19/03/2016 11:35 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - 3 tập Từ xa Hà Nội ra đời ba năm liên tiếp. Tác giả của nó, như tự bạch, là một “kiều mốc” ở Đức, thuộc lớp người “trót” sống quá nhiều năm cả trong nước lẫn nước ngoài, đủ để dăm ba sáng tỉnh dậy chẳng hiểu mình là người Đức hay Việt Nam!
1. Tập tản văn thứ ba mới được ra mắt giữa tháng ba năm 2016 này. Nhưng bạn đọc đã biết đến cái tên Mai Lâm từ năm 2014 với Những giấc mơ đề, Ăn thời bao cấp... (được in lại trong Từ xa Hà Nội 1) và những câu chuyện tưởng chừng giời ơi đất hỡi mà rất đỗi đời, rất nhân văn của ông.
Ba tập sách với những chân dung sống động, là người thân, là vợ, là con, là bạn, là người cùng làm, cùng chơi... Và như lời tác giả, ông viết đơn giản bởi vì thích. Và viết thì phải in, vì bạn bè bảo vậy và khẳng định rằng những câu chuyện ấy nhiều người thích đọc.
Người ta nói học ăn cần một đời, học mặc cần hai đời nhưng để biết chơi cần phải tới ba đời. Chơi đâu có dễ. Như một nhân vật trong truyện của ông nói về chính tác giả: "Việc duy nhất thích hợp với ông anh là không làm gì cả". Vậy khác gì họ bảo ông chỉ biết chơi.
Ừ thì chơi. Nhưng chơi mà vợ đẹp con khôn, chơi mà anh em yêu mến, chơi mà vừa kiếm được tiền vừa sáng tác nhạc, chơi mà vẫn đàng hoàng sống đàng hoàng yêu đàng hoàng viết ... Chơi thế thì đáng nể quá.
2. Tác giả Mai Lâm là một người mà theo những gì ông viết ra, ông kể lại thì đã phải bỏ xứ mà đi vì chẳng còn con đường nào tốt hơn cho một người đàn ông như mình ở thời điểm đó. Một người chơi đến cùng đam mê đến tận. Nhận được nhiều và mất cũng rất nhiều. Mất nhiều hơn những gì những người đàn ông bình thường thường mất.
Chỉ nhìn vào những gì ông viết về… số đề cũng có thể hiểu điều ấy. "Vì đề anh phải ra đê/Vì đề tôi phải lăn lê quê người". (Ca dao mới). Hoặc “Ai ơi chớ bỏ số đề/Sáng đi một chục tối về bẩy trăm". (Ca dao hậu hiện đại).
Từ những câu chuyện được kể bằng dăm câu đôi điều tới cả một truyện ngắn mang tên Quỳnh Hoa người đọc đều cảm nhận được tính chân thật ở Mai Lâm. Nhiều người đọc bật cười và thấy lạ là ông dám tự bôi mình nhoè nhoẹt ra như thế ? Tôi thì đồ rằng ông phải yêu bản thân mình lắm mới có thể tưng tửng tự giơ mình ra như vậy. Nói với ông điều đó thì ông bảo đúng rồi, có tự tin người ta mới có thể tự trào.
Khi xuất bản sách, Mai Lâm gặp được sự đồng điệu từ giám đốc Nhà xuất bản Văn học. Sau hai tiếng đọc bản thảo, giám đốc Nguyễn Anh Vũ đã quyết định để nguyên chất văn đó đưa ra cho bạn đọc. Một quyết định không dễ .
3. Sinh ra ở Hà Nội, được sống từ bé trong môi trường văn nghệ, ông Mai Lâm có bố dượng là nhà báo Cao Nhị. Bạn thân của bố dượng là những Phùng Quán, Dương Tường ... Bản thân Mai Lâm cũng là một tay chơi nhạc chuyên nghiệp.
Tác giả Mai Lâm dường như động tới việc gì cũng có tính nghệ thuật. Dù đi tới đâu cũng mang theo cái hồn người Hà Nội. Nên tản văn của ông đậm chất thơ trong các câu chuyện.
Cho dù là lô đề cờ bạc hay rượu chè hút xách, cho dù là những công việc bị cho là dưới đáy chả ai muốn làm... Điều nhìn nhận cuối cùng từ những câu chuyện đó vẫn là nhân văn là hướng thiện. Là những cái đẹp của cuộc sống quanh mình. Đó có lẽ là nguyên nhân mà khi gấp lại ba cuốn sách của ông, mỗi người đọc đều cảm nhận được ít nhiều có mình trong đó.
Tác giả Mai Lâm sinh năm 1951, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 1971. Tác giả của 3 tập tản văn: Từ xa Hà Nội 1 (2014), Từ xa Hà Nội 2: Xa rồi ngày xanh. (2015) Từ xa Hà Nội 3: Chỉ còn tuyết trắng. |
Tuyết Lan Trần
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất