng. Việc 4-2-3-1 cơ bản hoạt động tốt là điều ở quá khứ 10 năm trước khi nó xuất hiện, còn giờ thì một sơ đồ không thể đứng yên tại chỗ.
Đội tuyển Anh sử dụng Wayne Rooney cho vị trí tiền vệ công và đây là một thất bại lớn, bởi khoảng cách giữa anh và hai tiền vệ trụ là quá xa vời, tạo cơ hội cho đối thủ khai thác triệt để. Nicolas Lodeiro (Uruguay), Claudio Marchisio (Italy) và Bryan Ruiz (Costa Rica) đã thi nhau thể hiện mình một cách thoải mái khi gặp Anh.
Xét về khoản này, Anh thậm chí còn phải học tập... Australia, đội cũng sử dụng 4-2-3-1 nhưng có một sự khác biệt đáng kể: Mark Bresciano – tiền vệ công – thi đấu rất gần với cặp tiền vệ trụ, qua đó khoảng trống giữa họ được thu hẹp và trung tuyến trở nên chắc chắn hơn.
Tóm lại, cự ly đội hình là một yếu tố vô cùng quan trọng, chưa nói tới việc hoán đổi vị trí giữa các cầu thủ. Hodgson có lẽ không còn “đất” trong tâm trí để cập nhật các vấn đề này. Việc ông không dùng sơ đồ 4-4-2 truyền thống có lẽ đã là một đột biến lớn rồi(!).
Phải biến ảo sơ đồ
Hoặc linh hoạt, hoặc là chết – World Cup năm nay đang hoạt động theo đúng tôn chỉ này. Trong số 4 đội bóng lọt vào vòng bán kết World Cup, Brazil là đại diện duy nhất gắn chặt với sơ đồ 4-2-3-1 tương đối cơ bản, nhưng họ đã dựa rất nhiều vào chất lượng các cá nhân để đi tới thành công này.
Đức là một tập thể nhiều sự biến ảo trên mặt sân. Về lý thuyết, họ luôn ra sân với sơ đồ 4-3-3 gồm một tiền vệ trụ và hai tiền vệ con thoi hai bên. Trên thực tế, Đức luôn sẵn sàng thay đổi thành hai tiền vệ trụ - một tiền vệ công để phục vụ cho những mục đích tấn công cụ thể. Hơn nữa, các cá nhân trên hàng công của Đức đều luôn luôn di chuyển rộng và hoán đổi vị trí nhịp nhàng.
Argentina cũng đã sử dụng tới 3 sơ đồ khác nhau trên con đường đi tới vòng bán kết. Họ mở đầu với thử nghiệm 3-5-2 thất bại, sau đó là thành công cùng 4-4-2 kim cương và 4-2-3-1 ở thời điểm hiện tại.
Và còn đó Hà Lan. Louis Van Gaal tối ưu hóa mẫu sơ đồ 3 trung vệ đến mức tối đa: 5-2-1-2 khi phòng thủ, 3-3-2-2 khi tấn công. Và Hà Lan cũng “nhuyễn” 4-3-3 cũng như 4-2-4 khi cần tìm bàn gỡ.
Mexico và đặc biệt Chile cũng là những đại diện tiêu biểu cho vấn đề này. Nhìn các đội bạn, hẳn Hodgson thấy khó hiểu lắm.
Phản công lên ngôi, thủ môn cũng là hậu vệ quét
Một xu hướng của bóng đá hiện đại là giờ đây các hàng thủ phải dâng cao để giữ cự ly đội hình, phục vụ cho một trong hai lối chơi phổ biến: pressing từ xa hoặc kiểm soát bóng.
Với lối chơi kiểm soát bóng, việc giữ cự ly đội hình là tối quan trọng để các cầu thủ có nhiều lựa chọn hơn khi luân chuyển bóng qua lại. Ngược lại, với những đội chơi áp sát từ xa, việc dâng lên là tất yếu, bởi nếu gây áp lực tốt và thu hồi bóng ngay trên phần sân đối thủ, cơ hội ăn bàn ngay lập tức sẽ là rất lớn.
Những người tinh ý sẽ nhận ra rằng, đây là hai trong số những yếu tố quan trọng nhất trong nền tảng chiến thuật của Barcelona – Pep Guardiola giai đoạn 2008-2011.
Nhưng, cũng vì thế, ở World Cup 2014 nói riêng và bóng đá thế giới năm vừa qua nói chung, vũ khí phản công nhanh với tốc độ cực cao trở thành một bài miếng vào loại hiệu quả nhất. Thay vì chuyền qua lại để giữ chắc quyền kiểm soát sau khi thu hồi bóng, giờ đây các đội sẵn sàng sử dụng những đường chuyền theo trực diện để nhắm thẳng vào khoảng trống giữa tuyến hậu vệ và khung thành đối phương.
Dễ nhận ra rằng Liverpool đã rất thành công mùa giải vừa qua nhờ triết lý chơi bóng ấy: họ không ngại ngần dùng bóng một cách táo bạo để săn bàn, thay vì cố gắng “tiki-taka” để giữ nhịp. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Steven Gerrard già nua chậm chạp lại có chỗ trong đội hình chơi trọng tốc độ, câu trả lời của Brendan Rodgers là: anh ta sở hữu khả năng chuyền dài vượt tuyến tuyệt vời.
Và cũng chính vì thế, các thủ môn giờ có một vai trò chống lại những pha phản công. Họ buộc phải có kỹ năng phán đoán, sự tự tin và cả kỹ thuật cá nhân để lao ra truy cản, giải nguy. Manuel Neuer đang trở thành một biểu tượng cho hình mẫu thủ môn mới, đặc biệt khi HLV Loew ca tụng anh là “libero của ĐT Đức”. Hugo Lloris cũng là một ví dụ tiêu biểu, dù ở cấp ĐTQG, anh dường như ít mạo hiểm hơn trong các pha ra vào so với cấp CLB.
Cả thế giới bóng đá sẽ thay đổi tương tự?
Không. Sẽ không có sự thay đổi toàn bộ nào cả.
Nói đi vẫn phải nói lại, để có được những thành quả cách tân nói trên, rõ ràng mỗi HLV tại kỳ World Cup năm nay đã lao tâm khổ tứ để có những con người phù hợp nhất cho chiến lược đặt ra. Ở cấp CLB, mọi chuyện sẽ rất khác.
Các đội bóng lớn là những tập thể đa dạng nhất về chiến thuật, nhưng để làm được điều đó, họ đã phải thu hút những con người cần thiết – thường là những ngôi sao. Ở các CLB từ nhỏ đến trung bình, thật khó để đòi hỏi nhân sự cao cấp cho các lý tưởng chiến thuật táo bạo.
Atletico Madrid tuy là một tập thể giàu tính chiến thuật, nhưng họ dựa trên một nền tảng quan trọng nhất là thể lực – vốn là thứ có thể cải thiện dễ dàng. Đừng mong Brad Guzan lao ra ngoài vòng cấm càn quét bọc lót cho hậu vệ đã dâng cao ở Aston Villa, cũng đừng mong Levante hoán đổi con người biến ảo với lối chơi kiểm soát thế trận toàn cục.
Khi người ta chỉ có một nền tảng nhân sự yếu và vừa phải, người ta sẽ cần một nền tảng triết lý chơi bóng cơ bản hơn, thể hiện qua những sơ đồ cơ bản hơn. CLB, dù sao cũng không phải đội “tuyển”.
Ở điểm này, phải chăng HLV Roy Hodgson đã tự đánh giá quá thấp những cái tên mình có trong tay ở ĐT Anh?
Dũng Lê
Theo Guardian
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất