13/01/2020 20:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tuần lễ thứ ba của năm 2020 (từ 13 đến 19/1 - tức từ 19 đến 25 tháng Chạp). Đây cũng là tuần lễ mà các địa phương tập trung cho những chương trình, lễ hội phục vụ Tết Nguyên đán.
1. Rất nhiều hoạt động đa dạng hướng đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng có thể nói, chợ hoa phục vụ cho nhu cầu hoa của người dân, hội hoa Xuân khai mạc trước Tết và chương trình văn nghệ Giao thừa thì tỉnh, thành nào cũng có. Một số thành phố lớn còn có bắn pháo hoa ở thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới.
TP.HCM và Hà Nội, hai thành phố lớn nhất nước thường có những hoạt động đặc sắc và cũng thường tiến hành khá sớm. Tuần vừa qua (4/1, tức mùng 10 tháng Chạp), Hà Nội đã khai mạc chợ hoa gồm 51 điểm ở các quận huyện để phục vụ nhu cầu hoa cho nhân dân. Ở TP.HCM, Lễ hội Tết Việt vừa khai mạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên hôm 9/1 (15 tháng Chạp), nổi bật với đoạn đường mai vàng rực rỡ khoảng 300m trước mặt Nhà Văn hóa, đây cũng là địa điểm thu hút khá đông đảo bạn trẻ đến vui chơi và chụp hình lưu niệm.
Tuy nhiên, hai sự kiện đáng chú ý có thể đề cập cho Xem nghe thấy đọc tuần này là Chương trình Tết Việt Canh Tý với chủ đề Tết phố 2020 tại Hà Nội và chuẩn bị cho Đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM.
2. Chương trình Tết Việt do CLB Đình làng Việt tổ chức, diễn ra từ 8h đến 21h ngày 18/1 (24 tháng Chạp) tại nhiều địa điểm tại Hà Nội. Đây được xem là việc tái hiện cơ bản những nghi thức và hoạt động đón Tết của người xưa. Bao gồm: Lễ rước Thành hoàng, dựng cây nêu, gói bánh chưng, lễ cúng Tất niên gia đình… và những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống như: Hát cửa đình, hát thờ Thành hoàng, diễn xướng dân gian, bày bán tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, viết thư pháp…
Các hoạt động nêu trên được diễn ra theo một lịch thời gian và lần lượt diễn ra ở các địa điểm: Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và Trung Tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).
Đây là hoạt động thường niên của CLB Đình làng Việt từ năm 2016 để giới trẻ có dịp ôn lại những lễ nghi của Tết Việt nhằm lan tỏa các giá trị truyền thống trong cộng đồng,đồng thời cũng là hoạt động quảng bá hình ảnh văn hóa của Việt Nam đối với du khách.
Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức liên tục vào dịp Tết Nguyên đán kể từ Tết Giáp Thân 2004. Dù những năm gần đây, Hà Nội, Đà Đẵng… cũng có tổ chức phố hoa, đường hoa, tương tự như ở TP.HCM. Tuy nhiên Đường hoa Nguyễn Huệ vẫn được xem là “đặc sản” của TP.HCM với những thiết kế, trưng bày đặc sắc và đặc biệt là ý thức của người dân khi đến thưởng thức Đường hoa (không có tình trạng bẻ hoa, “hôi hoa” như ở một số nơi khác).
Năm nay, Đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề TP.HCM - Vững tin tiến bước, ý tưởng xây dựng Đường hoa được lấy cảm hứng từ Đám cưới chuột (tranh Đông Hồ). Đường hoa được thiết kế gồm 3 phân đoạn, trải dài khoảng 700 mét phố đi bộ Nguyễn Huệ (từ đài phun nước nghệ thuật đến ngã ba Tôn Đức Thắng). Đầu đường hoa là gia đình chuột cách điệu ôm đànca hát chào đón năm mới. Suốt đường hoa gồm nhiều tiểu cảnh đặc sắc theo từng chủ đề chủ đề.
Tuần này cũng là tuần lễ cao điểm thi công của Đường hoa để chuẩn cho lễ khai mạc vào 19h ngày 22/1 (28 tháng Chạp) và kéo dài đế 21h ngày 28/1 (mùng 4 Tết).
Ngoài ra, những hoạt động “hoa” khá đặc sắc khác có thể kể đến Hội hoa Xuân Tao Đàn và chợ hoa Tết Canh Tý tại TP.HCM (từ 19 đến 30/1 (25 tháng Chạp đến mùng 6 Tết) với triển lãm nhiều loại hoa, cá kiểng, bonsai, non bộ, tiểu cảnh. Hội hoa Xuân Phú Mỹ Hưng được xem như “người anh em” của Đường hoa Nguyễn Huệ, từ 17 đến 23/1 (23 đến 29 tháng Chạp) tại khu vực Hồ Bán Nguyệt, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7.
Ở Đà Nẵng, ngoài Đường hoa bên bờ sông Hàn, còn có Lễ hội hoa tulip “Xứ sở muôn loài”, từ 20/1 đến 31/3 (26 tháng Chạp đến qua Tết) tại Sun World, khu du lịch Bà Nà Hill. Lễ hội với khoảng 1,5 triệu bông hoa thuộc nhiều dòng hoa tulip đặc sắc của Hà Lan và thế giới.
Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất