TTXVN bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

18/07/2016 18:46 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 18/7/2016, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được quyền tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14/7/2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ).

Sau cuộc gặp trên, nhiều cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trong đó có hãng thông tấn Tân Hoa xã, trang mạng chinadaily.com.cn (phiên bản đối ngoại tiếng Anh của tờ Trung Quốc Nhật báo) và tờ Nhân dân Nhật báo tiếng Trung Quốc, đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp nói rằng: “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông”, đồng thời cho biết: “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Phản ứng của Việt Nam về phán quyết của PCA về tranh chấp Biển Đông

Phản ứng của Việt Nam về phán quyết của PCA về tranh chấp Biển Đông

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế.


Trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có: “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của PCA về đường lưỡi bò

Phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của PCA về đường lưỡi bò

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là "không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc".


Trước đó, ngày 12/7/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016… Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Phán quyết của PCA về Biển Đông - Phép thử thế kỷ

Phán quyết của PCA về Biển Đông - Phép thử thế kỷ

Đây không chỉ là một vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn có ý nghĩa chiến lược to lớn, không chỉ cho Philippines, mà còn cho các nước tranh chấp khác có thể nhờ đến chiến lược chiến tranh pháp lý


Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”./.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm