05/07/2019 06:36 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vào lúc 9h ngày 7/7/2019 tại Đường sách TP.HCM buổi giao lưu, tọa đàm về cuốn biên khảo Răng sư tử của nhà báo Yên Ba sẽ được tổ chức. Sách xuất bản lần đầu tháng 10/2018, dày 860 trang, viết về lĩnh vực tình báo và điệp viên và đến nay đã in lại lần thứ 3, một thành công khá lạ bởi thể loại này thường kén độc giả.
Răng sư tử không chỉ nói về cuộc chiến điệp báo trong đời sống chính trị, quân sự giữa các cường quốc Mỹ, Anh và Liên Xô trong suốt 6 thập niên của thế kỷ 20. Đó còn là những cuộc cạnh tranh đặc biệt về văn hóa và tư tưởng
* Có người nhận định vì đánh giá cao vai trò của các điệp báo và tổ chức ngầm của họ mà anh biên khảo quyển “Răng sư tử”. Điều này có đầy đủ chưa, hay còn những lý do nào khác?
- Tôi luôn đánh giá cao vai trò cũng như kết quả hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực điệp báo. Những thông tin hoặc phân tích của họ không chỉ tác động đến dòng chảy của chính trị, mà còn vào đời sống, văn hóa, nhận thức… của quốc tế.
Xin lấy một ví dụ gần đây, đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Có ai dám nghĩ rằng hai nhà lãnh đạo đó tới những cuộc gặp thượng đỉnh với tay không, nghĩa là trong túi không có dữ liệu gì về đối phương? Hiển nhiên là không rồi. Chắc chắn, mỗi bên đều huy động một bộ máy khổng lồ - trong đó có điệp báo - để tìm kiếm mọi thông tin có thể về phía bên kia, nhằm chiếm ưu thế trong đàm phán, thương lượng, hoặc gọi là “mặc cả” cũng được. Và cuộc đàm phán ấy gắn với những vấn đề không chỉ liên quan đến số phận của một vài cá nhân hoặc tổ chức, mà của cả một quốc gia, thậm chí của nhiều quốc gia và dân tộc.
Những thông tin như vậy giúp ích rất nhiều cho các nhà lãnh đạo chính trị trong các cuộc đàm phán. Nhưng đôi khi, chúng cũng khiến cho một số cuộc đàm phán không đến được kết quả cuối cùng, bởi đơn giản chúng quá chính xác!
* Hoạt động điệp báo gắn liền với chiến tranh, bí mật quân sự, cục diện chính trị…, thì đã rõ. Còn về đời sống văn hóa, tư tưởng, thẩm mỹ… thì điệp báo ảnh hưởng như thế nào?
- Có nhiều tác phẩm và tác giả viết về điệp báo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa, tư tưởng của nhân loại. Chúng ta không lạ gì những tác giả như Graham Green, John le Carré hoặc Ian Fleming…, họ đã tạo nên những “hệ sinh thái” về sách điệp báo, chiếm vị trí rất đáng ngưỡng mộ trong lịch sử văn học thế giới. Họ đã vượt qua khái niệm “cận văn học” mà người ta hay gán cho sách trinh thám để tạo ra những tác phẩm đỉnh cao về tầm văn chương, văn hóa lẫn giá trị thẩm mỹ, tác động đến nhận thức của nhiều thế hệ.
Mặc dù tôi rất thích và đọc nhiều sách phi hư cấu về điệp báo, nhưng cuốn sách mà tôi đặc biệt yêu thích lại thuộc thể loại hư cấu, đó là cuốn The Spy Who Came In From The Cold (Người về từ vùng lạnh) của John le Carré. Nó thường nằm trong danh sách những cuốn sách hay nhất mọi thời đại do các tờ báo hoặc tạp chí uy tín trên thế giới xếp hạng.
* Anh đến với thể loại sách phi hư cấu về điệp báo như thế nào? Làm sao anh có được cơ hội tiếp cận, giải mật hồ sơ tình báo, phản gián, vốn thường đi kèm với những chữ “mật” hoặc “tối mật”?
- Sách phi hư cấu (non-fiction) vốn là niềm đam mê của tôi, bên cạnh những đam mê thích-đủ-thứ như bóng đá, sưu tập sách xưa, hoặc truyện thời Tam Quốc. Sách phi hư cấu về lĩnh vực điệp báo lại càng hấp dẫn tôi, bởi tính chất bí ẩn cùng những tác động to lớn mà chúng đã tạo ra trong đời sống chính trị xã hội nhiều thập niên qua. Do vậy, tôi đã đọc rất nhiều sách về điệp báo, cả hư cấu lẫn phi hư cấu. Nhưng không chọn viết thể loại hư cấu bởi đơn giản tôi là một nhà báo, không phải là nhà văn. Tôi không có khả năng văn chương để có thể viết một cách mượt mà hay một tác phẩm văn học thuần túy. Sách phi hư cấu là lĩnh vực tôi thấy có khả năng thể hiện được điều mình muốn nói.
Việc tiếp cận các hồ sơ về tình báo, phản gián trong thời đại hiện nay trở nên đơn giản hơn nhiều, bởi sau chiến tranh lạnh, rất nhiều trong số đó đã được giải mật, đăng tải công khai trên báo chí, các tạp chí chuyên ngành hoặc Internet. Cũng có rất nhiều cuốn sách phi hư cấu về lĩnh vực điệp báo đã được xuất bản và đó là một nguồn tư liệu quý giá cho cuốn sách của tôi.
* Anh nói mình không viết văn, vậy tại sao biên khảo này anh lại chọn không khí và văn phong của văn học trinh thám để thể hiện?
- Bởi vì tôi mong muốn - không biết có được không - bạn đọc thưởng thức cuốn sách của mình một cách thích thú như một tác phẩm văn học. Các công trình biên khảo thường mang lại cảm giác chán ngắt, dễ khiến độc giả cảm thấy mệt mỏi, tôi muốn né điều ấy.
* Tại sao anh tập trung vào cuộc chiến giữa KGB, GRU (của Liên Xô) và CIA, FBI, MI6, M5 (của Mỹ và Anh), mà không phải là một khu vực nào khác?
- Hơn sáu thập niên đấu tranh giữa các cơ quan này đã đủ chất liệu để tạo nên những tác phẩm bề thế. Và còn bởi đây thực chất là cuộc chiến không tiếng súng giữa các siêu cường, nó có tính quyết định đến diện mạo của đời sống quốc tế. Do vậy, phản ánh cuộc chiến này cũng là phản ánh bộ mặt của nền chính trị, tư tưởng, rộng hơn là văn hóa, lối sống của thế giới trong phần lớn thế kỷ 20. Từ đây có thể góp phần hình dung ra những biến chuyển của thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Từ Espana đến răng sư tử Nhà báo Yên Ba (sinh năm 1962) hiện đang làm việc tại báo Quân đội Nhân dân, chuyên theo dõi mảng thể thao và chính trị quốc tế. Anh đã viết Từ Espana 82 đến France 98: Nhìn lại và chờ đợi (sách thể thao), Từ Pele đến Maradona (sách thể thao), Những mảnh ký ức (bút ký)… Về trinh thám chính trị, anh đã xuất bản Vụ đánh cắp thế kỷ (tập truyện, biên soạn), Thoát khỏi CIA (tiểu thuyết, dịch), Điệp viên ở Washington (tiểu thuyết, dịch)… |
Hiền Hòa (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất