Sự kiện tuần này: Nhạc mới hôm nay và nhạc mới 100 năm trước

17/12/2018 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hai sự kiện văn hóa nổi bật tuần này là Hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương tại TP.HCM và Hanoi New Music Festival (Liên hoan Nhạc mới Hà Nội). Cả hai tưởng quá khác nhau, nhưng về tinh thần lại khá giống nhau, vì đều được sinh ra với sứ mệnh “làm mới âm nhạc”.

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Trao 55 huy chương vàng

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Trao 55 huy chương vàng

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 diễn ra tại TP Tân An, tỉnh Long An đã khép lại vào đêm 19/9 với 6 huy chương vàng.

Hoạt động kỷ niệm 100 nghệ thuật cải lương kéo dài không liên tục từ ngày 17/12/2018 đến 14/1/2019. Liên hoan nhạc mới Hà Nội kéo dài liên tục từ ngày 16 đến 21/12/2018.

Tuồng tích sánh văn minh

Sau này, nhiều nơi gọi cải lương là “nghệ thuật dân tộc”, là “âm nhạc truyền thống”, vì sống đến cả trăm năm rồi, gọi như vậy cũng được. Nhưng nếu lùi về khởi thủy, ví dụ như trên câu liễn của gánh hát Tân Thịnh (1920): “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, thì cải lương là đổi mới. Bản thân chữ “cải lương” cũng có nghĩa là sửa đổi cho tốt đẹp hơn.

Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, cải lương ra đời từ nhu cầu muốn có tuồng tích riêng, cách hát riêng của người nước Nam, nghĩa là muốn làm cuộc cách mạng so với sân khấu truyền thống và ngoại nhập.

Từ nguồn cội này, hoạt động kỷ niệm 100 năm sẽ gồm diễn đờn ca tài tử, hát ca ra bộ, trích đoạn cải lương, triển lãm hình ảnh, trưng bày hiện vật… tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Chú thích ảnh
Tái dựng trích đoạn “Thái hậu Dương Vân Nga” để tưởng nhớ NSƯT Thanh Nga. Ảnh: TL

Khán giả sẽ có dịp xem lại trích đoạn trong vở Lấp sông Gianh (năm 1955), nói về khát vọng Nam Bắc một nhà, vở Thái hậu Dương Vân Nga (1978) - thời điểm Thanh Nga bị bắn chết. Ngoài ra còn có 8 trích đoạn của các đơn vị xã hội hóa tại TP.HCM. Về tác phẩm mới, tại Nhà hát TP.HCM, sẽ công diễn vở cải lương Giấc mộng đêm Xuân (kịch bản: Nhị Kiều - Phi Hùng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

Điểm nhấn là tối ngày 13/1/2019 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ có một chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh nghệ thuật cải lương, với sự tham gia của khoảng 400 nghệ sĩ và nhạc công qua các thời kỳ. Chương trình còn mời đại diện từ 11 gia tộc và đại bang cải lương nổi tiếng đến để giao lưu. NSƯT Hoa Hạ là tổng đạo diễn chương trình.

Cất lên im lặng

Liên hoan Nhạc mới Hà Nội diễn ra từ ngày 16 đến 21/12/2018 hay nói đúng hơn đây là một liên hoan âm nhạc đương đại, có chủ đề Cất lên im lặng, thu hút hơn 30 nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giám tuyển trong và ngoài nước. Ngoài sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam như: Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Nguyễn Minh Nhật, Trần Mạnh Hùng, Cao Thanh Lan… còn có các nghệ sĩ đến từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Philippines, Áo…

Liên hoan Nhạc mới Hà Nội diễn ra với nhiều chương trình như: Toạ đàm Tiếp biến di sản 10h ngày 17/12 tại Bảo tàng Dân tộc học; Hòa nhạc cổ điển đương đại Vị thời gian, 20h ngày 17/12 và Hòa nhạc kết nối di sản Phong nhiêu xanh, 20h ngày 17/12 tại L'Espace; Đêm trình diễn xuyên ngành Bên kia âm thanh, 20h ngày 19/12 và Trình diễn âm nhạc nhà hát Truyền thống lãng quên, 20h ngày 20/12 tại Xưởng Phim Truyện Việt Nam (4 Thuỵ Khuê)…

Đặc biệt Liên hoan còn có các Đêm thể nghiệm (Night Club Experimental) diễn ra từ 22h30 đến 0h tại GU (34 Tràng Tiền, 17, 18/12), DeN Bar (49 Làng Yên Phụ, 19, 20/12).

Chia sẻ trên Hanoi Grapevine, nghệ sĩ Kim Ngọc Giám đốc Liên hoan cho biết: “Nếu năm 2013 tôi vẫn làm theo cách có người nào thì mời người ấy, không có ý niệm gì đằng sau các chương trình và liên hoan. Năm nay dù vẫn hạn chế về ngân sách, nhưng tôi cũng bắt đầu nghĩ về liên hoan từ rất sớm và bắt đầu nó với chuyến đi 50 ngày quanh các nước Đông Nam Á để nghiên cứu điền dã các quang cảnh âm nhạc thể nghiệm đương đại ở từng nước”.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm