Tầm nhìn và khả năng lãnh đạo kiệt xuất của ông Lý Quang Diệu

23/03/2015 09:04 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Nhìn lại quá trình 50 năm hình thành và phát triển của quốc gia có diện tích vào loại khiêm tốn nhất Đông Nam Á, không ai có thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của nhà lãnh đạo kiệt xuất Lý Quang Diệu - cố Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore độc lập. Tầm nhìn cũng như khả năng lãnh đạo của ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong những những cột mốc đáng nhớ nhất của đảo quốc Sư tử kể từ khi tuyên bố độc lập từ năm 1965 đến nay.

Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 trong một gia đình người Hoa định cư ở Singapore từ thế kỉ 19. Tốt nghiệp chuyên ngành luật tại Anh, luật sư trẻ Lý Quang Diệu đã tham gia sáng lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP) ở Singapore vào năm 1954. Chỉ 5 năm sau đó, PAP dưới sự dẫn dắt của Lý Quang Diệu đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và, với vai trò Tổng Thư ký PAP, ông đã trở thành Thủ tướng là người Singapore đầu tiên của nước Singapore độc lập nằm trong Khối liên hiệp Anh. Khi đó, Lý Quang Diệu mới 36 tuổi.

Năm 1963, Singapore tham gia Liên bang Malaysia, nhưng chỉ 2 năm sau, một lần nữa tuyên bố độc lập. Kể từ đó, ông Lý Quang Diệu đã đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Singapore trong suốt 31 năm cho đến khi quyết định nghỉ hưu vào năm 1990. Trong hơn ba thập kỷ cầm quyền, ông Lý Quang Diệu đã thể hiện mình là nhà lãnh đạo xuất chúng với những quyết sách đầy tính chiến lược nhằm tạo nên một quốc gia Singapore hùng mạnh về kinh tế, một trung tâm tài chính và công nghệ cao lớn nhất khu vực, một xã hội hiện đại-văn minh, một địa điểm an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư đồng thời là nơi “đáng sống” của rất nhiều những cá nhân tài năng từ khắp nơi trên thế giới.


Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều gì đã làm nên những kỳ tích mà mọi người dân Singapore ngày nay đều ca ngợi mỗi khi nhắc đến Thủ tướng đầu tiên của họ? Hãy nhìn vào những chính sách mà Thủ tướng Lý Quang Diệu đã kiên trì xây dựng và thực hiện để biến Singapore từ một “vùng đất đầm lầy” thành “thành phố trong mơ”. Có thể nói, chính sách xuyên suốt và quan trọng hàng đầu mà ông Lý Quang Diệu áp dụng (và cho đến tận bây giờ các thế hệ lãnh đạo Singapore vẫn kiên trì theo đuổi) chính là trọng dụng nhân tài.

Tại sao PAP của ông Lý Quang Diệu lại có thể dẫn dắt được người dân Singapore? Lời đáp chính là việc PAP đã tập hợp được rất nhiều người tài, có học vấn cao. Bản thân Tổng Thư ký Lý Quang Diệu đã tốt nghiệp ngành luật ở trường đại học danh tiếng Cambridge của Anh năm 1949, khi mới 26 tuổi. Thủ tướng thứ hai của Singapore, giai đoạn 1990-2004, ông Goh Chok Tong cũng tốt nghiệp tại Đại học danh tiếng Williams College, Mỹ, chuyên ngành Phát triển Kinh tế.

Quan điểm của ông Lý Quang Diệu về trọng dụng, thu hút nhân tài đã được Singapore thực hiện triệt để, rất có hiệu quả. Không chỉ tập trung đào tạo và phát triển người tài ở trong nước, Singapore còn đẩy mạnh thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, với những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, định cư lâu dài và nhập quốc tịch Singapore dễ dàng.

Thứ hai, ông Lý Quang Diệu chủ trương PAP trực tiếp lãnh đạo đất nước. Tổng Thư ký PAP luôn luôn nắm chức Thủ tướng. Các đảng viên cao cấp PAP giữ các cương vị Bộ trưởng. Qua đó, đường lối của PAP được thực hiện trực tiếp qua các đảng viên nắm chức vụ lãnh đạo Nhà nước, nhờ vậy các chính sách luôn được xuyên suốt, đảm bảo tính nhất quán.

Thứ ba, và cũng là một trong những quyết định được cho là “then chốt” để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, đó là chọn tiếng Anh làm một trong bốn loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở Đảo quốc Sư tử. Ông từng nói: “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây”. Mặt khác, ông Lý Quang Diệu còn tận dụng ngay bộ máy hành chính mà người Anh đã xây dựng ở Singapore trong hơn 100 năm đô hộ nhằm tiếp thu mọi “di sản” của một nền hành chính hiện đại.

Thứ tư, tôn chỉ và mục đích của Singapore được xác định là xây dựng một nhà nước tôn trọng người dân. Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu: “Nếu chúng ta không ra sức làm việc, thì khi nhân dân mất lòng tin, tội lỗi sẽ thuộc về chúng ta. Khi nhân dân đã mất hết lòng tin, thì họ sẽ đòi hỏi một chính phủ khác”. Theo ông, người dân Singapore quan tâm đến việc “họ có được một chính phủ được thành lập qua bầu cử, họ có khả năng bầu ra chính phủ của họ và chính phủ sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và cho con cháu mai sau."

Thành tựu thứ năm không thể không nói đến là quyết tâm chống tham nhũng triệt để. Ông Lý Quang Diệu nói: “Sự sống còn của Singapore hoàn toàn dựa vào sự liêm khiết và hiệu suất của các bộ trưởng và quan chức cao cấp của Chính phủ”. Ông nhiều lần khẳng định “nhân dân quyết không thể dung tha những phần tử đầu cơ và lưu manh”. Nhưng, muốn chống tham nhũng tốt và muốn thu hút được nhân tài, quan chức chính phủ phải được trả lương xứng đáng.

Năm 1985, ông Lý Quang Diệu nói rằng Singapore có 676 người giàu với thuế thu nhập nộp ngân sách còn cao hơn lương các bộ trưởng. Thế nhưng, ba bộ trưởng tài chính, quốc phòng và nhà ở có vai trò quan trọng cho đất nước Singapore hơn 676 người giàu kia. Từ đó, ông Lý Quang Diệu quyết tâm tăng lương cho các vị trí chủ chốt lãnh đạo đất nước. Hiện nay, tiền lương của các bộ trưởng và thủ tướng Singapore thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Lương của Thủ tướng Singapore cao hơn nhiều lần so với Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ, khoảng 2,2 triệu USD một năm.

Với những chính sách thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo có tầm không chỉ của khu vực mà còn trên thế giới, ông Lý Quang Diệu đã để lại cho đất nước Singapore một gia sản vô giá, mà như nhiều nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia nhận định, khó có một ai sau này có thể “theo kịp” được người tiền nhiệm xuất sắc nhất của họ.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm