Người Việt học được gì từ người Do Thái: Muốn thông minh, hãy luôn đặt câu hỏi

31/01/2015 07:47 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Đến người Do Thái ở Israel, dân tộc được coi là trí tuệ đỉnh cao, cũng không thể thông minh nếu không sống trong một nền văn hóa không biết hài lòng, luôn hỏi, đặc biệt là hỏi "tại sao".

Đó là ý kiến của bà Meirav Eilon Shahar, đại sứ Israel tại Việt Nam, tại buổi ra mắt cuốn sách Câu chuyện Do Thái - Lịch sử thăng trầm của một dân tộc sáng 30/1 tại Hà Nội.

Trào lưu sách về người Do Thái ở Việt Nam

Cuốn sách Câu chuyện Do Thái của chuyên gia công nghệ Đặng Hoàng Xa là tác phẩm đầu tiên của một tác giả Việt Nam viết về dân tộc Do Thái sống ở Israel ngày nay. Những năm gần đây, ở Việt Nam xuất bản hàng loạt sách dịch về người Do Thái như Quốc gia khởi nghiệp, Mật mã Do Thái, Số ít được lựa chọn, Trí tuệ của người Do Thái, Người Do Thái dạy con làm giàu...


Tác giả Đặng Hoàng Xa

Chừng đó đủ nhiều để tạo nên một trào lưu tìm hiểu về người Do Thái, hiện nay gồm khoảng hơn 8 triệu người sống trong một quốc gia chính thức là Israel ở Trung Đông. Hoàn cảnh sống của họ rất đặc biệt, những vùng xung quanh đầy ắp dầu lửa nhưng riêng Israel "không có giọt nào". Quốc gia Do Thái giáo này cũng nằm cạnh rất nhiều quốc gia luôn lăm le tiêu diệt họ.

Là người quan tâm và ngưỡng mộ người Do Thái nhiều năm nay, tác giả Đặng Hoàng Xa đã tích lũy kiến thức trong hàng chục năm và dành 9 tháng để hoàn thành cuốn sách này. Sách đưa ra cách nhìn đa chiều về tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử để lý giải thành công của người Do Thái và rút ra bài học cho Việt Nam.


Cuốn sách Câu chuyện Do Thái

Một nền giáo dục "không hài lòng"

Trả lời câu hỏi về "bí ẩn' đằng sau trí tuệ được huyền thoại hóa của người Do Thái, bà Shahar cho biết: "Người Do Thái cũng như các dân tộc khác, có người thông minh và không thông minh. Nhưng đặc điểm của người Do Thái là không bao giờ hài lòng và luôn đặt câu hỏi. Chúng tôi không bao giờ ngại nói lên những suy nghĩ của mình. Đó là điều mà nền giáo dục của chúng tôi luôn khuyến khích".

"Bởi vậy, khi nói chuyện với người Israel, các bạn không nên tổn thương vì chúng tôi luôn nói thật suy nghĩ của mình. Chúng tôi không cần phải thô lỗ nhưng chúng tôi cần trung thực và thẳng thắn vì đó là tính cách của chúng tôi".

Bởi vậy, "nguồn gốc" trí thông minh của người Do Thái, nếu có, thì đó là giáo dục. Việc luôn đặt câu hỏi thúc đẩy họ luôn đi tìm câu trả lời. Quá trình đi tìm câu trả lời cũng góp phần bồi bổ trí thông minh.

Nếu người Do Thái có một nỗi lo nào đó, như bà đại sứ tiết lộ, là sự gia tăng dân số ở những gia đình theo đạo Do Thái chính thống. Những gia đình này có thể có đến 10 con trong khi những người không theo đạo chỉ sinh khoảng ba con. Việc gia tăng dân số là một thách thức thực sự vì thế hệ mới được sinh ra sẽ không được hưởng nền giáo dục chất lượng.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm