Sóng gió chờ đón tân Thủ tướng Nhật

17/09/2009 10:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chiều 16/9, Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Yukio Hatoyama đã chính thức được Quốc hội nước này bầu làm thủ tướng, thay thế ông Taro Aso. Điều này diễn ra trong bối cảnh người dân đặt nhiều kỳ vọng vào việc ông Hatoyama sẽ tạo nên sự thay đổi, còn nền kinh tế Nhật thì vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Thành viên “nhà Kennedy Nhật Bản”

Đúng như dự báo của giới phân tích, ông Yukio Hatoyama đã chính thức được Quốc hội bầu làm thủ tướng vào ngày 16/9. Đảng Dân chủ của ông đã giành chiến thắng vang dội ở cuộc bầu cử hồi tháng trước và giữ 308 trong số 480 ghế tại Hạ viện. Chiến thắng của DPJ còn chấm dứt nửa thế kỷ nắm quyền gần như liên tục của Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Cùng ngày 16/9, ông Taro Aso và các thành viên nội các do LDP lãnh đạo đã từ chức. Đây là nội các thứ 3 ở Nhật Bản có thời gian tại nhiệm chưa đầy một năm. Ngoài ra, ông Aso cũng từ chức chủ tịch LDP.


Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama được coi là
niềm hy vọng mới của người dân Nhật


Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama là thành viên một gia đình chính trị nổi tiếng có biệt danh “nhà Kennedy của Nhật Bản”. Ông là chính trị gia thế hệ thứ tư. Cụ nội của ông, Kazuo Hatoyama, là phát ngôn viên Hạ viện Nhật Bản trong thời gian từ 1896 đến 1897 dưới thời Minh Trị. Ông nội của ông Yukio, cựu Thủ tướng Ichiro Hatoyama, là sáng lập viên kiêm chủ tịch đầu tiên của LDP. Ông Ichiro là người có công khôi phục quan hệ ngoại giao với Liên Xô (cũ) vào năm 1951, qua đó mở đường cho Nhật tham gia Liên hiệp quốc.

Cha của ông Yukio là cựu Ngoại trưởng Iichiro Hatoyama. Mẹ ông, bà Yasuko, là con gái của Shojiro Ishibashi - sáng lập viên tập đoàn sản xuất lốp xe Bridgestone. Bà Yasuko nổi tiếng trong giới chính trị Nhật với biệt danh “Thánh mẫu” do có những đóng góp tài chính khổng lồ cho hoạt động chính trị của các con trai. Đặc biệt, bà đã đóng góp hàng tỷ yen khi Kunio và Yukio đồng sáng lập DPJ. Người em trai Kunio của ông Yukio đã làm bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông dưới thời Thủ tướng Taro Aso cho tới tận tháng 6/2009.

Liệu có tạo nên sự thay đổi?


 Ông Taro Aso dời chức thủ tướng trong bối cảnh LDP thiệt hại nặng nề quyền lực
Ông Yukio Hatoyama tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1969 và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Stanford năm 1976 - nơi ông gặp người về sau trở thành vợ mình, bà Miyuki.  Họ kết hôn năm 1975 sau khi bà Miyuki ly dị chồng. Do có kiểu đầu đặc biệt và cách ứng xử khác người, ông Yukio được những người ủng hộ và cả đối thủ đặt biệt danh là “ET” hay “Người ngoài hành tinh”.


Ông Yukio Hatoyama được bầu vào Hạ viện Nhật Bản hồi năm 1986, đại diện cho LDP. Là thành viên LDP nhưng ông đã liên tục tố cáo đảng này chỉ biết trao quyền hoạch định chính sách cho các chính trị gia già nua không còn nghĩ tới nguyện vọng của nhân dân Nhật Bản.

Năm 1993, ông rời LDP để thành lập Đảng Mới Sakigake với các cộng sự. Tiếp đó ông lập ra DPJ cùng em trai. Được một thời gian, người em từ bỏ DPJ với lý do đảng này đã đi quá xa so với cái gốc trung lập trước đây và tái gia nhập LDP. Ông Yukio ở lại với DPJ và trở thành chủ tịch đảng từ năm 1999 đến năm 2002. Tháng 5/2009, ông lại tiếp tục ngồi vào ghế chủ tịch sau khi giành 124/219 phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ Katsuya Okada.

Một số nhà phân tích nghi ngờ khả năng  DPJ, vốn thiếu kinh nghiệm do mới chỉ ra đời cách đây 11 năm, có thể tạo nên thay đổi tại một đất nước lâu nay được các quan chức quan liêu, nhiều quyền lực điều hành. Trong bước đi đầu tiên, ông Hatoyama đã công bố danh sách nội các của mình. Theo đó, tân chánh văn phòng Nội các là Hirofumi Hirano, còn chiếc ghế phó thủ tướng thuộc về Naoto Kan, người đồng sáng lập DPJ. Tân ngoại trưởng là cựu Tổng thư ký DPJ Katsuya Okada. Hirohisa Fujii, cựu cố vấn cấp cao của DPJ, nắm ghế bộ trưởng Tài chính trong khi ông Yoshito Sengoku được giao nhiệm vụ giảm bớt chi tiêu ngân sách của chính phủ. Toshimi Kitazawa, một lãnh đạo cao cấp trong DPJ, được bổ nhiệm vào ghế bộ trưởng Quốc phòng, còn ông Seiji Maehara giữ chức bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch.

Ông Hatoyama đã cam kết sẽ đảo ngược sự suy thoái kinh tế hiện nay thông qua việc đẩy mạnh các lợi ích xã hội và triển khai những chính sách gần gũi hơn với nhu cầu của công chúng thay vì các doanh nghiệp lớn. Ông cũng sẽ xem xét lại mối quan hệ với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Nhật.

Theo các nhà phân tích, kỳ vọng thay đổi mà cử tri Nhật Bản đặt vào DPJ càng lớn thì càng tạo ra áp lực với đảng này. Hiện khó khăn lớn nhất mà DPJ sẽ phải vượt qua là làm sao nhanh chóng phục hồi nền kinh tế vừa rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Con số thống kê được đưa ra chỉ 3 ngày trước cuộc bầu cử cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản đã lên mức cao nhất lịch sử - 5,7%, trong khi niềm tin của người tiêu dùng thì xuống tới mức thấp nhất.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm