(Thethaovanhoa.vn) - Trong vòng một năm, tất cả đã thay đổi chóng mặt đối với Max Allegri. Giờ này năm trước, ông còn đang ngồi gặm móng tay và những nỗi buồn thất bại. Sau trận thua Sassuolo 3-4, ông bị đá đít khỏi Milan và bị Berlusconi coi như một kẻ bất lực. Bây giờ, đang cùng Juve trên đỉnh cao calcio, ông giống như một người chiến thắng đang đứng trên cao nhìn xuống những xác chết dưới chân mình.
Sau sự cố Sassuolo, báo chí Italy, nhất là những tờ báo thân Berlusconi hoặc do ông sở hữu, đã mô tả Allegri như một kẻ thất bại vĩ đại bậc nhất trong lịch sử Milan bách chiến bách thắng. "Bây giờ, việc của ông ta là ngồi bên bờ biển Livorno và chơi cờ vua với những ông già về hưu", nhật báo Il Giornale, do em trai của Berlusconi đứng đầu, đã viết như thế về người HLV mới bị ông chủ Milan gạt bỏ khỏi cuộc sống của đội bóng.
Làm nhục các HLV không thành công và chế nhạo những đối thủ chính trị của Berlusconi là một nghề quen thuộc của họ. Một năm sau, Il Giornale im thít, bởi Allegri đang cùng Juventus chiến thắng. Seedorf và Inzaghi, những người thay thế ông ở San Siro đã bất lực trong việc vực dậy đội bóng mà Berlusconi đã luôn coi như một món đồ chơi để đánh bóng hình ảnh của mình.
Bây giờ, Clarence Seedorf đang ở đâu? "Con cưng của ngài chủ tịch", như báo chí Italy đã gọi anh như thế (còn Cassano gọi anh là "Obama của bóng đá"), đã biến mất khỏi radar của calcio. Cựu tiền vệ người Hà Lan vẫn tất bật trong cuộc mưu sinh, nhưng không hề vất vả như bên đường piste sân cỏ. Anh bay đi bay lại giữa Rio de Janeiro, quê vợ anh, và Milan, nơi anh đang sở hữu một vài nhà hàng nổi tiếng. Anh trở lại với công việc của một ông chủ quán sau khi bị Milan gạt bỏ không thương tiếc ở cuối mùa bóng trước.
Allegri đã có màn báo thù ngọt ngào với Milan
Berlusconi không muốn sa thải anh, thậm chí còn muốn cho anh thêm một chút thời gian nữa để cải thiện tình hình. Nhưng cuộc chiến tranh giữa Barbara Berlusconi và Galliani đã kết thúc với thất bại của "sếp trọc", cánh tay phải của Berlusconi. Seedorf ra đi như một phần của thất bại ấy, khi anh chưa tạo dựng được gì về mặt lối chơi (nhưng đã gây ầm ỹ một thời gian đầu sau những tuyên bố to tát về lối chơi đẹp mà anh muốn áp dụng).
Gattuso, bạn thân của anh, hôm rồi nói thẳng rằng, "đến giờ Seedorf vẫn rất giận dữ lắm". Phải rồi, giận dữ vì Milan đã không tin anh, bỏ rơi anh, vì những dự án đầy tham vọng mà Seedorf tìm cách gây dựng đã bị xếp xó. Nhưng cơn giận dữ lớn nhất của Seedorf có lẽ nằm ở chỗ khác: anh, một cầu thủ thông minh, một biểu tượng của San Siro, không đáng bị cư xử như thế. Không ai cho anh thêm thời gian.
Nhưng cựu cầu thủ người Hà Lan vẫn có một lí do khác để hài lòng (và do đó, Milan có một lí do để tiếc nuối về việc đã trao cho anh và chính họ quá nhiều hy vọng, khi kí hợp đồng với Seedorf đến tận 2016): Milan vẫn phải trả lương cho Seedorf đến tận tháng 6/2015 mỗi tháng 200 nghìn euro. Quá nhiều tiền bị vứt qua cửa sổ cho một ảo tưởng về sự trẻ hóa Milan trong đội hình, trẻ hóa Milan trên ghế HLV. Guardiola không sinh ra một cách đơn giản như thế ở San Siro.
Điều gì đã xảy ra với Inzaghi? Người thay thế Seedorf cũng không khá hơn anh. Milan của Inzaghi vẫn đang loạng choạng trong việc đi tìm một hướng đi, một cách đá, và đã hơn nửa mùa bóng trôi qua, đội bóng ấy vẫn không tạo được một lối chơi, một sự kết dính, một cái trục mà trên đó, đội bóng vận hành về mặt chiến thuật. Người được các cổ động viên yêu mến, được Berlusconi ủng hộ, được cho là "có số" làm HLV giờ đã trở thành một mục tiêu di động cho những người ưa chỉ trích ngắm bắn.
Tevez mở tỷ số cho Juve
Mới chỉ thắng được 1 trận kể từ đầu năm 2015 (thắng đội cuối bảng Parma), Milan dường như đang ở một thế giới khác của calcio và Inzaghi bắt đầu nghe những tiếng huýt sáo đầu tiên từ các tifosi hướng về phía mình. Ở San Siro, trong trận thắng Parma 3-1, người ta đã huýt sáo la ó khi anh thay Destro bằng Muntari. Những kinh nghiệm dẫn dắt đội trẻ của Milan khi giành chức vô địch giải trẻ ở Viareggio tháng 2 năm ngoái, trùng với thời điểm Allegri đang đánh cờ với những ông già về hưu ở Livorno, chẳng giúp được gì cho anh.
Người ta bảo rằng, Berlusconi chưa từng thích Allegri, dù ông đã đưa Milan đến Scudetto 2011. Lí do đơn giản: ông coi Allegri là một người cộng sản. Nhưng về mặt bóng đá, Berlusconi ghét Allegri (như đã từng ghét Terim và Leonardo) bởi họ không nghe theo những lời chỉ đạo chiến thuật và bố trí đội hình của ông. Ít nói, nhẹ nhàng và trông có vẻ không láu cá, Allegri cũng như một số HLV kia thực ra lại là những người rất cá tính, sẵn sàng chống lại chủ, hơi khác với Ancelotti, người đã luôn tìm cách chứng minh cho Berlusconi thấy, ông sẵn sàng xếp đội hình theo chỉ đạo của ông chủ, và rồi khi cách sắp xếp đó khiến Milan mất cân bằng và thua trận, thì từ trận sau, ông phớt lờ tất cả để tự mình làm nghề.
Ở Juventus Stadium đêm thứ Bảy, Milan của Inzaghi, người học trò đã bị ông buộc giải nghệ sớm hơn dự tính của anh đã chỉ gồng mình chịu đựng được hơn 20 phút. Sự non kém của Inzaghi về kinh nghiệm trong việc đối đầu với đội bóng mạnh nhất nước (bố trí sơ đồ 4-3-3 mất cân bằng, với một hàng tiền vệ yếu, trong khi Honda và Cerci không hỗ trợ phòng ngự) là yếu tố đầu tiên khiến Milan thất bại. Cũng với sự non yếu (nhưng chủ yếu là vì quá tự tin, đến mức kiêu ngạo), Seedorf cùng Milan gục ngã trước Juve ở mùa trước.
Cuộc trả thù lớn nhất của Allegri đối với Milan không phải là đánh bại đội bóng mà ông đã gắn bó suốt ba mùa bóng rưỡi (chẳng khó gì để hạ Milan lúc này) mà là chứng minh cho Berlusconi thấy, vấn đề của Milan không nằm ở chỗ HLV, cụ thể hơn, là ở ông, mà là ở đội hình nhân sự quá nghèo nàn mà Galliani năm nào cũng loay hoay xây dựng bằng cách dùng kính lúp để soi danh sách những ngôi sao sắp hết hợp đồng.
Seedorf hay Inzaghi đều không thể làm được gì tốt hơn với đội ngũ ấy, và bản thân Allegri cũng đã cố gắng hết sức trong những mùa giải sau khi đoạt Scudetto 2011. Nhưng khi những ngôi sao lớn bị bán đi (Ibra, Thiago Silva), những cựu binh không được gia hạn hợp đồng vì mức lương của họ quá cao, trong một khoảng thời gian ngắn, Milan mất cả lối chơi lẫn những con người có thể làm đầu tầu cho đội. Sự thiếu kiên nhẫn của Berlusconi với các HLV, trong khi vẫn tin rằng, với đội hình chắp vá ấy, Milan thậm chí có thể dự Champions League, đã khiến đội bóng liên tục chịu những sức ép quá lớn và đẩy các HLV vào chân tường.
Cuối mùa bóng này, khi Juve đoạt Scudetto dưới tay Allegri, Milan sẽ ở vị trí nào, và tương lai của Inzaghi ra sao? Không ai biết. Với tính cách đôi khi rất ngoại giao của mình, Allegri có lẽ sẽ tránh bình luận về Berlusconi hay Milan, vì không muốn làm cho họ đau đớn. Nhưng chính sự im lặng trong vinh quang ấy đã nói lên nhiều điều hơn cả. Một cuộc trả thù hoàn tất không phải ở chỗ cùng Juve chiến thắng, mà nhìn Milan tự hủy hoại mình...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)