05/09/2020 07:12 GMT+7
(lienminhbng.org) - Một ngày cuối năm 1974, trên đường về quê, bố tạt vào nhà ở thị xã Thái Nguyên. Gặp ngay ngoài ngõ, bố móc trong túi xách ra nắm cơm nếp dúi vào tay tôi nói vội: Cầm về cho con, bố nhớ nó. Rồi hấp tấp dắt xe ra ga Đồng Quang cho kịp chuyến tàu xuôi.
Tôi không ngờ đó là lần gặp cuối cùng với bố khi bố còn khỏe mạnh.
Chừng tuần sau, tôi nhận được điện báo trên quê, bố cảm nặng, con về ngay. Điện đánh thế là tình trạng nguy kịch lắm.
Bố nằm một tuần trong viện không tỉnh lại. Bệnh viện trả về 3 ngày thì bố lặng lẽ ra đi vào lúc 7h15 tối. Hai bố con ôm nhau về Đại Từ. Lúc ấy nhà tôi đi chuyến biểu diễn kéo dài 1 tháng, đang ở Cao Bằng, không thể về được.
Mất bố khi chưa đầy 30 tuổi. Tôi thật sự chếnh choáng. Nỗi buồn âm thầm kéo dài không biết bao nhiêu năm, nhất là khi biết ông bị xuất huyết não sau khi cùng chú hai kéo xe tre về đến nhà. Bố đi mua tre làm nhà cho chú hai, vì vợ chú ấy đòi ra ở riêng.
Mỗi lần nhớ bố, tôi lại thấy hình ảnh ông vội vã cầm nắm xôi đem từ quê, tạt vào bảo đưa cho con tôi, rồi tất bật đi ra cho kịp chuyến tàu về quê.
Hồi ấy quà nhà quê cho con cháu làm gì có tiền để mua bánh kẹo. Quà chỉ là thứ của nhà làm ra. Tôi nhiễm bệnh của bố, có miếng ăn ngon thường đem về cả gia đình, đi xa hay mua quà cho vợ cho con. Bây giờ con cái lớn cả rồi, đôi lúc lại mua quà cho cháu, vì nhớ con mình hồi đó ăn nắm xôi ngon lành lắm. Nhưng hình như những món quà mọn kiểu đó ngày nay không hợp thời với con cháu nữa, vì chúng không còn thiếu ăn như xưa nên không thích quà vặt. Hình như bố mẹ cháu cũng không có cảm giác như tôi khi cầm nắm xôi bố đưa cho với câu vắn tắt “Mang về cho con” rồi vội vã ra tàu…
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất