Sẽ tăng mức phạt vi phạm giao thông

21/02/2012 11:33 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Theo dự kiến, cuối tháng 3 tới Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt tiếp dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 34 và 33 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, mức phạt các lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mạnh.

Có hiệu lực chưa được bao lâu, Nghị định 34/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã bộc lộ nhiều bất cập so với thực tiễn cuộc sống. Mặc dù Bộ GTVT đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Nghị định 33/2011 nhưng vẫn không bịt nổi những kẽ hở này. Theo dự kiến, cuối tháng 3 tới Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt tiếp dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 34 và 33.

Nghe điện thoại khi lái xe: Phạt 500 nghìn đồng

Kiên quyết phạt với những người vi phạm luật giao thông đường bộ theo Nghị định mới - Ảnh: Vietnam+

Lãnh đạo Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - đơn vị chủ trì soạn thảo - cho biết, dự thảo đưa ra sửa đổi, bổ sung 27 nội dung trong Nghị định 34, tuy nhiên số quy định mới được đưa vào rất ít. “Có rất nhiều vấn đề đã phát sinh sau khi Nghị định 34 có hiệu lực. Bên cạnh việc đề xuất tăng mức xử phạt, tạm giữ phương tiện theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi cũng điều chỉnh một số nội dung từ điều này sang điều khác để đảm bảo tính răn đe người điều khiển phương tiện được tốt hơn” - vị này cho biết.

Theo đó sẽ xử phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng đối với người điều khiển ô tô, xe máy lưu thông trên đường mà sử dụng điện thoại di động. Phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng đối với người điều khiển, ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) và các loại xe tương tự không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mà không cài quai đúng quy cách hoặc đội mũ không phải là mũ bảo hiểm theo quy định. Hiện, tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm đang được Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh, trình Chính phủ phê duyệt.

Bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho rằng việc điều chỉnh, bổ sung lần này rất cần thiết trước những biến chuyển liên tục của cuộc sống. Sau không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan tới “còi khủng”, cơ quan soạn thảo đề nghị xử phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi lắp, sử dụng thiết bị còi hơi không đúng tiêu chuẩn. Trước tình trạng đua xe và tổ chức đua xe trái phép trong thời gian qua ở một số địa phương, ban soạn thảo đã điều chỉnh một số quy định để có chế tài mạnh mẽ hơn. Theo đó sẽ phạt tiền từ 200-400 nghìn đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường; tái phạm sẽ tịch thu xe. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với việc tụ tập cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng trên đường hay đua xe đạp, đua xe xích lô, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường.

Những trường hợp cổ vũ, kích động đua xe mà cản trở, chống đối người thi hành công vụ có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng. Ngoài bị thu xe, người đua xe mô tô, gắn máy, xe máy điện trái phép còn bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; đua ô tô là 20-30 triệu đồng. Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng đối với hành vi chống người thi hành công vụ của những đối tượng đua xe ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy. Riêng đối với ô tô thiếu dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, không đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, cần gạt nước... hoặc có thiết bị mà không hoạt động được bị phạt tiền từ 300-500 nghìn đồng.

Tăng mức xử phạt

Thượng tá Nguyễn Kim Hải, Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an cho biết, chỉ đạo của Chính phủ trong lần sửa đổi này tập trung vào việc nâng mức xử phạt và tạm giữ phương tiện. Hiện Bộ Công an đang tập hợp ý kiến các địa phương để đóng góp vào dự thảo do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, làm sao cho sâu sát với tình hình thực tế.

Theo dự thảo, người điều khiển ô tô ngoài nộp phạt 800 nghìn -1,5 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, còn bị giữ xe 10 ngày, giữ giấy phép lái xe 30 ngày. Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị giữ xe 10 ngày, giấy phép 30 ngày. Người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy cũng bị đề nghị giữ xe 10 ngày.

Sau gần 2 năm triển khai thí điểm mức xử phạt cao gấp 2 lần so với khu vực khác ở các quận nội thành Hà Nội và TP.HCM, dự thảo lần này tiếp tục đề xuất giữ mức xử phạt cao đối với một số nội dung vi phạm. Tuy nhiên, lần này ngoài bổ sung nhiều nhóm hành vi bị phạt cao, Bộ GTVT đề nghị việc áp dụng này được áp dụng trong khu vực nội thành của các đô thị loại 1 trên cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng).

Dự thảo cũng quy định, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Ngoài ra, việc đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính có thể bị xử phạt 3-5 triệu đồng và giữ phương tiện 60 ngày.

Phạt 300.000 đồng nếu không mang theo giấy phép lái xe

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, ô tô sẽ bị phạt cảnh cáo và tạm giữ phương tiện 10 ngày. Nếu lưu thông trên đường mà không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực, người lái xe máy có thể bị phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng; không mang giấy phép lái xe bị phạt 200.000-300.000 đồng.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm