04/08/2020 20:09 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong rất nhiều ngành nghề đang chịu sự tác động ghê gớm của dịch Covid-19, nghề viết tưởng như “dễ thở” hơn chút xíu. Bởi với nhiều người, nghề này bình thường đã là công việc riêng tư, không bị ảnh hưởng vì giãn cách; hơn nữa, thu nhập mang lại vốn… phập phù và không thường xuyên, nên dịch hoặc không cũng gần như vậy. Nhưng các nhà văn - “thư ký trung thành của thời đại” (Honoré de Balzac), liệu họ có dửng dưng?
Trong thời điểm làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát mạnh tại Việt Nam, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thử làm một thăm dò ngẫu nhiên với hai nhà văn ở Mỹ và hai nhà văn sống trong nước về tâm thế của họ giữa đại dịch với trang viết. Dưới đây là các ý kiến ghi nhận.
Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh: “Thân xác tôi ở Mỹ, nhưng tâm hồn ở Việt Nam”
Đại dịch đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi cùng hàng tỷ người trên hành tinh này. Và dù sau này nó đi qua thì ảnh hưởng ấy vẫn còn.
Với quyển sách mới của mình, tôi quyết định cầm bút trở lại sau 10 năm, kể từ Thở sâu. Chuyện kể về một hồn ma 13 tuổi người và 13 tuổi ma, di chuyển tức thời trong không gian từ Việt Nam sang Mỹ, một cặp tình nhân Mỹ và Việt Nam cùng cuộc sống đời thường của họ trong đại dịch...
Tôi ít có thói quen nói trước về tác phẩm đang viết của mình. Nhưng có thể nói ngắn gọn rằng cuộc sống ở Mỹ và Covid-19 đã buộc tôi trở lại sáng tác. Trước hết là cho bản thân, viết trong những ngày thực sự đen tối, với những khó khăn về kinh tế. Quyển này tiếng Anh là ngôn ngữ chính, sau đó tôi tự dịch ra tiếng Việt, nên có thể nó không phải lối hành văn mềm mại quen thuộc của tiếng Việt mà độc giả đã thấy trong các sách của tôi.
Đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 đã khiến tôi gần như phá sản tại Việt Nam. Khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ, tôi quyết định bỏ công ty và tất cả mọi thứ ở lại Việt Nam để bay sang Mỹ cùng con trai mới 13 tuổi của mình, bởi tôi không biết đại dịch sẽ kéo dài bao lâu nữa. Tôi viết quyển sách này khi đợt sóng thứ hai của đại dịch đang phát triển mạnh mẽ tại Texas, nơi đã gần như trở thành một New York thứ hai, vì số người mắc bệnh và người chết tăng cao mỗi ngày. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó làm cho những người mới nhập cư như tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng đêm, tôi thức đến 2 hoặc 3h để làm việc với nhân viên của mình tại Việt Nam, rồi sau đó tôi thức dậy vào lúc 7h để đi làm một công việc bán thời gian tại đây. Tôi đã gầy đi rất nhanh, trong 2 tháng tôi sụt hơn 5kg. Thân xác tôi ở Mỹ, nhưng tâm hồn ở Việt Nam. Vì vậy tôi luôn đọc tin tức tại Việt Nam. Tôi yêu nhân dân Việt Nam bằng tất cả trái tim tôi. Quyển sách này dành cho người dân bình thường ở Việt Nam, cho những người Việt mới nhập cư Mỹ giống như tôi. Và cũng dành cho những nạn nhân của đại dịch.
Nhà thơ Trần Tuấn: “Mất cảm giác về thời gian”
Những ngày qua, sống giữa thành phố Đà Nẵng bị giãn cách với nhiều bệnh viện, đường phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19, khi lần lượt có những bệnh nhân đầu tiên chết vì dịch, tâm thế thường trực của tôi là mất cảm giác về thời gian. Cũng lạ, bởi đợt dịch trước đó, cũng giãn cách toàn xã hội, tôi lại không có cảm giác lạ lùng đó. Có lẽ bởi cả nước chỉ riêng Đà Nẵng nằm trong vòng giãn cách (giờ có thêm Hội An và một số huyện thị của Quảng Nam), nên tâm thế con người dễ “cô đơn” hơn chăng?
Đường phố Đà Nẵng mấy ngày qua vắng lặng có lẽ chưa từng thấy trong lịch sử của mình. Vắng còn hơn cả cao điểm đợt dịch đầu tiên hồi mấy tháng trước. Nhiệm vụ làm báo, ngày ngày tôi vẫn phải ra đường, càng thấm hơn cảm giác trống trải ấy. Để chợt nhớ tới những đại lộ, vỉa hè đường phố hoang vắng và mất dần tăm tích giữa sương mù ký ức trong văn chương Patrick Modiano.
Có buổi trưa, tôi ra ngồi một mình bên bờ biển Đông. Ngồi bên cạnh khối tượng đá trắng “Mẹ Âu Cơ” của điêu khắc gia Lê Công Thành, cách ngăn bởi sợi dây phong tỏa bằng nilon mảnh và dài cứ chao đảo như muốn bị hất bay lên bởi gió biển. Người nghệ sĩ lừng danh quê gốc Hải Châu, Đà Nẵng ấy đã tạ thế hồi đầu năm ngoái ở tuổi 87, khi chưa biết đến đại họa Covid-19 đang hành hạ loài người như lúc này. Bên tượng đá, từng đàn bồ câu vẫn bay lượn như thường. Đàn chim câu ấy từng do nghệ nhân chim câu người Đà Nẵng Phạm Tài Thu gây dựng và huấn luyện từ hơn chục năm qua, ngày ngày những cánh chim vẽ lên bờ biển Đông khung cảnh hòa bình tuyệt đẹp. Nay thì cha đẻ của bầy chim ấy cũng vừa mới rời xa đời sống này.
Tôi nghĩ về những con người mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống đang dần mất đi. Như chính đời sống mỗi ngày bề bộn, thưa vắng nỗi an lành. Mấy ngày trước rộ tin, rằng hai ông già mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng do “cùng sinh hoạt tổ thơ”. Lãnh đạo Hội Nhà văn Đà Nẵng sau đó phải lên tiếng phủ nhận. Làm thơ thì có. Nhưng ông ở đầu, ông ở cuối thành phố, làm sao chung “tổ thơ” được chứ! Giữa dịch giã hiểm nghèo như này, mà báo chí và dư luận vẫn còn quan tâm đến… thơ! Giờ thì tính mạng của hai “nhà thơ” hưu trí ấy đang rất mong manh. Cầu cho phép màu giúp họ sớm được trở về với đời thường, với thơ.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: “Tôi đang chuyển từ nhật ký sang viết truyện phong cách cổ tích”
Những gì đang diễn ra tại Mỹ rất đặc biệt. Tôi có ghi “nhật ký đỏ” được vài tuần, rồi chán, nên không ghi nữa. Tôi đang chuyển từ nhật ký sang viết truyện phong cách cổ tích, thấy thú vị hơn. Thật sự tôi không quá lo sợ, hoảng hốt trước đại dịch và giữ tâm trạng khá bình thản. Khi dịch ở Việt Nam bùng lên trước đây, tôi chỉ lo nghĩ về mẹ và các anh chị đang có bệnh tim mạch, còn lại thì cố gắng nhìn mọi điều nhẹ nhàng đi. Còn cuộc sống ở Mỹ của tôi cũng không nhiều đảo lộn. Bởi trước đây tôi suốt ngày ngồi trong nhà đọc sách và viết linh tinh, buổi chiều ra bờ sông đi bộ hoặc đạp xe, giờ vẫn thế thôi.
Với tôi, virus của các loại bệnh sẽ không bao giờ chết hết, ta chỉ còn cách sống chung và dần biết cách đề kháng với nó. Và sống hòa bình hoặc căng thẳng là tùy cách xử sự của mỗi người. Tôi thấy may mắn vì có thể sống trong thế giới cổ tích mà mình đang tạo ra và hy vọng sẽ sớm chia sẻ cùng độc giả trên trang viết.
Nhà văn Y Ban: “Đang dần thích nghi với đại dịch Covid-19”
Tôi đang sống những tháng ngày buồn chán nhất trong cuộc đời và đang dần thích nghi với đại dịch Covid-19. Tôi đang nghĩ rất nhiều về việc sẽ tìm một nơi hoang vắng, núi non, để sống cùng thiên nhiên đất đai và cây cỏ. Tôi muốn tự tay mình bới đất trồng rau hàng ngày, cho mấy con gà ăn và nhặt những quả trứng nó đẻ ra. Tôi hình dung cuộc sống như thế sẽ rất tuyệt, tôi có thể hâm lại những cảm xúc đã mất, tìm lại những cảm xúc dâng trào ngày tấm bé khi cảm nhận được sự thay đổi của đất trời.
Cuộc sống bình thường của chúng ta vốn bộn bề, mê mải với kiếm tiền, ganh đua trên manh chiếu danh vọng, một ngày ngửng đầu lên thì chai lì hết mọi cảm xúc, muốn khóc cũng còn khó. Nhưng chốn hoang vu đó bây giờ đâu dễ tìm, nên tôi vẽ chúng trong các trang viết của mình. Chưa chắc tôi đã làm được, nhưng tôi tin văn đàn tới đây sẽ xuất hiện những tác phẩm lột tả được nỗi ám ảnh về đại dịch Covid-19.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất