Cuộc đời hẹp lại vì đô thị và vì... facebook

04/02/2016 06:48 GMT+7

(lienminhbng.org) - “Đi xa hơn nữa thì đất sẽ tốt hơn” - cô gái Laura Ingalls kiên cường trong Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên luôn tâm niệm câu nói này của cha mẹ mình, những người nông dân tiên phong đi khai hoang của nước Mỹ đầu thế kỷ 20.

Trong cuốn sách nổi tiếng được chuyển thể thành phim này, Laura đã trải qua một thời thơ ấu giữa đại ngàn. Khi lớn lên, cùng với người chồng Almanzo, cô tiếp tục cuộc đời của những người nông dân khai hoang. Họ bắt đầu cuộc sống với khấp khởi hy vọng. Nhưng mỗi năm lại thêm một vận hạn, mất mùa, khô cạn, hỏa hoạn, trắng tay. Tất cả hóa thành tro tàn.

Nhưng vợ chồng Laura không bỏ cuộc. “Đi xa hơn nữa thì đất sẽ tốt hơn” - trái tim quả cảm của họ khắc sâu câu nói của cha ông. “Thay vì xa hơn trong không gian, đã là xa hơn trong thời gian, phía trên chân trời của những tháng năm trước mặt thay vì của chân trời xa xăm phía trời tây”.

Khi đi xa, không chỉ đất đai rộng lớn màu mỡ hơn, cơ hội dựng nên những trang trại trù phú hơn, mà chính con người cũng được tôi luyện. Họ mở rộng tấm lòng, kiên nhẫn, dũng cảm và thấu hiểu hơn. Những lời khuyên bổ ích nhất cuộc đời, không thể thiếu lời khuyên đi xa.


Bìa tập sách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” kể về cuộc mưu sinh giữa đại ngàn của vợ chồng Laura

Khi tháng năm trước mặt vẫn trải dài, con người nên nghĩ về những bước đi. Ngày đầu năm, nhà báo Đức Hoàng viết “Điều ước cho 2016”, nói rằng những người đô thị hãy bước chân ra xa hơn để nhìn cuộc sống, để thấy những vấn đề đáng quan tâm nhất của xã hội thực ra không chỉ xoay quanh những gì họ đọc trên Facebook mỗi ngày.

Khi nói về những thông tin “được dư luận quan tâm”, chúng ta đều mặc định rằng “dư luận” đó là dân cư đô thị. Những tin bài đi sâu đi sát vào các mối quan tâm đô thị. Nhưng đô thị ngày càng hẹp lại. Về tinh thần. Người ta nói, chỉ cần internet, chúng ta có thể tự học mọi thứ. Nhưng một số lại dùng internet để cãi nhau về 2 cô gái Colombia và Philippines nào đó đi thi sắc đẹp.

Mạng Internet cũng là nơi ta đọc được những câu trích dẫn bâng quơ như “Đừng nhọc công xây dựng một cuộc sống mà bạn phải cần đến những chuyến du lịch để thoát khỏi nó”. Ta đọc, ta share, rồi tiếp tục xây dựng một cuộc sống như vậy. Có những lúc ta thấy mình mắc kẹt trong những đô thị rộng lớn về diện tích nhưng chật hẹp về tinh thần.

Cũng đầu năm, Trần Hùng John, một chàng trai người Mỹ gốc Việt, viết trên Facebook rằng anh luôn thích thú trước trí tưởng tượng của trẻ em nông thôn Việt Nam, khi hoàn cảnh giải trí thiếu thốn thúc đẩy khả năng sáng tạo. Trong khi đó, trẻ em thành phố “chỉ cần ngồi trước màn hình, mọi thông tin và các trò giải trí được bón tận miệng”. Mới là tháng Giêng, nhưng chẳng mấy chốc mà Hè đến, những mùa Hè xoay quanh iPad, iPhone của trẻ em thành phố.

Đầu năm, nhiều người lên Facebook tuyên bố những kế hoạch của mình trong năm mới. Kế hoạch từng năm tất nhiên là cần, nhưng không nhất thiết phải lập ngôn quá ư công khai. Chỉ cần tâm niệm trong lòng bản kế hoạch của cả đời người: đi, đọc, xem và lắng nghe nhiều hơn.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm