Đi tìm thực chất của địa danh Bến Ngự…

19/09/2008 08:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối tháng 7-2008, trong lúc đào móng thi công công trình kè Bến Ngự, một số công nhân đã phát hiện ra hai tảng đá thanh dày 30 cm, dài từ 1,5m đến 2,4m, cách chân cầu Bến Ngự khoảng 30m, thuộc phường Vĩnh Ninh, TP Huế. Những người dân địa phương cho rằng, đây chính là dấu tích “Bến Ngự” thời Nguyễn. Các nhà nghiên cứu hiện đang tiến hành các bước thu thập thông tin tư liệu và đề xuất kế hoạch thám sát, khảo cổ nhằm tìm kiếm các cứ liệu đủ độ tin cậy…

Bến Ngự qua những hồi ức

Ông Văn Viết Hồng, 65 tuổi, một người dân địa phương gắn bó lâu năm với điểm xuất lộ các tảng đá lạ cho rằng: “Bà con trước đây gọi nơi này là bến Ông Ngự. Ngày xưa cụ Phan Bội Châu thường đến đây câu cá”. Ông Hồng khẳng định, bên dưới còn trên dưới 10 tảng đá khác. Ông Nguyễn Văn Thuận, 82 tuổi, một trong các nhân chứng sống ở Phường Vĩnh Ninh cho chúng tôi biết một thông tin khác: “Dọc theo bờ sông có nhiều bến nhỏ chủ yếu phục vụ dân sinh. Riêng “Bến Ngự” điểm xuất lộ đá thanh là bến có quy mô lớn nhất, có thể liên quan đến việc Tế Giao dưới triều Nguyễn”.
 
Gốc sung ngày nay vẫn còn tồn tại cạnh khu vực phát lộ các tảng đá lớn
 
Theo hồi ký “Một số hồi ức chưa được công bố về Phan Bội Châu” in trong tập “Ông già Bến Ngự”, tác giả Đào Duy Anh có kể một chi tiết quan trọng: “Mỗi khi có khách xa muốn thăm, cụ Phan thường để người nhà đưa xuống đò, đúng khi cụ cho ghé đò vào bến (ở gốc sung bên bờ tả ngạn bến Ngự)…”. Hai bờ tả, ngạn hiện vẫn còn rất nhiều gốc sung lớn tuổi. Cách điểm xuất lộ dấu tích nền móng được cho là di tích Bến Ngự 10m, vẫn còn một gốc sung lớn ngả ra phía bờ sông.
 
Một tảng đá lớn được phát hiện trong quá trình xây kè Bến Ngự

Qua khảo sát sơ bộ, đoàn nghiên cứu đã xác định "di tích Bến Ngự" nói trên có cấu trúc hình chữ T, được làm bằng nhiều tảng đá thanh. Bên trên là tảng đá lớn xếp nằm ngang. Tiếp đến là các tảng đá nhỏ hơn được xếp hướng về lòng sông. Một lát cắt khác ở khu vực này đã xuất lộ nền tảng đá thứ ba. Ngoài những tảng đá được tìm thấy, phần còn lại hiện giờ ngập chìm trong nước. Nhà khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm khẳng định: “Các phế tích tìm thấy này cho thấy vết tích một cái bến quan trọng, có giá trị về lịch sử, văn hoá thời Nguyễn nhưng không còn nguyên vẹn. Chưa thể xác định một cách chắc chắn. Chúng tôi sẽ kiến nghị tổ chức một cuộc thám sát, khảo cổ học để có kết luận cụ thể, đầy đủ hơn”.

Bến của cung đình hay chỉ là khái niệm dân gian?

Trao đổi với nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, ông Phan dè dặt: “Cần cẩn trọng khi đánh giá thông tin”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cũng đặt ra một số giả thuyết dựa trên những hiểu biết của mình.

1. Nếu nói đây là di tích Bến Ngự, sẽ liên quan đến việc Vua dừng chân

2. Bến Ngự: Có thể là do khái niệm dân gian về một số bến có một số yếu tố kèm theo chứ không phải là bến chính thống trong xây dựng cung đình.

Bến Ngự: Một địa danh gắn liền với cụ Phan Bội Châu (thời gian bị quản thúc ở Huế năm 1925 – 1940, người ta thường gọi cụ là “ông già Bến Ngự”). Danh từ Bến Ngự gắn bó mật thiết với người dân Huế: bằng các địa danh: chợ Bến Ngự, cầu Bến Ngự; ăn sâu vào văn hóa thơ, nhạc: “Đêm tàn Bến Ngự”… “Chợ Bến Ngự” vốn mang tên “Dương Xuân hạ”, nhưng hiện giờ, ít người dân nào còn nhớ cái tên này. Thời gian để lại một dấu ấn “Bến Ngự” khá sâu đậm trong tiềm thức người Huế.

Về giả thuyết đây là di tích Bến Ngự, vậy thuyền Vua đi trong trường hợp nào? Trong “Thực lục” và “Ngự chế văn” có nhắc đến “thuyền Vua”. Nếu tính từ Phú Xuân về hướng Nam, có hai đường thủy để nhà Vua lựa chọn: Thứ nhất: Đi đường Thuận An về đầm Cầu Hai; Thứ hai: đi từ An Cựu về đầm Cầu Hai. Dọc bờ sông An Cựu (trước gọi là Lợi Nông) dưới thời nhà Nguyễn có những hành cung rất nổi tiếng thường được nhà Vua ghé thăm, do đó cần có bến để đậu thuyền. Tại một phiến đá (nay vẫn còn tồn tại) nói về 20 cảnh đẹp xứ thần kinh, trong đó có nhắc đến hành cung Thần Phù ở Bến Ngự (hành cung này, ngày nay không còn nữa).

Nếu nói Bến Ngự có liên quan đến lễ Tế Giao thì rất có thể nhà Vua ghé lại đây trong lễ Tế Giao hoặc hồi cung. Trước đây có 2 con đường lên Nam Giao (chưa có cầu Nam Giao như bây giờ), một đường qua sông Hương đi vòng lên trên Nam Giao (nay là đường Tôn Thất Tùng) ít được sử dụng; đường thứ hai là một con đường đi khác mà nhà Vua phải đậu thuyền lại ở Bến Ngự (?)

Một giả thuyết khác, có thể đoàn Ngự đạo đi cầu phao lên Nam Giao tế lễ nên mới có Bến Ngự ở phía tả ngạn bên này. Từ việc xuất lộ các viên đá thanh cỡ lớn sát chân cầu Bến Ngự có khả năng trước đây có bến đò ngang buôn bán vì thời các Vua chúa, ở đây có Phủ Cam rất nổi tiếng.

Theo nhận định chung của các nhà nghiên cứu và nhà chuyên môn, các thông tin cứ liệu lịch sử ghi chép về Bến Ngự hiện rất hiếm hoi. Hơn nữa, nhiều địa danh mới, công trình mới ra đời sau này có khả năng làm thay đổi/chồng lấn dấu tích cũ nên mọi đánh giá vẫn đang dừng lại ở các giả thuyết khoa học cho đến khi có thêm bằng chứng sau thám sát.

Khang An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm