06/07/2013 14:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đừng bị cái tên The Great Gatsby đánh lừa. "Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gatsby (tức nhà văn F. Scott Fitzgerald - TT&VH) mới vĩ đại" - dịch giả Trịnh Lữ viết trong lời chia sẻ cuối bản dịch Đại gia Gatsby năm 2012.
Trong bài viết này,Thể thao & Văn hóa bàn về nguyên tác văn học Mỹ rất nổi tiếng của phim điện ảnh The Great Gatsby đang chiếu tại Việt Nam. Người viết bài này đồng ý với dịch giả Trịnh Lữ, nếu quả thực hiểu đúng ý ông.Tạm hiểu "vĩ đại" theo nghĩa là "lớn" thì gia sản của Gatsby cũng có thể tính là vĩ đại, nỗi đau của nhân vật cũng vĩ đại, nỗi cô đơn lại càng vĩ đại. Còn cuốn sách thì đã trở nên vĩ đại hơn chính câu chuyện mà nó kể, được huyền thoại hóa như một biểu tượng của "thời đại Jazz" những năm 1920 ở Mỹ, thời đại được chính Fitzgerald đặt tên.
Một thứ khác cũng vĩ đại, chính là thứ gọi là "vẻ đẹp văn chương Fitzgerald", như lời cây bút Russell Wenholz của trang The Age. Theo Wenholz, khi mới đọc, ông chú ý đến cốt truyện, các nhân vật, bối cảnh giàu sang, chủ đề giấc mơ Mỹ… Nhưng nếu đọc lại một hoặc nhiều lần nữa, thứ càng lúc càng hiện rõ sẽ là "vẻ đẹp văn chương Fitzgerald".
Nhưng đại gia Jay Gatsby thì sao?
Điểm lại lý lịch nhân vật này: một đại gia mới nổi tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Mỹ giàu lên nhờ tự phấn đấu chứ không phải được thừa hưởng gia sản từ tổ tiên danh giá. Gatsby có quá khứ không êm đẹp: sinh năm 1890 trong một gia đình Mỹ gốc Đức nghèo, yêu/tôn thờ một tiểu thư quyền quý (Daisy), bị nàng ám ảnh sâu sắc nhưng không cưới được nàng. Để giàu có, Gatsby đã buôn rượu lậu, lừa đảo và làm ăn với xã hội đen.
Leonardo DiCaprio (ảnh trái) và Robert Redford mặc bộ vest màu hồng gắn với hình tượng nhân vật Jay Gatsby khi thủ vai này trong các phiên bản phim năm 2013 và 1974 |
Cảm nhận của nam diễn viên về nhân vật văn học này đã thay đổi hoàn toàn theo thời gian, giống như hầu hết những ai đã đọc tác phẩm khi còn niên thiếu và đọc lại khi đã trưởng thành và từng trải hơn.
Cụ thể, khi còn học trung học, Leo nghĩ Gatsby là một người đàn ông "kiên cường, từng trải, tinh tế, bí ẩn và kiểm soát được mọi thứ" (lời anh nói với tờ Mirror). Nhưng khi đã trưởng thành, anh lại nghĩ Gatsby là một người "trống rỗng, là cái vỏ của một người đàn ông cố gắng tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời nhưng không thực sự nắm bắt được hiện thực".
Người viết bài này đọc tác phẩm năm 24 tuổi và có cảm nhận giống như Leo-trưởng-thành, coi như đỡ tốn thời gian mơ tưởng một Gatsby mạnh mẽ.
Từ góc nhìn hẹp hòi của phái nữ, nhân vật này còn rất yếu đuối, yêu say sưa một thứ ảo ảnh (Gatsby yêu Daisy nhưng không bao giờ hiểu nàng là người như thế nào và nàng muốn gì, dù Daisy thì cũng trống rỗng), lụy tình và, hơi hèn nhát nữa. Không thể tưởng tượng nổi một người đàn ông lại lo lắng và bồn chồn đến nỗi trốn mất khi sắp gặp lại người trong mộng (khi Nick đưa Daisy đến lâu đài của Gatsby chơi). Một sự trớ trêu: giàu không ai sánh kịp nhưng yếu đuối và mong manh như thể không có gì trong tay.
Từ góc nhìn cảm thông của phái nữ, Gatsby ngồi đó lạc lõng trong mọi bữa tiệc xa hoa của giới minh tinh tài tử mà chính ông là người tổ chức. Gatsby cũng cực kỳ tội nghiệp vì không có lấy một người bạn thực sự (trừ người kể chuyện Nick, người đã lo hậu sự cho Gatsby khi ông qua đời trong cô độc) trong khoảng thời gian sống không dài (32 năm) nhưng đã trải qua nhiều cuộc đời khác nhau.
"Ông ta là một bi kịch lớn và toàn bộ câu chuyện cũng là một bi kịch lớn" - lời Leo. Đúng vậy, Gatsby chỉ là đại gia, còn việc Fitzgerald dựng nên bi kịch về nhân vật này mới là vĩ đại.
Trả lời trang Refinery29, Leo phát biểu dài hơn: "Gatsby là người muốn xóa bỏ quá khứ và gạch bỏ mọi kết nối giữa bản thân mình hiện tại với xuất thân khiêm nhường để có thể trở thành một con người mới hoàn toàn, một nhà tài phiệt lớn của West Egg (địa danh tưởng tượng trong The Great Gatsby - TT&VH)".
Rất nhiều người muốn xóa bỏ quá khứ, một số người hầu như đã xóa bỏ được, một số thì không bao giờ. Nhưng, bất cứ ai có ý định này, dù đã thành công hay chưa, đều tội nghiệp. Tội nghiệp, không vĩ đại.
Ít nhất có cây bút Karielle Stephanie Gam của Huffington Post có chung quan điểm với người viết (hoặc người viết có chung quan điểm với Gam). Gam viết: "Bi kịch của Gatsby từ chỗ có tất cả đến không có gì cho thấy khoảng cách không thể chối cãi giữa ông và sự vĩ đại… Số phận của Gatsby, cú ngã từ đỉnh cao của ông, cho thấy những gì chúng ta vẫn muốn, nhưng không bao giờ có được".
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất