Không mặc áo ngực + Facebook = Nổi tiếng

24/06/2013 09:26 GMT+7


(lienminhbng.org) - Tuần vừa qua, clip cô gái “thả rông” vòng 1 nhảy “Gentleman” để... chống ung thư vú lan truyền khắp các trang mạng xã hội và báo mạng. Đặc biệt, khi trả lời phỏng vấn về lý do thực hiện clip, cô gái nói: “Mình muốn nổi tiếng!”.

Thực tế, cô gái đã thành công với công thức: Không mặc áo ngực + Facebook = Nổi tiếng.

Song đằng sau công thức đơn giản và hiệu quả này là vô vàn những hệ lụy khôn lường.

1. Công thức nổi tiếng được cô gái này áp dụng khá bài bản:

Đầu tiên là clip không mặc áo ngực nhảy “Gentleman” tạo được hiệu ứng lan tỏa chóng mặt (sau 1 tuần đăng tải lên facebook, clip đã có tới gần 30.000 người like, 3.000 lượt share, 7.000 comment. Đồng thời, trên trang youtube, clip đạt 50.000 lượt xem - con số đáng mơ nếu so với các MV của ca sĩ nổi tiếng). Chủ nhân của clip cũng trở thành nhân vật của dăm bài phỏng vấn và hàng chục bài báo trên các trang mạng trong 1 tuần.

“Thừa thắng”, cô gái kiên quyết giữ “bản sắc” bằng clip: “Giáo dục sinh lý”, với chủ đề “Cô ấy đã cứu sống cả một thế hệ” (?!).

Nội dung của clip ngắn này cũng chẳng có gì ngoài những hình ảnh hở hang của cô gái và ngôn ngữ trào lộng đầy thách thức.

Hình ảnh ăn mặc khiêu gợi của Huyền Anh trong clip "Giáo dục sinh lý"
Liền sau đó là clip phỏng vấn xin đóng phim cấp 3 với nội dung thô tục. Những bức ảnh ăn mặc hở hang cùng nhiều hành động phản cảm của cô cũng được cập nhật thường xuyên trên trang cá nhân. Cô cũng không quên hứa hẹn trên trang cá nhân sẽ đăng tiếp những clip “để dành riêng cho đàn ông nước ta”.

Rõ ràng, càng ngày cô gái càng vượt xa khỏi chuẩn văn hóa truyền thống và thách thức dư luận. Song bằng cách này, cô gái đã tiến thêm nhiều bước khiến truyền thông từ xôn xao tới... “phát sốt”.

2. Nhưng đằng sau ánh hào quang ảo từ mạng ảo là nhiều ẩn họa thật. Cụ thể, nếu tiếp tục giữ “nhiệt” trên truyền thông, nhiều khả năng, cô gái sẽ đặt được chân vào làng showbiz để nổi tiếng hơn (theo mong ước của cô). Nhưng cô sẽ làm gì khi chỉ biết làm mỗi việc “thả rông” vòng 1 và lộng ngôn?

Có thể cô sẽ tiếp bước “nữ hoàng nội y” để thành “nữ hoàng không nội y”? Hoặc cô sẽ “phế truất” một cô gái khác mãi tít bên Nhật để trở thành tâm điểm của các câu chuyện phiếm của đàn ông Việt? Hay cô sẽ “hát nhép”, múa cột... để kiếm tiền như một vài người đẹp kém tài hiện thời?...

Với sự “tiếp tay” của mạng xã hội và một bộ phận truyền thông, “thảm họa văn hóa” có cơ hội nảy nở.

3. Nguy hiểm hơn, thảm họa văn hóa này không chỉ là một cá nhân, mà nó đang có sự cộng hưởng mang tính hệ thống.

Chỉ sau một tuần, đã có ít nhất ba clip của ba cô gái trẻ khác cũng nhảy bài “Gentleman” được tung lên mạng. Và mức độ hở hang, thô tục của các cô sau còn táo bạo hơn cả cô trước. Song cô trước comment (bình luận) vào clip của cô sau: Cưng không sống động bằng chị (?!)

Trong ba tuần đã có ba cô “nhái” thì một tháng, một năm, sẽ có bao nhiêu cô học tập theo công thức nổi tiếng dễ dàng, nhanh chóng và thô tục này?

Song trách các cô 1, trách truyền thông 10. Với việc đưa tin vô thưởng vô phạt, thờ ơ với điều xấu, đăng hình phản cảm là chính, viết thông tin là phụ đã vô hình PR cho các thảm họa và khuếch trương chúng lên.

Và nếu cứ tiếp tục chực chờ các cô ra clip, đăng hình trên trang cá nhân để các báo “lấy lại” như thế này thì truyền thông sẽ tiếp tay cho “các cô ấy giết chết cả một thế hệ!”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm