Nguyễn Thị Hồng Diệu: 465 bài thơ về người lính/1 năm, 20 bài được phổ nhạc

31/07/2014 13:11 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Cách đây 1 năm, tác giả trẻ Nguyễn Thị Hồng Diệu (SN 1984 tại TP Vinh, Nghệ An) công bố bài thơ đầu tiên về mộ chiến sĩ ở Trường Sa do bị thách “có giỏi thì hãy làm thử một bài...”. Từ đó, trong vòng 1 năm, 465 bài thơ viết về người lính hải quân, không quân, về Trường Sa, Hoàng Sa... lần lượt ra đời và được đăng tải trên facebook, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, trong đó có khoảng 20 bài thơ được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc như: Bình yên ngày mới (Quỳnh Hợp), Thư con (An Thuyên), Bố yêu con (Nguyễn Minh Châu, đạt giải nhất trong Liên hoan tiếng hát thiếu nhi quận Tân Phú - TP.HCM tháng 6 vừa qua)...

Làm thơ vì bị thách đố!

Nguyễn Thị Hồng Diệu với chiếc áo hải quân, một trong những món quà của những người lính biển

Nguyễn Thị Hồng Diệu với chiếc áo hải quân, một trong những món quà của những người lính biển

Bố Hồng Diệu là bộ đội, mẹ là công nhân và đều đã nghỉ hưu. Tình yêu dành cho thơ và đến với thơ của Hồng Diệu bắt đầu từ tình yêu dành cho những người lính và nó được hình thành khi còn rất nhỏ. Bởi ngày bé, Diệu thường theo bố đến trường Học viện Phòng không Không quân ở Sơn Tây (Hà Nội). Bố Diệu là thầy giáo dạy chính trị tại đây và chính ông đã truyền cho con gái nhỏ tình yêu với màu áo lính. Nơi Diệu ở khi bé có rất nhiều đơn vị quân đội và Diệu được chứng kiến nhiều cảnh huấn luyện, hành quân... của các chiến sĩ để rồi ước mơ sau này sẽ làm “cô bộ đội”, nhưng tiếc rằng ước mơ ấy đã không thành...

Tốt nghiệp trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nghệ An chuyên ngành kế toán, Diệu đi làm một thời gian rồi ở nhà chăm sóc 2 con gái nhỏ. Để nuôi dưỡng tâm hồn thơ ca, rồi con gái lớn sắp vào mẫu giáo, mức lương công nhân của chồng không thể đủ cho cả gia đình, lại phải thuê nhà, Diệu cần phải có thu nhập và đang đi xin việc tại một số công ty tại TP Vinh, nhưng chưa có kết quả.

Cách đây 1 năm, vào dịp 27/7/2013, Diệu tình cờ đọc trang fanpage Chúng tôi là chiến sỹ hải quân trên mạng xã hội facebook. Trong đó, có rất nhiều bài viết của các bạn trẻ nói về người lính hải quân rất hay, ý nghĩa. Diệu kể một chuyện vui nhưng có thật về việc bắt đầu làm thơ khi đọc được một bài thơ của một admin có face "hoa vo thuong". Diệu bình luận rằng bài thơ ấy “chưa hay”, khiến tác giả đó viết lại rằng: “Có giỏi thì hãy thử làm một bài thơ để mọi người nói là hay xem nào!” - Vậy là Diệu bắt đầu viết bằng tất cả tình cảm của mình về người liệt sĩ nằm lại ở Trường Sa. Bài thơ ấy có tựa đề Viếng hồn anh nhân ngày 27/7, trong đó có đoạn:

“Tôi chưa thể đến được Trường Sa
Để thắp nhang lên hàng bia mộ
Hôm nay đây bên bờ thành phố
Tôi thả vòng hoa kính viếng các linh hồn...”

Bài thơ ấy đã được nhiều độc giả của page này đón nhận và các admin đã đề nghị Diệu tham gia làm quản trị cho trang page này, nhưng Diệu chỉ làm CTV.

Kể từ đó, Diệu bắt đầu viết những trang thơ về người lính Trường Sa, bởi tình yêu, tình cảm mãnh liệt với biển với những con sóng trắng và người lính biển. Mỗi lần nhắc đên hai từ Trường Sa thiêng liêng đó, Diệu không khỏi bồi hồi xúc động. Và Không xa đâu Trường Sa ơi là một trong những bài thơ gần như nói hết tình cảm của Diệu với Trường Sa:

"Mỗi lần nghe ai nói đến "Trường Sa"
Là trong tôi như có bước chân các anh tuần tra giữa đảo
Những đôi mắt quầng sâu vì gió bão
Áo bạc nắng thao trường, thân lạnh buốt đêm sương..."

Diệu chia sẻ: “Với những người lính áo xanh đã muôn vàn vất vả, khó khăn thiếu thốn, nhưng người lính Trường Sa, người lính biển còn khó khăn, vất vả và thiếu thốn gấp bội phần: từ nắm đất, từ giọt nước, từ những cọng rau xanh, quanh năm với nắng gió và cát, bốn bề là biển mặn. Những người lính trên những nhà giàn sừng sững nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, giữa bao la sóng nước, nghiêng ngả theo nhịp sóng... Nhưng mặc dù đối diện với những vất vả thiếu thốn ấy, họ vẫn yêu đời, vẫn bỏng cháy những khát khao, vẫn cống hiến sức trẻ của mình, vẫn hiên ngang trước sóng gió, trước bão táp... Dù chưa một lần được đặt chân đến mảnh đất ấy, nhưng khâm phục biết bao những bàn tay chai sần vì súng đạn đã ươm lên những mầm xanh diệu kì giữa trùng khơi xa, để Trường Sa hôm nay tràn đầy sức sống... Đặc biệt hơn là những câu chuyện về người mẹ, người vợ, những đứa con, những hậu phương của họ tần tảo, chịu khó, chung thủy và luôn hướng về nơi có người thân mình đang công tác với một trái tim bao dung, độ lượng, rất chân thành, thật xúc động và cảm phục nhiều hơn...”. Bài thơ Câu trả lời cho tình yêu người lính biển trong tôi của Hồng Diệu ra đời:

"Khổ nào bằng lính biển bạn ơi
Cách biệt xa xôi đất liền khó tới
Bao tâm tư của người lính muốn gửi
Cũng phải đành nhớ sóng trùng khơi.
Có vợ rồi cũng chịu cảnh chia đôi
Thèm hơi ấm nào đâu có nổi
Vợ sinh con cũng đành chờ đợi
Đến phép về mới thấy nổi mặt con...."

Từ đó, qua thơ, Diệu có thêm rất nhiều bạn bè, đặc biệt là những người lính hải quân (trong đó có chiến sĩ Trần Công Tài, đang học tại Học viện Hải quân, người quản trị của page Chúng tôi là chiến sĩ hải quân), những bạn thơ có cùng tình yêu với người lính, với biển đảo như: Nhi Dương, Đoàn Ngọc, Lính biển Việt Nam (với bài thơ Tiếng biển lay động cộng đồng mạng)... Nhiều bạn thơ chưa có cơ hội gặp giữa đời thực, nhưng tình cảm vẫn luôn bền chặt nhờ sự kết nối của thơ và tình yêu biển đảo. Bên cạnh, Diệu còn được nhiều cô, chú, anh chị coi như con em ruột thịt, luôn quan tâm, lo lắng và góp ý cho thơ như: chị Lệ Giang (Hiện đang công tác ở nhà trẻ Hải quân đảo Phú Quốc), anh Nguyễn Song Hồng (cán bộ nhà giàn DK1), anh Ngô Quân (Trưởng ban quân lực vùng 2 Hải quân), anh Minh Đức (Bệnh viện 354)...


Những bài thơ Hồng Diệu làm và đăng ngay trên Facebook

Thơ thành cơm bữa mỗi ngày...

Với Hồng Diệu “thơ không thể thiếu như bữa cơm hàng ngày. Trong mỗi hoạt động, tôi đều liên hệ đến những người lính hay những hậu phương của lính để cảm nhận cảm xúc, suy nghĩ và cữ thế những dòng thơ xuất hiện. Bạn tôi nói rằng: ăn cơm cũng làm thơ, nhìn con ngủ cũng ra thơ, hát con nghe cũng có thể ra thơ, cùng con đợi bố đi làm về cũng thành thơ... Tất cả, tôi đều thử đặt mình vào vị trí của họ để viết một cách chân thực nhất...”

Hồng Diệu “tự đánh giá mình là người nhạy cảm với những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của những người xung quanh, những hy sinh thầm lặng của người lính" cho nên những vẫn thơ của Diệu sớm được hình thành khi bắt gặp những hoàn cảnh như thế. Qua thơ, Diệu muốn chia sẻ với nỗi lòng, mong những người có trái tim vàng giúp đỡ, bởi bản thân Diệu không có điều kiện về kinh tế nên chỉ có cách làm thơ để góp một phần động viên tinh thần...

“Cuộc sống sẽ đẹp hơn khi mình biết cho đi và chia sẻ. Tôi không giám nói là mình tài giỏi khi làm một khối lượng thơ lớn như vậy trong một năm vì chắc chắn, trong số những bài thơ ấy cũng có nhiều bài chưa gọi là hay, nhưng mỗi bài thơ tôi đều cố gắng truyền tải một thông điệp khác nhau và mong muốn qua đó sẽ truyền tình yêu biển đảo, tình yêu người lính và đồng cảm với người hậu phương của họ” – Diệu nói.

Một năm 365 ngày, Diệu làm 465 bài thơ. Có những hôm gặp được cảm cảm xúc, Diệu viết dồn dập 3 - 4 bài. Nhưng cũng có hôm mất cảm xúc và vài ngày không viết được một dòng nào. Tuy nhiên, nó không kéo dài vì tình yêu dành cho biển đã luôn giúp Diệu sớm tìm lại cảm xúc, ví như khi xem một bức hình, một bản tin thời sự, một thước phim tài liệu hay một ca khúc về biển đảo... Với Diệu, có rất nhiều bài thơ được viết ra từ những câu chuyện của những người bạn trên face là lính đảo, là vợ lính đảo, là người yêu lính đảo. Những bài thơ ấy, luôn được đón nhận và chị thấy hạnh phúc khi chia sẻ được tâm tư tình cảm của họ.

Trước Tết 2014, Diệu được vào thăm một đơn vị hải quân ở cửa Hội, Nghệ An là Hải đội 137 và lên giao lưu với cán bộ chiến sĩ tàu HQ 210, sau đó về Diệu làm liền 3 bài thơ đóng góp trên báo tường của đơn vị và giành Giải Nhất toàn đơn vị. Bài thơ Tự hào HQ 210 được viết dành riêng cho con tàu ấy khi được nhận bằng đơn vị quyết thắng.

Trên facebook của Hồng Diệu, nhiều sĩ quan quân đội luôn dành thời gian để đọc thơ và bình thơ. Có lần đọc thơ Diệu, bác sĩ Vũ Hồng Lân - Bệnh viện 354 kể về trường hợp của bác sĩ - thượng tá quân y Nguyễn Cường Đường. Đó là câu chuyện cảm động về một bác sĩ giỏi, nhưng trước khi nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, bố anh lại lâm bệnh nặng. Vì nhiệm vụ, vì Tổ quốc, anh không thể ở lại để chăm sóc chạy chữa cho bố... Anh ra nhận nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông không được bao lâu thì bố mất. Hồng Diệu đã viết bài thơ Tạ lỗi cùng cha tặng bác sĩ Đường và khi nhận được bài thơ “trong một ngày anh ấy đã gọi điện 5 lần cảm ơn tôi, lần nào nói anh cũng gần như đang khóc...”; hay bài thơ Cột sóng với cậu chuyện vui về các anh lính nhà giàn bị gãy cột sóng không liên lạc được với gia đình, phải trèo lên tận đỉnh nhà giàn bắt nhờ sóng của các nhà giàn khác...

Trong tháng 6 vừa qua, Diệu ra Hà Nội và có dịp hội ngộ với bạn thơ Đoàn Ngọc cùng các bạn thơ ở Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt, Diệu đã gặp anh Vũ Quang Tiệp trước là lính đảo Trường Sa và cô Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, được nghe kể những câu chuyện rất xúc động về Trường Sa. Và bài thơ Tình Trường Sa gặp lại ra đời, có đoạn:

“... Mười chín năm rồi kỉ niệm cũ còn ghi
Nhánh phong ba lính Trường Sa tặng văn công tới đảo
Hoa giản đơn nhưng kiên cường trong giông bão
Như tâm hồn lính đảo giữa Trường Sa..."

Hơn 20 bài thơ về Trường Sa, Hoàng Sa được phổ nhạc dồn dập

Riêng trong những ngày biển Đông dậy sóng với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Bằng tất cả trái tim mình, Diệu đã viết hơn 80 bài thơ với mong muốn kêu gọi lòng yêu nước trong mỗi trái tim Việt Nam, cổ vũ tinh thần kiên cường bám trụ và tranh đấu pháp lý của các chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư, động viên hậu phương của các anh yên tâm chờ đợi, vững vàng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống khi các anh đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Tình cờ nhạc sĩ Hồ Hoàng đọc thơ Diệu trên tường của một người bạn và đã đồng cảm và phổ nhạc ngay cho bài thơ Võ Nguyên Giáp trên ngọn sóng biển Đông (sẽ được ra mắt dịp kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN 22/12/2014 năm nay).

Một đoạn trong bài Võ Nguyên Giáp trên ngọn sóng biển Đông được nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ nhạc

Từ tháng 5 vừa qua, nhạc sĩ Hồ Hoàng còn phổ nhạc nhiều bài thơ khác của Hồng Diệu như: Bé và con tàu của ba; Bác ơi tháng 5 biển Đông dậy sóng; Trường Sa ngày em đến; Bố và con; Quà của bố; Đi ta đi; Khi Tổ quốc gọi tên chúng tôi; Biển Hoàng Sa; Mưa Trường Sa... Và cũng từ đó, những bài thơ của Diệu được các nhạc sĩ khác biết đến và “chắp thêm những đôi cánh” như: Bố yêu con; Tình gió do nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc; Lính nhà giàn; Cờ Tổ quốc trên biển Hoàng Sa với nhạc sĩ Trần Dũng, Tiếng cười anh (Vân Trung); Quê hương (Ngô Thanh Phúc); Trái tim người lính biển (Mạc Tuấn Trường); Thương về nơi đầu sóng (Thanh Dũng); Mùa mưa về Trường Sa (Việt Hùng)...

Đặc biệt, nhạc sĩ An Thuyên với bài Thư con. Bài thơ được hình thành ngay sau khi Diệu xem chương trình thời sự nói về hậu phương của những người chiến sĩ cảnh sát biển, bắt gặp đôi mắt trong sáng của một em bé là con trai của một chiến sĩ cảnh sát biển với câu nói rất rất xúc động: "Ba ơi con nhớ ba nhiều lắm". Ngay sau khi Diệu “post” bài thơ ấy lên facebook, thật may mắn, nhạc sĩ An Thuyên đã chọn phổ nhạc ngay và hiện nay Thư con đã được phối khí và thu âm xong.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, một nhạc sĩ mà Diệu rất rất ngưỡng mộ với các sáng tác về người lính, khi nhận được các bài thơ Diệu gửi đã được nhạc sĩ phổ nhạc các bài: Áo cha, Biển Hoàng Sa, Nơi ấy Hoàng Sa, Bình yên ngày mới, Bay lên những cánh chim trời... Trong đó, ca khúc Bình yên ngày mới đã được thu âm và là ca khúc kết thúc trong album Sôi lên hào khí Việt Nam sẽ được ra mắt vào đầu tháng 8 này. Còn Bay lên những cánh chim trời phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hồng Diệu khi viết về những người lính không quân ngã xuống tháng 7 vừa qua sẽ được nhạc sĩ Quỳnh Hợp chọn làm tiêu đề cho album đặc biệt về những đồng đội một thời chị gắn bó và học tập.


Bài Bay lên những cánh chim trời được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc

Một năm qua, Hồng Diệu làm thơ và chỉ chia sẻ thơ mình trên trang facebook. Có một số trang mạng như: Người Nghệ An ở Ukraine, báo Hương quê nhà của TP Cần Thơ, Tạp chí Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM đăng thơ của Diệu, nhưng với chị “đơn giản làm thơ để chia sẻ với những người lính và những người có trái tim yêu lính, yêu biển quê hương, và những bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc là một may mắn để những cảm xúc và tình cảm của Diệu đến được gần hơn với những người lính, với mỗi người dân Việt”.

Với điều kiện còn nhiều khó khăn của mình, Diệu chưa có cơ hội được đi thực tế ở các vùng biển đảo, mặc dù rất khát khao và ước mơ lớn trong đời là được một lần thăm quân cảng Cam Ranh - nơi đã đón đưa bao lớp trai hùng của Tổ quốc ra đi vì bình yên đất nước, được một lần đặt chân lên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK để hiểu hơn về mảnh đất máu thịt xa khơi của đất nước, được nắm tay những người lính biển dạn dày sương gió và nhiều nhiều lắm... những điều muốn nói, muốn viết nếu được đặt chân đến... Trường Sa.

Nghe Bình yên ngày mới được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ Hồng Diệu:




Nghe Bố yêu con được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ thơ Hồng Diệu:




Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm