11/11/2013 14:00 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Cùng năm ông Alfred Nobel, một kỹ nghệ gia và là nhà phát minh chất cốt mìn người Thụy Điển qua đời, 1896, một nhà văn Pháp là Edmond de Goncourt (1822-1896) cũng mất. Cả hai đều di chúc để lại gia tài làm giải thưởng.
Giải Nobel bắt đầu phát vào năm 1901 và gồm các giải thưởng cho những phát minh hoặc thành tựu về Sinh học hoặc Y khoa, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình, từ năm 1969 Ngân hàng Hoàng gia Thuỵ điển đặt thêm giải thưởng về Kinh tế học. Còn Giải Goncourt chỉ chuyên về Văn học và bắt đầu phát từ năm 1903.
10 euroTheo quy chế, mỗi năm vào tháng 11 giải Goncourt được phát cho “Tác phẩm hư cấu văn xuôi hay nhất xuất hiện trong năm” và hầu như dành chuyên cho bộ môn tiểu thuyết. Giải này được chọn do một hàn lâm viện cũng lấy tên Goncourt được tài trợ bằng tiền lãi của vốn ban đầu cho 10 vị giám khảo hưởng thù lao mỗi người là 6.000 quan Pháp tiền vàng mỗi năm cho đến hết đời để có thể sống và viết - và giải thưởng mỗi năm cũng trị giá là 6.000 quan Pháp tiền vàng.
Tuy nhiên nhiều lần đồng tiền mất giá, nhất là cuộc phá giá của Poincare năm 1928, khiến tài sản và giải thưởng này chỉ còn có nghĩa tượng trưng: năm 1962 trị giá 50 quan Pháp mới, tức giá mua của một cuốn từ điển; và ngày nay giải thưởng chỉ còn trị giá là 10 euro (tức khoảng 15 USD) so với giải Nobel đồ sộ đến gần 1,2 triệu USD.
Cái đáng kể nhất là uy danh của giải thưởng và nhờ đó sách có thể bán chạy hàng đầu và được dịch ra khắp thế giới. Ngoài giải thưởng Goncourt chính thức, còn những tặng thưởng cho thơ, truyện ngắn, hồi ký/tự truyện, thanh niên và tiểu thuyết đầu tay.
Người được giải văn học Goncourt năm 2013 là Pierre Lemaitre, 62 tuổi, với tiểu thuyết Au Revoir La-haut (Tạm biệt cõi trên). Chuyên viết tiểu thuyết trinh thám, tới nay tác phẩm của Pierre Lemaître đã được dịch ra hai mươi ngôn ngữ khác nhau. Au Revoir La-haut là tác phẩm đầu tiên tác giả gia nhập “văn học trắng”, tức văn học chính thống chứ không phải là loại giải trí bình dân bị cho là kém giá trị nghệ thuật.
Nhân vật chính trong Au Revoir La-haut là hai thương binh tật nguyền trở về sống bên lề xã hội và nung nấu ý tưởng vinh danh những người đã chết. Tác phẩm phanh phui sự ô nhục của việc khai quật tử thi tai tiếng đã bị Chính phủ Pháp ém nhẹm năm 1922. Kết hợp những nghiên cứu lịch sử với việc mô tả thực trạng xã hội, lồng vào kỹ thuật viết tiểu thuyết trinh thám từ đầu đến cuối 500 trang sách, Pierre Lemaitre lôi cuốn người đọc nhìn lại sự điên rồ của châu Âu và bức bích họa đen tối của xã hội Pháp thời hậu chiến khi những kẻ gian lừa bịp thắng thế và bọn tư bản làm giàu trên cảnh hoang tàn. Tất cả được châm biếm và giễu nhại cay độc qua góc nhìn của những con người bị xem là ở đáy tầng xã hội.
Tuy chỉ được tặng kèm… 10 euro, giải Goncourt vẫn được xem là giải thưởng văn học danh giá không chỉ của nước Pháp. Giải thưởng khiến tác phẩm chiến thắng có thể bán thêm ít nhất 300.000 bản tiếng Pháp, đó là chưa kể còn thêm bản dịch của các thứ tiếng khác nữa (một “so sánh xa xôi” để thấy, so với dân số 65 triệu người Pháp thì một cuốn tiểu thuyết bán chạy tương đương ở Việt Nam phải đạt con số 500.000 bản).
Công bố ngay sau giải Goncourt chính thức, giải Renaudot cũng được công bố với Ban giám khảo là 10 nhà phê bình văn học, tuy không danh tiếng và được hâm mộ như giải Goncourt, lại mang tinh thần khai phá và thử nghiệm hơn. Giải thưởng Renaudot năm nay được trao cho Yann Moix với tác phẩm Naissance (Sinh ra đời), một cuốn tự truyện khủng vì nặng 1,3 kg và dày tới 1.150 trang vừa tự trào vừa mang tính thử nghiệm với tất cả các thể loại của văn học.
Chúng ta thử đọc một đoạn: “Yann Moix không yêu đời sống. Chúng tôi là hai: bởi tôi cũng chẳng yêu đời sống của Yann Moix (và tôi còn xin nói thêm là tôi chẳng ưa Yann Moix được sống). Chính vì vậy mà cuộc đời của Yann Moix do Yann Moix kể là không thể nào đọc được. Một lối viết đọc không vô kể lại một cuộc đời sống không nổi, và như thế là quá đáng đối với tôi. Đời quá ngắn để đọc cuộc đời quá dài của một kẻ nào đó như là Moix”.
Ngay sau khi biết tin được giải, vào lúc 1 giờ trưa ngày thứ Hai, Pierre Lemaitre đã khóc vì sung sướng và phát biểu: “Thật như một lần sinh ra đời, một đám cưới hạnh phúc”. Để đi đến kết quả này, cuộc bỏ phiếu của hàn lâm viện phải diễn ra đến 12 lần. Lần sau cùng Pierre Lemaitre được 6 phiếu so với Frederic Verger được 4 phiếu (cho tác phẩm đầu tay Arden). Còn Yann Moix khi nhận giải Renaudot thì phát biểu: “Đây là một giải thưởng được làm cho tôi và tôi được làm cho giải thưởng”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất