03/08/2018 15:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh) sẵn sàng chi gần 3,6 triệu bảng cho tác phẩm thế kỷ 17 của một nghệ sĩ nữ, trong khi đó, tác phẩm của các nghệ sĩ nam giai đoạn thế kỷ 19 dần trở nên ế ẩm.
1. "Khẩu vị" của các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng công đang thay đổi. Xu hướng chi tiền mua tác phẩm nghệ thuật hiện nay đang tạo ra một môi trường văn hóa rất khác so với giai đoạn cuối thế kỷ 20, và càng khác xa so với cuối thế kỷ 19.
Ví dụ, thị trường nghệ thuật đương đại đang được chuyển đổi theo mong muốn của một số nhà quản lý, đó là nhằm phục hồi các tên tuổi xưa nay ít được nhắc tới, đặc biệt là các nghệ sĩ nữ và nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi. Xu hướng tương tự cũng đang thúc đẩy các bảo tàng thu mua tác phẩm nghệ thuật trước thế kỷ 20.
Đầu tháng này, Phòng trưng bày Quốc gia Anh đã thông báo mua Self Portrait As St Catherine Of Alexandria của Artemisia Gentileschi với giá 3,6 triệu bảng.
Thực ra, Artemisia cũng không phải là tên tuổi xa lạ. Được ca ngợi là "thần đồng vẽ tranh, dễ khiến người khác ghen tị nhưng thật khó bắt chước", nghệ sĩ nữ nổi tiếng bậc nhất xứ Baroque, Italy là chủ đề của những buổi triển lãm cá nhân tại Milan vào năm 2011 và Rome vào năm 2016. Trong khi đó, cuộc đời đặc biệt của bà đã trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng về nữ quyền trong lịch sử nghệ thuật.
Năm 1611, Artemisia, 17 tuổi, bị hãm hiếp bởi Agostino Tassi, một nghệ sĩ cộng tác với người cha cũng là họa sĩ, Orazio Gentileschi. Tassi sau đó bị kết tội, nhưng là sau khi nạn nhân của hắn phải chịu những màn tra tấn ép cung đau đớn và cáo buộc về tội vô đạo đức. Trong khi đó, thủ phạm chưa bao giờ chấp hành bản án lưu đày được phán quyết.
Bức chân dung tự họa, được vẽ ở Florence trong khoảng năm 1615-1618, cho thấy nghệ sĩ dựa vào một bánh xe có gai nhọn. "Thật hấp dẫn khi ngắm bức tranh" - Letizia Treves, phụ trách tranh của Italy, Tây Ban Nha và Pháp thế kỷ 17 tại Phòng trưng bày Quốc gia Anh cho biết.
"Artemisia từ lâu đã được xác định là một nghệ sĩ sở hữu các tác phẩm cần sưu tập” - Treves nói thêm - "Đó là người chúng tôi muốn vinh danh, chủ yếu vì thành tích nghệ thuật của bà, bên cạnh đó là việc bà là một nghệ sĩ nữ nổi tiếng".
“Giờ đây bạn phải suy nghĩ khác đi" - nhà môi giới Marco Voena, người đứng sau thành công của thương vụ trên cho biết - "Khẩu vị của dân sành đã thay đổi".
"Bạn phải tự hỏi bức tranh bạn đang mua có ý nghĩa gì với mọi người" - ông nói thêm, và chia sẻ rằng bức chân dung của Artemisia là “hình ảnh của một nữ anh hùng”.
Sự phổ biến của các cuộc triển lãm dành cho các nghệ sĩ nữ như Georgia O’Keeffe và Frida Kahlo là dấu hiệu của thời đại văn hóa của chúng ta - theo Voena - "Mà bảo tàng thì muốn bán được vé" - ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các vị khách có thể xem bức chân dung tự họa Artemisia miễn phí khi nó được trưng bày vào năm tới, sau quá trình bảo tồn. Nhưng với số lượng khách ghé thăm giảm 17% trong năm ngoái, phòng trưng bày Quốc gia nhận thức rõ mình cần tìm những tác phẩm nghệ thuật cũ nhưng phải mang lại cảm giác mới.
2. Hôm 1/8, Sotheby đã tổ chức đấu giá 120 tác phẩm điêu khắc trừu tượng giai đoạn thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Tuy có ít hơn 10 người tới phòng bán trực tiếp, nhưng thị trường nghệ thuật hiện đã trở thành mảng làm ăn có quy mô toàn cầu nên dù buổi đấu giá trông khá vắng vẻ, 70% các tác phẩm đã tìm thấy người mua, với hầu hết các giao dịch thành công đều qua điện thoại và đặt giá trực tuyến.
Mức giá cao nhất trong buổi bán là 334.000 bảng, do một người mua qua điện thoại trả cho Sylvie, bức tượng đá cẩm thạch có kích thước thật, tạo hình một phụ nữ khỏa thân với mái tóc dài, của nhà điêu khắc người Pháp nổi tiếng Prosper d’Épinay. Giá cuối cùng cao hơn nhiều so với ước tính 180.000 bảng.
Dù vậy, thực tế đặt ra là sự quan tâm của các nhà sưu tập phương Tây và châu Á đang giảm. Doanh số bán lẻ năm ngoái của Sotheby là 1,9 triệu bảng Anh, giảm 24% so với năm ngoái.
“Phần lớn trong số tác phẩm nghệ thuật giai đoạn này dựa trên điểm nhìn của nam giới. Mọi người đã gọi nó là chủ nghĩa khêu gợi của thế kỷ 19” - Robert Bowman, một nhà môi giới ở London về điêu khắc cho biết, nhưng cũng nói thêm rằng không phải tất cả trong đó đều mang hàm ý coi nhẹ phụ nữ và đáng bị tẩy chay - "Có một sự nhạy cảm chính trị, điều đó đúng, nhưng đôi khi có thể đẩy mọi việc đi quá xa" - Bowman nói thêm.
Như việc xảy ra hồi tháng 1, khi phòng trưng bày nghệ thuật Manchester loại bức họa năm 1896 của John William Waterhouse khỏi phòng trưng bày. Tác phẩm mang tên Hylas và Nymphs vẽ cảnh một chiến binh trẻ đang bị 7 cô gái khỏa thân lôi xuống hồ.
Việc loại bỏ được thực hiện trước sức ép từ những người tham gia chiến dịch vì quyền phụ nữ MeToo, theo Clare Gannaway, người phụ trách nghệ thuật đương đại của phòng trưng bày.
"Tôi không tin tác phẩm này là một ví dụ điển hình của chủ nghĩa trọng nam khinh nữ, chí ít mức độ của nó cũng nhẹ nhàng hơn trong tác phẩm Demoiselles d'Avignon của Picasso” - Tim Barringer, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Yale, nói trong một E-mail.
Duy An (Theo Independent)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất