Vietnam’s Next Top Model: Tiền đâu để xa xỉ?

19/10/2013 07:01 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Những tập đầu tiên của cuộc thi Tìm kiếm người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model - VNTM) mùa thứ ba vừa lên sóng đã làm lóa mắt người xem vì sự xa xỉ.

Ở tập 1, dàn giám khảo bước xuống từ chiếc Limousine cáu cạnh, hàng ngàn thí sinh chờ đợi họ ở sân và sảnh của một trung tâm hội nghị sang trọng có trần nhà cao tới cả chục mét. Còn ở tập 2 mới phát sóng tối Chủ nhật vừa rồi, 18 thí sinh ùa vào một khu nhà ở cao cấp với nội thất đắt tiền để giành nhau những chiếc giường, mở những gói quà là các hộp mỹ phẩm cao cấp, rồi tụ họp quanh chiếc bàn ăn lớn có bày từ nước suối đến rượu nhẹ, người thì nói chuyện, người mang điện thoại ra chụp hình… Mỗi tập, VNTM lại trưng ra thêm vài sự xa xỉ.



Giải thưởng khủng

2 tỷ đồng trị giá giải thưởng chung cuộc cho người giành chiến thắng trong cuộc thi này là khoản cộng từ các giải thưởng “con” bao gồm: 200 triệu đồng tiền mặt từ tạp chí F, hợp đồng đại diện độc quyền trong vòng 1 năm cho thương hiệu Nokia trị giá 200 triệu đồng và được sử dụng miễn phí các dòng điện thoại Nokia mới nhất trong vòng 1 năm trị giá 100 triệu đồng, 200 triệu đồng từ mỹ phẩm Bourjois trong đó bao gồm 100 triệu đồng tiền mặt và 100 triệu đồng sản phẩm; 1 năm sử dụng dịch vụ làm đẹp và chăm sóc da miễn phí tại Pamas - Beauty Clinic trị giá 300 triệu đồng, 1 năm ở trong căn hộ cao cấp (giá 5 tỷ) của The Vista trị giá 600 triệu, thẻ tập luyện tại trung tâm California Fitness & Yoga trong 1 năm trị giá 450 triệu, 200 triệu từ sản phẩm thời trang Canifa. Thật ra thì tổng cộng đã là hơn 2 tỷ, chính xác là 2 tỷ 250 triệu đồng. Đó là chưa tính vài giải thưởng phụ khác, bên cạnh hợp đồng làm việc trong vòng 2 năm trị giá 1 tỷ đồng với Công ty Quản lý và Đào tạo người mẫu BeU Model. Xét ra, số tiền mặt quán quân nhận được chỉ có 500 triệu, còn lại đều là sản phẩm, dịch vụ mà họ sẽ được hưởng sau khi đăng quang.

Tỉ mẩn đếm logo nhà tài trợ trên website của cuộc thi này, con số chính xác đến hiện tại là 16 nhà. 16 logo được dàn hàng ngang trên subbox dành riêng cho nhà tài trợ, không phân biệt kích thước, vị trí trước sau, trên dưới. Sự nhạy cảm của những người làm trong ngành truyền thông quảng cáo cho thấy, gần như tất cả các nhà tài trợ đều phải “chung chi” những món khủng ngang nhau, chỉ có điều, kẻ là sản phẩm, người là tiền mặt. Và tiền hay sản phẩm, dịch vụ dành cho giải thưởng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nhìn vào sự trau chuốt kỹ càng đến từng chi tiết để tạo cảm giác xa xỉ của cuộc thi này sẽ thấy đụng đâu cũng là tiền, rất nhiều tiền. Tiền mua format, nghe nói cũng xấp xỉ 1 triệu đô. Tiền thuê giám khảo gồm siêu mẫu đắt giá hạng nhất Thanh Hằng, nhà thiết kế cũng đắt giá hạng nhất Đỗ Mạnh Cường, chuyên gia trang điểm Nam Trung, người mẫu - chuyên gia catwalk đến từ Australia; tiền thuê đạo diễn, ê-kíp sản xuất cho một chương trình kéo dài vài chục tập phát sóng; tiền đi Pháp thực hiện bộ ảnh cho những thí sinh lọt vào Top 3; tiền tổ chức show chung kết truyền hình trực tiếp… Theo một nhà tổ chức chuyên nghiệp, nếu tính theo thời giá thị trường tổ chức biểu diễn thì số tiền cần cho việc tổ chức chương trình này có thể lên đến 20 tỷ đồng!



Vài tỷ đồng đổi vài chục phút lên sóng

Con số cụ thể và chính xác về số tiền mà các nhà tài trợ chi ra cho cuộc thi này đương nhiên không bao giờ được công bố. Nhưng cũng không quá khó để biết được một cách tương đối những con số như vậy.

Nghe nói, số tiền mà nhà tài trợ là nhãn hàng sản phẩm tiêu dùng phải bỏ ra để logo, sản phẩm xuất hiện trên hầu hết các tập phát sóng của cuộc thi này phải bỏ ra là không dưới 100.000 USD - khoảng 2,1 tỷ đồng. Đơn vị bảo trợ truyền thông và tài trợ giải thưởng tiền mặt cùng chuyến đi Pháp cho Top 3 phải bỏ ra 1 tỷ. Hãng nước suối, rượu nhẹ ngoài việc cung cấp sản phẩm còn phải trả số tiền mặt không dưới 1 tỷ để được xuất hiện trong những cảnh thí sinh ăn uống. Khu resort 4 sao ở Nha Trang tài trợ địa điểm ăn ở cho thí sinh tỷ thí ở bãi biển đẹp nhất nước và phải “cõng” thêm tiền mua vé máy bay cho tất cả thí sinh cùng ê-kíp sản xuất. Hai hãng mỹ phẩm phải cung cấp rất nhiều sản phẩm để phục vụ không chỉ thí sinh mà còn để Ban tổ chức làm quà tặng trong các cuộc họp báo thông tin về các hoạt động của chương trình, đồng thời cử hàng chục nhân viên, chuyên viên trang điểm phục vụ thí sinh. Khu căn hộ cao cấp dành một căn trị giá lên tới cả triệu đô để làm ngôi nhà chung, sau đó dùng một căn để thí sinh thắng cuộc ở trong vòng một năm…

Ngoài ra, nghe nói, để có được giờ phát sóng “kim cương” mỗi tối Chủ nhật trong hơn 3 tháng, nhà tổ chức phải trả cho đài truyền hình khoảng từ 10 đến 15 tỷ đồng, đổi bằng doanh thu quảng cáo.

Một cuộc chơi hết sức tốn kém. Và nếu bạn chăm xem ti-vi, bạn sẽ thấy những cuộc chơi tốn kém đang tỷ lệ nghịch với sự khủng hoảng của nền kinh tế.

2 tỷ đồng là trị giá của tổng số các giải thưởng dành cho người trở thành quán quân VNTM 2013, chưa kể suất học bổng trị giá 1 tỷ đồng của Công ty Quản lý và Đào tạo người mẫu BeU Model. Nhưng đó mới chỉ là số tiền trao vào chung cuộc. Trên hành trình để các thí sinh đi đến chung cuộc, sự xa xỉ, tốn kém được phô bày trên từng tập phát sóng của cuộc thi này khiến khán giả phải trầm trồ và thắc mắc: Tiền ở đâu?


Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm