Để đảm bảo an toàn giao thông: "Cấm công chức uống rượu, bia giờ nghỉ trưa"

21/03/2012 19:00 GMT+7 | Thế giới

Sau 4 giờ thảo luận về chủ đề giao thông sáng 21/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận triển khai hàng loạt giải pháp như tăng mức phạt, tăng biên chế CSGT, cấm cán bộ uống rượu bia vào buổi trưa...

Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong những tháng đầu năm, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô có nhiều chuyển biến. Số vụ tai nạn, số người chết, bị thương đều giảm. "Hà Nội đã thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm ủn tắc, đảm bảo an toàn giao thông như đổi giờ làm, cấm taxi, đầu tư hạ tầng, xử lý nghiêm các vi phạm...Tuy nhiên kết quả đạt được còn rất khiêm tốn", ông Khôi nói.

Phó chủ tịch thành phố cho hay, sắp tới, thành phố sẽ triển khai hàng loạt các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc như trong quý 3 năm nay sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông đến 2030, tầm nhìn 2050; phối hợp thực hiện các đề án của Bộ GTVT như quản lý phương tiện cá nhân, thu phí vào nội đô. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông như hai cầu vượt ở ngã tư Láng Hạ - Thái Hà và Tây Sơn - Thái Hà, tiếp tục thi công hai cầu vượt khác ở nội đô; sắp xếp lại các điểm đỗ xe trên hè phố, tăng phương tiện công cộng...



Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Đánh giá cao những biện pháp quyết liệt của Hà Nội trong thời gian qua và so sánh với TP HCM, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng là thành phố lớn, TP HCM cần học tập cách làm của Hà Nội.

"TP HCM đua xe trái phép nhiều, cướp giật nhiều. Xử lý của TP HCM chưa quyết liệt, đồng bộ như Hà Nội. Trong thời gian ngắn mà Hà Nội làm được mấy cầu vượt nội đô, lực lượng cảnh sát giao thông thì túc trực ngày đêm. Hà Nội là một điểm sáng giao thông", Phó thủ tướng biểu dương.

Cũng tại cuộc họp, hầu hết các lãnh đạo địa phương cho biết, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn ra nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân ý thức người tham gia giao thông thì cũng không thể phủ nhận thực tế hạ tầng chưa đáp ứng tốc độ phát triển phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân.

Theo ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngoài biện pháp tuyên truyền cho người dân cần đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật. Ông Khoa cho rằng, tài xe gây tai nạn có nguyên nhân chủ quan thì ngoài xử lý hình sự thì cấm hành nghề vĩnh viễn.

"Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chỉ đạo khởi tố các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để làm gương. Huyện nào để xảy ra nhiều tai nạn giao thông thì chủ tịch UBND xử lý người đứng đầu huyện đó", ông Khoa nêu kinh nghiệm của tỉnh mình.

Trong khi đó, kinh nghiệm của Thái Bình là làm sạch vỉa hè, cấm buôn bán lấn chiếm. Ngoài các biện pháp xử phạt thông thường, gia đình đảng viên nào có người vi phạm luật lệ giao thông thì đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ...

Các lãnh đạo địa phương đều kiến nghị Chính phủ nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng sớm tuyến quốc lộ qua tỉnh mình; đồng thời tăng biên chế lực lượng cảnh sát giao thông để đảm đương được khối lượng công việc.

Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ cũng cho rằng, cần tăng mức bồi dưỡng lên 30% số tiền phạt vi phạm đối với cảnh sát giao thông, nếu không sẽ dễ có tình trạng "chung chi". Trước quyết định của Đà Nẵng về việc tăng bồi dưỡng 5 triệu đồng cho cảnh sát giao thông, Thứ trưởng Ngọ đã gửi lời cám ơn tới Bí thư thành phố này.

Cũng theo Trung tướng Ngọ, các vụ tai nạn nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự, không thể dàn hòa giải quyết như dân sự, phải thống kê số vụ đã xử lý hình sự trong năm qua.

"Nhiều cảnh sát giao thông các tỉnh phía bắc xử lý không nghiêm là do có chung chi, lượng phương tiện cao song số tiền phạt ít. Khác với nhiều tỉnh phía nam, số tiền phạt rất cao", Thứ trưởng Ngọ phát biểu. Ông cũng yêu cầu tịch thu phương tiện vi phạm dù là xe chính chủ hay không và tiêu hủy những xe đã bị "độ" lại, nếu xe chưa "độ" thì cần hóa giá.

Bức xúc trước số tai nạn giao thông quá lớn, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nói: "Việt Nam được đánh giá là nước hòa bình mà mỗi năm có hàng chục nghìn người chết thì không thể chấp nhận được. Từ thực tiễn mà đưa ra giải pháp, nếu pháp luật chưa có thì phải đưa vào để quyết tâm giảm tai nạn".

Ông Liên đề xuất, phải có cơ chế khen thưởng các địa phương nếu giảm tai nạn và phạt nếu tăng số người chết. Ngoài ra, phải giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho học sinh trong các trường phổ thông. Bộ Giáo dục Đào tạo phải xem đây là một nội dung giáo dục.



Chính phủ đưa ra một loạt các biện pháp nhằm giảm 10% số vụ tai nạn trong năm 2012. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, quý 1 vừa qua, cả nước đã giảm 48% số vụ tai nạn, giảm 19% số người chết và 61% người bị thương so với cùng kỳ. Phó thủ tướng cũng đánh giá những kinh nghiệm, biện pháp của từng thành phố như đổi giờ, cấm trông giữ xe máy trên các tuyến phố ở Hà Nội; tăng tiền bồi dưỡng cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng; đưa đảng viên vi phạm giao thông ra kỷ luật trước chi bộ ở Thái Bình...

"Đây là những biện pháp, kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập. Đã đến lúc hệ thống chính trị cùng vào cuộc từ thành phố đến các khu dân cư, cần công khai danh tính người vi phạm", Phó thủ tướng bày tỏ.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng, số tai nạn giảm thời gian qua chưa vững chắc và còn nhiều biểu hiện đáng lo ngại, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra cả đường bộ, đường sắt. "Nếu giảm được một người chết hay một người bị thương thì gia đình của họ hạnh phúc bao nhiêu, trách nhiệm của chính quyền là bảo về tính mạng của nhân dân", ông Phúc nói.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện một loạt biện pháp thuộc trách nhiệm chính quyền như hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường xử lý nghiêm vi phạm giao thông, chống lấn chiếm vỉa hè, nghiêm cấm cán bộ công chức uống rượu bia...

"Cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa. Buổi chiều anh uống rượu rồi về nhà ngủ thì không ai cấm. Mức phạt cũng cần nặng hơn, vi phạm giao thông lần hai phải phạt nặng hơn lần thứ nhất", Phó thủ tướng nói.

Theo đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, trong quý 2, UBND các tỉnh, thành, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp ban hành quy định "không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa", xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh: "TP HCM có nửa triệu ôtô, 5 triệu xe máy, nên cần phải hạn chế phương tiện cá nhân, không nước nào khuyến khích dân đi phương tiện cá nhân. Việc phát động người dân đi bộ là rất cần thiết".

Không chỉ địa phương, các bộ ngành cũng phải vào cuộc, thực hiện các biện pháp giảm tai nạn như ngành y tế ban hành đề án nồng độ cồn, các ngành giao thông, khoa học công nghệ xử lý mũ bảo hiểm rởm. Đặc biệt Bộ Tài chính có lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản, tăng chế độ cho cảnh sát giao thông.... Phó thủ tướng cũng phê bình ngành giáo dục triển khai giáo dục văn hóa giao thông quá chậm, ông đề nghị năm nay các trường học phải có chương trình giáo dục giao thông.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm