Ai thật sự là cướp biển tại Somalia?

23/03/2012 09:28 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Khi bị tước đoạt nguồn lợi thiên nhiên của mình, nhiều ngư dân nghèo khó của đất nước Somalia, châu Phi, không có con đường nào khác là trở thành… cướp biển. Cùng lúc đó, các quốc gia đang có đội tàu đánh bắt cá xa bờ hùng hậu lại cáo buộc một nhà môi trường học người Canada, thuộc tổ chức “Sea Shepherd”, nơi bảo vệ tài nguyên biển, là kẻ cướp và kẻ khủng bố! Vậy ai mới thực sự là cướp biển tại Somalia?

Siêu thị trên biển

“Sea Shepherd”, tên đầy đủ là “Sea Shepherd Conservation Society” (SSCS), là một tổ chức phi chính phủ về hàng hải được thành lập năm 1977, với người khởi xướng là Paul Watson, một nhà môi trường học người Canada. Tổ chức này đặt trụ sở tại Mỹ và hoạt động trong tiêu chí bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển trên khắp thế giới.

Theo phân tích của SSCS, các đội tàu đánh bắt cá hiện đại khổng lồ từ nước khác đến “ăn hàng” trên vùng biển Somalia đã biến nơi đây trở thành một siêu thị mua sắm khổng lồ, đồng thời đây cũng là nơi để các nước châu Âu vứt rác thải của mình. Cũng theo SSCS, chính các con tàu này đã cướp đi nguồn sống của ngư dân Somalia, biến họ thành cướp biển và những kẻ khủng bố.

Paul Watson, người sáng lập tổ chức “Sea Shepherd Conservation Society”
bảo vệ môi trường và đấu tranh chống lại việc săn bắt cá voi

Năm 1991 Chính phủ Somalia sụp đổ và nội chiến bùng phát. Từ đó, 3.300km chiều dài bờ biển và lãnh hải của nước này, vốn là nơi có trữ lượng cá lớn nhất thế giới, đã bị bỏ ngỏ và nhanh chóng trở thành một miếng mồi ngon cho các đội tàu đánh bắt nước ngoài đến đây hoạt động tự do và ngày càng đông đúc. Đồng thời, bờ biển Somalia cũng chẳng mấy chốc trở thành thùng rác khổng lồ của các quốc gia châu Âu. Từ đó, các đội tàu nước ngoài rỉ tai nhau rằng, vùng nước Somalia hoàn toàn không có luật lệ, quy định nào cả, “đấy là thiên đường của chúng ta!”.

Nhiều quốc gia châu Âu đã phái các đội tàu đánh cá được trang bị hiện đại lao đến Somalia và thoải mái kéo lưới nhiều loài cá biển có giá trị thương mại cao như cá ngừ, cá kiếm, tôm hùm, cá mập,… Tất cả các kỹ thuật đánh bắt tối tân nhất đã được sử dụng, và giới hạn đánh bắt khi đó chỉ được tính trên tải trọng tối đa của các con tàu đó mà thôi, tức là, khi nào tàu chở hết nổi cá nữa thì dừng. Chỉ trong năm 2008, hoạt động đánh bắt cá của các con tàu nước ngoài tại vùng biển Somalia đã thu lợi hơn 300 triệu USD. Khi giới truyền thông tố cáo việc một tàu đánh cá ngừ của Pháp bị tấn công ngoài khơi Somalia, lập tức bà Lamya Essemlali, Chủ tịch chi nhánh tổ chức Sea Shepherd tại Pháp, đã đặt ra câu hỏi: Có ai biết được chiếc tàu đánh cá ngừ của Pháp đó đã làm gì trên lãnh hải của một quốc gia nghèo nhất thế giới kia không?

Và bãi rác thải rẻ nhất thế giới

Thực tế là nhiều công ty tại châu Âu đã thấy ra được khu vực lãnh hải Somalia, vốn không được bảo vệ, là một nơi lý tưởng để họ tống khứ đủ loại chất thải độc hại mà người dân tại châu Âu rất “khó chịu”. Năm 2005, Nick Nuttall, người phát ngôn của Chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc (LHQ), từng xác nhận: “Kể từ thập niên 1990, vùng biển ngoài khơi Somalia đã được sử dụng như một nơi đổ chất thải trong khi cuộc nội chiến đang tàn phá đất nước này. Người ta đến đây để vứt bỏ các thùng phuy chứa chất thải phóng xạ, uranium, chì, kim loại nặng, và cả rác y tế… Các công ty tại châu Âu kết luận rằng đây là một giải pháp rất rẻ tiền, với chi phí bỏ ra thật nực cười là 2,5 USD/tấn chất thải được vứt xuống mặt nước tại vùng biển Somalia, trong khi xử lý tại châu Âu phải mất đến 1.000 USD/tấn”. Có nghĩa là rẻ hơn đến 400 lần.

Tháng 12/2008 LHQ ra quyết định cho phép các quốc gia có tàu bị tấn công ngoài khơi Somalia được quyền sử dụng các biện pháp quân sự trên biển, trên đất liền và trên không để trấn áp các phần tử cướp biển nào có hành động đe dọa và phá hoại hoạt động giao thương hàng hải tại khu vực này. Đây chính là câu trả lời đáp lại duy nhất từ cộng đồng thế giới được chuyển đến những ngư dân Somalia đang bị lụn bại, đang bị tước mất nguồn nuôi sống từ biển cả, thậm chí bị lăng nhục, và cuối cùng buộc phải trở thành “cướp biển”.

Cướp biển Somalia khi bị bắt

“Sea Shepherd” của Paul vốn hoạt động theo Hiến chương LHQ về bảo vệ thiên nhiên và trong đó Paul là thủ lĩnh. Nhưng khi Paul ở ngoài khơi thì ông gần giống như thuyền trưởng Nemo, nghĩa là ông làm những gì mình cho là đúng, ngay cả khi điều đó là vi phạm pháp luật. Ông gọi đội tàu của mình là Hải đội của Thần biển và coi nó là một cơ quan thi hành luật pháp. Nhiều lúc, trước khi đâm vào một chiếc tàu đánh bắt cá voi bất hợp pháp, Watson sẽ gửi tín hiệu radio cho thuyền trưởng tàu đó và trịnh trọng nói: “Làm ơn di chuyển khỏi những vùng biển này. Các vị đang vi phạm những quy định về bảo tồn quốc tế”. Cờ của đội tàu SSCS có hình đầu lâu và vì thế các nước bảo vệ đội tàu săn cá voi của mình lại cho rằng, chính SSCS của Paul Watson, với cờ hiệu như trên, mới chính là cướp biển. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia và nhân vật nổi tiếng đứng về phía Paul nhưng cũng rất nhiều quốc gia khác như Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Canada hay Costa Rica đã lên án ông, nhiều quan chức thậm chí còn gọi ông là kẻ khủng bố, thậm chỉ ở Iceland người ta gọi ông là “kẻ không được thừa nhận ở đây”.

Nhưng Paul Watson không ủng hộ việc các ngư dân Somalia dùng vũ lực để đáp trả các tàu nước ngoài. Ông cảnh báo rằng vấn đề này không giống như chuyện ông đòi quyền sống cho cá voi mà ở Somalia, vấn đề cướp biển phải được giải quyết tận gốc. Theo ông, nếu việc các tàu đánh bắt cá nước ngoài đến khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên biển trên lãnh hải Somalia không bị ngăn cản và trừng trị (hải quân các nước có tàu đánh bắt cá đến đây luôn theo sát để bảo vệ tàu của mình), thì “thùng thuốc súng” tại Somalia có thể sẽ lan rộng ra tại các quốc gia châu Phi khác.

Cướp biển không yếu đi

Để ngăn chặn việc cướp biển Somalia hoành hành để đòi tiền chuộc, nhiều quốc gia đã gửi tàu chiến đến tuần tra trong vùng. Thay vì gác kiếm, cướp biển Somalia đã mạnh hơn. Từ năm 1991, Somalia bị chìm ngập trong nội chiến và trong nhiều năm liền, các tàu đánh bắt cá từ châu Âu và Đông Nam Á đã lợi dụng tình hình rối ren tại Somalia để đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực lãnh hải Somalia. Và khi không có khả năng để tự vệ, các ngư dân Somalia địa phương đã tự mình trang bị vũ khí để đánh đuổi tàu nước ngoài xâm nhập đánh bắt trái phép. Cũng từ đó, các cuộc tuần tra đã diễn ra thường xuyên hơn và trở thành món lợi cho cướp biển Somalia: chúng được tổ chức lại một cách quy củ hơn để tấn công và đòi tiền chuộc hiệu quả hơn! Vào năm 2009, theo ước tính, cướp biển Somalia đã thu được tổng cộng 80 triệu USD tiền chuộc, và “công nghệ đòi tiền chuộc” bỗng chốc trở thành một ngành kinh doanh béo bở!

Một báo cáo vào năm 2009 của LHQ thực hiện tại thành phố Eyl, một trong những nơi đặt sào huyệt của các “Chúa biển Somalia” có công thức ăn chia rõ ràng: nhóm cướp biển chịu trách nhiệm ra khơi ăn hàng được hưởng 1/3 số tiền thu được và số tiền sẽ được chia đồng đều cho tất cả thành viên của nhóm (tuy nhiên, tên cướp biển đầu tiên lên được tàu sẽ nhận được 2 suất tiền thưởng, tức gấp đôi). Sau đó, cướp biển giữ vai trò “thủ quỹ” sẽ được hưởng 1/5. Và các thành viên trong đội bảo vệ lãnh địa của nhóm cướp biển đóng trên đất liền sẽ được chia 10% số tiền thu được, cuối cùng, những lãnh đạo của cộng đồng dân cư địa phương trong vùng sẽ được hưởng tỷ lệ tiền như trên. Và trong trường hợp có một cướp biển bị thiệt mạng, gia đình hắn sẽ nhận được một số tiền bồi thường thỏa đáng.

Tại một quốc gia mà thu nhập GDP hàng năm tính trên đầu người vào năm 2007 chỉ có 287 USD, thì đối tượng tham gia vào những đội cướp biển này sẽ có thu nhập lên đến hàng ngàn USD. Câu hỏi dường như đã được trả lời.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm