Triển lãm 'Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam': Nhắc nhớ những bài học lịch sử năm 2014

16/07/2014 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Những mảnh vỡ từ các tàu cảnh sát biển (CSB) trưng bày hôm nay là bằng chứng thép về sự vô nhân đạo của các tàu Trung Quốc trên biển Đông. Sau triển lãm, những mảnh vỡ này sẽ được đưa vào làm hiện vật bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để nhắc nhở con cháu muôn đời về bài học từ những tháng ngày này...

Đó là ý kiến của Thiếu tướng Lê Mã Lương trong triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam khai mạc sáng 15/7 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Những hiện vật “biết nói”

Ngay lối vào triển lãm là mảnh vỡ của tàu CSB 2012 và CSB 2016. Hai mảnh vỡ méo mó được chú thích bằng hai tấm biến: “Tàu cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 2012 đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44013 chủ động đâm thẳng vào mạn trái ngày 4/5/2014”; “Tàu cảnh sát biển Việt Nam số hiệu 2016 đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46105 đâm thẳng vào mạn phải ngày 1/6/2014”


Thiếu tướng Lê Mã Lương bên mảnh vỡ tàu CSB 2006

Tỉ mẩn xem từng hiện vật, thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói tiếp: “Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với những mảnh vỡ của các tàu cảnh sát biển (CSB) Việt Nam. Những mảnh vỡ không chỉ là những hiện vật vô tri. Đó là bằng chứng cho thấy sự ngang ngược và hung hăng của tàu Trung Quốc.

“Và thông điệp quan trọng nhất từ những hiện vật, những trang sử năm 2014 gửi tới các thế hệ sau này là: không thể tin Trung Quốc” - Thiếu tướng Lê Mã Lương nói - “Nhìn những mảnh tàu vỡ tan nát này, ai cũng hình dung được sức va đập cực mạnh của tàu Trung Quốc khi đâm tàu CSB Việt Nam. Nó khác xa với những tuyên bố của lãnh đạo nước này.”

Phòng triển lãm của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng trưng bày 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với 3 phần chính: Phần 1: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử; Phần 2: Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; Phần 3: Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim bạn bè Việt Nam và quốc tế.

Đại tá Trần Thanh Bảo trao đổi với TT&VH

Chuyện Hoàng Sa năm 1938- 1940

Tại cuộc triển lãm, PV TT&VH có cuộc gặp đặc biệt với Đại tá Trần Thanh Bảo. Ông Bảo là chứng nhân lịch sử, từng theo gia đình ra Hoàng Sa từ năm 1938- 1940. Lúc đó, bố ông làm trạm trưởng trạm vô tuyến điện của chính quyền Pháp. Nhiệm vụ của bố ông khi ấy là chuyển tải những thông tin về thủy văn của trạm thủy văn tại Hoàng Sa. Cũng như những thông tin về việc thực thi chủ quyền của người Việt dưới thời Pháp thuộc tại quần đảo này.

Ông Bảo kể: “Khi mới ra Hoàng Sa, vạn vật trên đảo đều hết sức lạ lẫm với một đứa trẻ như tôi. Mẹ và hai em tôi cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên, thích thú với những cột vô tuyến điện cao hàng chục mét. Hoặc những “ngôi nhà không mái” dựng khắp đảo. Sau tôi mới biết đó là những nhà lớn được dựng để hứng nước mưa.”

Cũng theo lời kể của ông Bảo, những năm đầu thế kỷ XX, ở Hoàng Sa có một trung đội lính Việt do 1 chỉ huy người Pháp giữ đảo. Tàu cá của ngư dân Việt cũng dừng chân trên đảo xin nước ngọt hay tránh trú bão thường xuyên...

Khi được hỏi về cảm xúc của ông trước những hành động gây hấn và tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc với vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (nơi ông và gia đình đã sinh sống 7 thập kỷ trước), ông Bảo siết mạnh tay vào miếng sắt méo mó, vỏ tàu CSB 2012. Ông nói: Cái gì đã là của Việt Nam, sẽ mãi là của Việt Nam.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm